Thời trang - làm đẹp 2009-05-17 00:01:00

Kì 7: Quần áo & thời trang


[Kênh14] - Con gái Nhật rất thích khoe chân, nhưng không thích khoe ngực. Con gái Nhật cũng ít mặc áo bó, thường là lùng thùng. Đặc biệt ở dưới chân, bao giờ họ cùng đi một đôi giày rất đẹp, thường là bốt cao cổ…
Nhìn cách ăn mặc của họ khác hẳn với dân lưu học sinh chúng tôi. Đến nỗi chúng tôi thường hay bảo nhau: “Thằng A dạo này ăn mặc giống Nhật nhỉ”, “Em B ăn mặc Việt Nam quá”.

Quần áo và thời trang
Người Nhật ăn mặc khác lưu học sinh chỗ nào, nói ra lời rất khó, nhưng tôi cũng thử tổng hợp: Con gái Nhật rất thích khoe chân, nhưng không thích khoe ngực. Con gái Nhật cũng ít mặc áo bó, thường là lùng thùng. Đặc biệt ở dưới chân, bao giờ họ cùng đi một đôi giày rất đẹp, thường là bốt cao cổ. Giáo sư phòng thí nghiệm của tôi rất thích nói chuyện về con gái với học sinh. Có lần thầy bảo: Gái Nhật có một cách kết hợp “ma thuật”. Đó là áo măng tô đen dài + quần soóc ngắn, mặc giữa mùa đông. Nhiều khi áo măng tô dài quá quần làm cho cô ta có vẻ không mặc quần. Thầy bảo bất kỳ một đứa con gái nào mặc kiểu này vào nhìn cũng rất dễ thương.

Còn con trai Nhật, ngoài một số ít ăn mặc các kiểu hơi quái quái, hầu hết khi đi học mặc kiểu thường ngày. Nhưng mà kiểu thường ngày của họ cũng xịn lắm, khác hẳn với bọn tôi. Có lẽ là do gam màu nâu và xanh rêu, bọn tôi không bao giờ sử dụng. Và điểm làm họ khác bọn tôi, có lẽ cũng là đôi giầy. Có khi là một đôi giày da của Timberland, có khi là một đôi bốt cao cổ đen, có khi là một đôi sneakers rất tinh tế. Trông tổng thể, bộ đồ của họ cứ xịn xịn kiểu gì đó. Hàng hiệu thì tất nhiên họ cũng có dùng, nhưng có những nhãn hiệu nhỏ, giá rẻ mà trông cũng rất xịn.

Tôi mới sang 1 năm đầu ăn mặc thuần Việt. Chơi với Toshi-chan lâu, 1 lần nói chuyện về ăn mặc đầu tóc, nó rủ tôi đi cắt tóc ở hàng nó mới được giới thiệu. Nó hứa hẹn có giảm giá. Chẳng hiểu nghĩ thế nào mà tôi đồng ý đi theo nó. Mà cũng chẳng hiểu hứng chí thế nào mà tôi quyết định nhuộm tóc thành màu nâu hạt dẻ. Mãi sau này, có một cô giáo dạy tiếng Nhật dạy tôi suốt từ khi tôi ở Việt Nam đến khi học ở trường bên này, cô bảo cô không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ nhuộm tóc. Tôi là người cuối cùng trong nhóm mà cô nghĩ sẽ nhuộm tóc. Chà thế đấy nhiều khi người ta đánh giá không đúng về mình. Nhưng mà ở trong môi trường đại học này, 10 thằng con trai thì 5 thằng nhuộm tóc vuốt keo, tôi nhìn quen mắt rồi cũng thấy đỡ ngại. Các thầy cô giáo của tôi cũng chả nói gì, may. Cũng hôm đấy, Toshi-chan dẫn tôi đến cửa hàng quần áo nó thường mua, rẻ mà khá đẹp. Tôi mua 1 bộ quần áo Nhật, thế là vào đời. Hôm sau đó đi du lịch trường, tôi ra mắt bộ quần áo Nhật với cái đầu mới, cả lũ bạn tôi cứ bảo nhìn từ xa cứ tưởng anh Nhật nào. Thế đấy, người đẹp vì lụa. Từ lần đấy tôi đâm ra thành ham mê thời trang, mua tạp chí tìm hiểu rất nhiều phong cách thời trang Nhật, đua đòi sắm sửa quần áo theo cách phong cách đó.






Hình ảnh của tác giả sau một thời gian dài sống tại Nhật.


Hành trình thời trang của tôi như thế này: Lúc đầu là “quá khích”, tôi cứ thấy gì rách rưới, hoa hòe hoa sói, bó sát… là mua. Đến mức bọn con gái Thái cùng trường tưởng tôi là gay suốt ngày thì thầm sau lưng tôi. Được 1 năm, tôi chuyển sang “sạch sẽ”, ăn mặc như ngôi sao sắp lên sân khấu biểu diễn, VD áo sơ mi trắng cách điệu giày da đen, áo vest. Cuối cùng gần đây là “thường ngày”, tôi chú trọng vào những bộ đồ “trông có vẻ bị bẩn cũng không sao”, để còn làm thí nghiệm cho thầy đỡ nói linh tinh. Tủ quần áo của tôi toàn đồ mua ở Nhật, đồ Việt Nam mang sang vứt hết rồi (3 năm rồi còn gì). Tôi được tiếng đua đòi đú đởn ở cộng đồng người Việt ở đây. Trong 50 người, có mỗi một mình tôi bị biến chất.


Tôi được tiếng đua đòi đú đởn ở cộng đồng người Việt ở đây.
Nghiên cứu

Hồi học đại học, lấy học trình là việc chính. Nhưng từ khi vào Thạc sỹ, khối kỹ thuật như tôi thì lấy học trình lại thành việc phụ. Có vài trình, tà tà lấy cũng xong. Việc chính là nghiên cứu. Mỗi đứa được giao 1 đề tài. Trong vòng 2 năm phải làm xong, phải tìm ra kết quả mới chưa ai tìm ra, phải phát biểu ở hội nghị toàn quốc và nước ngoài, có khi phải viết bài đăng trên các tạp chí uy tín. Làm không xong là khỏi tốt nghiệp. Thực tế có nhiều người không hoàn thành thạc sỹ trong vòng 2 năm vì không làm nghiên cứu.

Tôi được giao một cái bàn trong 1 căn phòng 12 người ngồi. Nó đã trở thành “nhà” của tôi. Từ sáng đến tối tôi ở đó. Ngoài những lúc có giờ học, lúc đi phòng khác làm thí nghiệm, hầu hết thời gian trong ngày tôi ở đó. Làm file Power Point, đọc luận văn, tìm tài liệu trên mạng, và vào… kenh14 hihi.

Thầy hướng dẫn tôi – cũng là chủ nhân của cái phòng thí nghiệm này- là một người tầm 45 tuổi. Thầy rất hay nói chuyện thế gian với học sinh. Qua những lần nói chuyện với thầy, tôi dần hiểu được cái “thần” của người Nhật. Thầy tôi – cũng như rất nhiều thầy giáo Nhật khác – đã nói rằng, văn hóa của người Nhật là MONOZUKURI, văn hóa làm ra sản phẩm. Cái họ quan tâm nhất là làm ra được đồ vật, thật tốt, chứ không quan tâm đến việc làm sao để quảng cáo sản phẩm này, làm sao để sinh lợi thật nhiều từ nó. Khi làm ra được sản phẩm gì đó người Nhật cảm thấy sung sướng vì hoàn thành công việc, vì mình có ích cho xã hội. Có lẽ cái tinh thần này là cái đã kéo họ từ kẻ bại trận sau thế chiến thứ hai thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như bây giờ.

Thầy cũng hay nói về những người công nhân đạt trình độ “thần” của Nhật. Gia công cơ khí chính xác, họ có những cái máy tân tiến nhất thế giới trị giá nhiều triệu đô để cắt gọt chính xác, và có nhiều cái máy nhiều triệu đô để kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, khâu kiểm tra cuối cùng lại là mắt trần của con người. Có một ông công nhân “thần” cầm chi tiết lên săm soi 1 lúc, OK – xuất xưởng, không được – làm lại. Thầy cũng kể chuyện, bề mặt kim loại sáng bóng mặt sau của iPod nano, trên thế giới chỉ có một chỗ làm được thôi. Đó là một công ty nhỏ ở gần trường đại học của tôi. Ở đó họ không dùng máy triệu đô, mà chỉ có một cái máy thủ công quay quay đơn giản, và có những ông công nhân “thần” đứng máy. Bọn tôi nghe mà cứ há hốc mồm.

Sang Nhật tôi nhận ra một yếu điểm của học sinh Việt Nam – kém thực hành. 2 năm học đại cương ở DH Bách Khoa Hà Nội, tôi chưa nhìn thấy cái máy phay hay máy tiện bao giờ. Sau này tôi có việc cần đi cắt gọt kim loại, mấy ông ở xưởng cơ khí cứ tròn mắt lên cười hô hố khi tôi bảo dạy tôi cách dùng máy phay và máy tiện. Khi học được cách dùng rồi, tôi bị “nghiện” gia công cơ khí. Cảm giác mình điều khiển máy phay gọt thép ngọt xớt như gọt vỏ táo, một lúc sau làm ra chi tiết bóng loáng hình dạng phức tạp như mình đã thiết kế, thật là mê ly. Có lẽ đây là bước đầu để cảm nhận được cái văn hóa MONOZUKURI của người Nhật chăng?

Kì cuối: Được và mất khi du học Nhật
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)