[justify]Tại Việt Nam, các quý ông dường như chỉ chăm chăm tăng cường “bản lĩnh đàn ông” còn quý bà thì đầu tư vào làm đẹp da, đẹp dáng để rồi đua nhau săn lùng, không ngại chi tiền vào những món ăn, đồ uống mà chẳng biết công dụng đến đâu, đôi khi còn có tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng.[/justify]
[justify]Phân dê non chứa lá ngón…đại bổ?
Dường như quan niệm “ăn gì bổ nấy” đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Nhiều người không ngần ngại ăn cả những thứ được coi là “đồ thải”, “rác thải”. Từ giun, gián, rắn rết, trứng ung đến nhau thai người, họ cũng ăn, những món ăn tưởng chừng chỉ có thời nguyên thủy.
Trong một chuyến công tác lên vùng núi Sơn La, PV Người Đưa Tin giật mình khi nghe thông tin món nậm pịa dê chữa được bệnh vì… có lá ngón. Anh Giang Văn Hùng (xã Chiềng Sinh, Sơn La) hào hứng kể: “Trước khi mổ thịt dê một tuần, cho dê ăn cỏ trộn lá ngón. Khi thịt, lấy phần pịa (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già đem ninh nhừ. Con dê có khả năng kháng độc rất tốt, bà con vùng núi Chiềng Sinh vẫn truyền tai nhau về món lá ngón nậm pịa dê có tác dụng chữa nhiều bệnh, giúp tiêu hóa tốt,
thải độc trong cơ thể”. Anh Hùng còn khẳng định, tháng nào anh cũng ăn từ hai đến ba lần món nậm pịa dê chứa lá ngón, cơ thể khỏe khoắn trông thấy, đi nương rẫy, đi rừng không bao giờ biết mệt.
Bà con vùng núi Chiềng Sinh vẫn truyền tai nhau về món nậm pịa lá ngón dê có tác dụng chữa bệnh
Thông tin về việc trứng ung có tác dụng như Viagra được đăng tải trên nhiều trang mạng thời gian gần đây, khiến chị em đổ xô đi đặt mua loại trứng (trước đây chỉ để vứt đi) về bồi bổ cho chồng. Thế nhưng không ai biết ăn trứng ung lợi hại như thế nào, họ chỉ nghe thông tin loại trứng này có tác dụng “tăng cường bản lĩnh đàn ông” do truyền miệng chứ chưa có cơ sở khoa học nào kiểm nghiệm và kết luận.
Tại một topic có chủ đề: “Trứng ung (thối) có những tác hại gì?”. Khi vào trang giải đáp của google, PV Người Đưa Tin đã ghi nhận được nhiều câu trả lời của độc giả nói về tác dụng của trứng ung, đặc biệt là có tác dụng như Viagra. Trao đổi với PV về việc ăn trứng ung lợi và hại như thế nào, PGS. Phan Thị Sửu, Giám đốc trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm khẳng định: “Nói trứng ung tăng cường bản lĩnh đàn ông là không hợp lý. Khi trứng đã ung thì không có chất bổ trong đó nữa. Nếu không xem
xét kỹ thành phần, không được khoa học chứng minh thì dễ rước họa vào thân”.
Không chỉ ăn trứng ung, nhiều bà vợ còn không tiếc chi tiền vào việc mua của hiếm để tẩm bổ cho chồng: Mua bộ phận sinh dục của trâu bò, lợn về ăn bởi theo quan niệm ăn gì bổ nấy. Rồi món óc khỉ, sừng tê giác…cũng được nhiều người kháo nhau săn lùng. Bên cạnh đó, cũng có những bài thuốc đông y được đồn thổi có tác dụng cường dương. Chị Mai (Minh Khai, Hà Nội) cho biết: “Nghe nói thuốc của người dân tộc khá nhạy nên hôm đi chùa Hương tôi mua thử mấy thang về tẩm bổ cho chồng. Uống hết một
thang thấy khỏe hẳn ra, nhưng khi uống thang thuốc thứ hai, chồng tôi bị dị ứng, đau bụng dữ dội, may đi cấp cứu kịp thời”.
Việc săn lùng, chi tiền cho những “của hiếm” kiểu trên chỉ là một trong số hàng nghìn cách “làm theo những gì người ta nói” để đạt được mục đích mình mong muốn. Tôi từng chứng kiến một chị bạn, để cai rượu cho chồng, chị sẵn sàng dùng ráy tai khuấy vào rượu theo sự mách bảo của một người bạn. Cai đâu chẳng thấy, chỉ thấy anh chồng càng ngày càng uống nhiều hơn khiến chị bực mình chửi đổng: “Người ta uống ráy tai với rượu một lần thì sợ rượu, còn anh uống ráy tai hàng chục lần cũng chẳng bỏ
được”. Nghe vợ nói thế, sẵn chiếc chén trong tay, anh chồng ném thẳng vào mặt chị.
Không chỉ bồi bổ cho chồng, nhiều quý bà sẵn sàng bỏ tiền triệu ra để mua trứng ngỗng về tẩm bổ cho con dâu, con gái khi mang thai với hi vọng cháu mình thông minh, xinh đẹp. Thực tế, trứng ngỗng không mang lại hiệu quả cao như lời truyền tụng. Trái lại ăn nhiều còn khiến thai phụ “bội thực”, khó tiêu… bởi trứng ngỗng quá lớn. Bên cạnh đó, trứng ngỗng còn không có tác dụng tích cực, bổ như trứng gà, trứng vịt…
Việc ăn nhau thai tiềm ẩn nguy cơ lây một số bệnh truyền nhiễm
Hậu hoạ khôn lường vì chăm sóc sức khỏe kiểu… truyền miệng
Bước vào tuổi 17, gương mặt Thu Hoài (Văn Lâm, Hưng Yên) lại nổi đầy mụn. Nhìn gương mặt con gái lúc nào cũng đỏ ửng, bà Vân đưa con đi khám da liễu, uống nhiều loại thuốc tây y, lẫn đông y mà vẫn không khỏi. Tình cờ, bà được một người quen mách nước cách trị mụn có một không hai. Nghe có vẻ ghê nhưng để lấy lại nhan sắc cho con, bà bấm bụng làm theo. Về nhà, bà hỏi cô con gái mình đã “đến tháng” chưa thì nhận được câu trả lời khoảng một tuần nữa. Trong quá trình đợi, bà ra chợ mua hai chiếc
khăn mùi xoa về nhà. Đến tháng của con gái, bà không cho Hoài đi học, bảo cô nghỉ ở nhà một hôm. Tiếp đó, bà đưa Hoài hai chiếc khăn mùi xoa để dùng thay băng vệ sinh. Sau hai tiếng đồng hồ, bà bắt con gái đưa hai chiếc khăn mùi xoa kia để mình đi giặt. Không giặt bằng bột giặt, sau 9 lần nước, bà đưa chiếc khăn cho con gái rửa mặt 9 lần trong buổi chiều còn lại với hi vọng con gái sẽ có làn da sạch mụn như bạn bè. Thế nhưng ngày hôm sau, cái bà nhận được là một gương mặt sưng húp với những
cái mụn trứng cá to đùng, mưng mủ.
Làm đẹp là vấn đề muôn thuở của chị em phụ nữ, chỉ cần ai mách cách này, cách kia, người ta đua nhau mua về dùng, cốt sao mình đẹp hơn. Tuy nhiên, vì không kiểm tra da nên dùng phải loại không thích hợp hay mua phải những sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm giả khiến việc làm đẹp biến thành “làm xấu”. Chị Lê Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Thấy bạn bè mua các loại mặt nạ dưa chuột, cà chua và một số loại bột đắp mặt khác, tôi liền nhờ họ mua hộ. Sau một tuần da tôi đẹp hẳn
lên. Thế nhưng bước sang tuần thứ hai, da mặt tôi nổi mụn, sau đó đỏ ửng, đi khám mới biết là mấy loại mỹ phẩm đó không thích hợp với da của tôi. Tôi lại quay sang làm đẹp bằng lá dâu tằm và lá của cây vừng (nhờ người dưới quê gửi lên) với hi vọng da trắng như xưa nhưng cũng chẳng ăn thua. Giờ thì tôi cạch hẳn với việc làm đẹp theo kiểu truyền miệng, loại này dùng thích lắm, cái kia dùng đẹp lắm”.
Bên cạnh việc làm đẹp, người ta còn quan tâm đến bồi bổ sức khoẻ. Nhiều người thấy quảng cáo sản phẩm này, sản phẩm kia rất tốt hoặc bạn bè mách bảo chẳng ngần ngại chi hàng chục triệu cho những sản phẩm đó. Thế nhưng ít ai biết được việc mua theo cảm tính ấy lại ẩn chứa nhiều hậu hoạ khôn lường.
Bàn thêm về vấn đề này, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ viện Bỏng Lê Hữu Trác, GS.TS Vũ Quang Vĩnh cho biết: “Ngày nay, việc làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ không chỉ giới nữ mà nam giới cũng chú trọng nhiều. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua mỹ phẩm, nhưng ít ai biết được sản phẩm đắt tiền mình mua có thực sự phù hợp với làn da của mình hay không. Mỗi người có một làn da tự nhiên với độ PH khác nhau: Da khô, da dầu… trong khi đó có hàng nghìn sản phẩm dưỡng da khác nhau. Để
chọn được một sản phẩm phù hợp với làn da của mình, cần có sự kiểm định và người có chuyên môn sâu tư vấn. Tư vấn chuyên sâu là những người được đào tạo bài bản, không phải là người bán hàng. Bởi người bán hàng chỉ là những người rao bán, PR cho sản phẩm với mục đích bán được càng nhiều hàng càng tốt. Họ không quan tâm đến những hậu quả mà người dùng mắc phải. Hay như việc truyền tai nhau những bí quyết làm đẹp da tự chế từ lá cây, động vật… thường là không có tác dụng làm đẹp, bởi nó không
theo một công thức khoa học nào cũng như chưa có sự kiểm nghiệm. Không cẩn thận, những bí quyết bí truyền ấy còn mang lại hậu quả không mong muốn. Nói chung để được đẹp, chị em phụ nữ cần cẩn thận khi mua và sử dụng những sản phẩm trên thị trường, không nên sử dụng những sản phẩm trôi nổi, chưa được kiểm chứng để tránh hậu họa”.
[/justify]