Ngày nào Huy cũng bị nhóm “Crazy” nhái giọng “Quãng Ngãi” để làm trò cười cho cả lớp, ngồi ăn trong căng tin của trường thì bị họ đi ngang qua, hất cả tô hủ tiếu vào người…
Không phải là kiểu “giang hồ học đường” đánh nhau đến nỗi phải đổ máu, xé rách quần áo của nhau như 1 số trường hợp gần đây các báo đài, diễn đàn hay đăng tin. Mà việc bắt nạt ở đây diễn ra 1 cách “âm thầm” trong lớp học, không quá ồn ào nhưng khiến cho người bị bắt nạt phải bị khủng hoảng tâm lý thật sự.
Không biết bắt đầu từ thông lệ ở đâu mà trong bất kỳ 1, lớp học nào cũng thường chia phe,chia nhóm chơi với nhau.Có khi là hội “Ngũ Long Công Chúa” (gồm 5 cô nàng xinh đẹp chơi với nhau), có khi là hội gồm những người chăm học và đôi khi có cả những hội được thành lập chỉ với mục đích….bắt nạt 1 thành viên xấu số nào đó trong lớp.
Làm tổn thương bạn bè mình bằng những lời nói, hành động "độc ác", teen đang biến mình thành những kẻ xấu xí! (Ảnh minh họa)
Kim Thành (lớp 10 trường BTX) kể lại: “Khoảng thời gian mình học cấp 2 thật là khủng khiếp,ngày nào trong cặp của mình cũng có đầy nước Soda của 1 nhóm bạn trong lớp đổ vào trong giờ ra chơi. Sách vở lúc nào cũng ướt nhẹp mà không dám kêu ai,cũng không dám méc cô giáo vì sợ bị mọi người trong lớp nói là hèn”.
Trường hợp của Kim Thành không phải là 1 trường hợp đặc biệt, thỉnh thoảng mới xuất hiện trong 1 vài lớp học, mà thật sự, đi đến đâu chúng ta vẫn có thể thấy 1 vài trường hợp bị bắt nạt như thế. Đôi khi, lý do để đi bắt nạt 1 người chỉ vì trong mắt của họ, họ cảm thấy ai đó thật đáng ghét, thật lạ đời và họ cảm thấy thật vui khi đi bắt nạt như vậy.
Quang Huy (lớp 12 trường TKN) thì bị bắt nạt suốt cả 3 năm học cấp 3 chỉ vì 1 lần không nhắc bài cho 1 thành viên trong nhóm “Crazy boy” (nhóm gồm những chàng trai nhà giàu,.có tiền và thích đua xe).
Ngày nào Huy cũng bị tụi trong nhóm nhái giọng “Quãng Ngãi” để làm trò cười cho cả lớp, ngồi ăn trong căng tin của trường thì bị tụi “Crazy boy” đi ngang qua, hất cả tô hủ tiếu vào người.
Cũng có mấy lần Huy muốn đứng lên chống cự lại nhưng rồi lại sợ bị đánh, rồi nghĩ mình nhỏ bé làm sao chống lại cả 1 đám như vậy.Bạn bè trong lớp thì: “Việc của người khác tốt nhất đừng dính vào, thân mình còn lo chưa xong, thời gian đâu mà lo chuyện của thiên hạ?”
Không dừng lại ở các bạn nam,1 số bạn nữ cũng lấy việc đi bắt nạt người khác là 1 “trò chơi” vô cùng thú vị!!Nhưng khác ở các bạn nam ,các bạn nữ thường không bắt nạt bằng hành động mà lại hay bắt nạt bằng những lời nói làm cho đối phương phải phát khóc.Trường hợp của Khánh Ngọc (lớp 10 trường LDC) là 1 trường hợp đau buồn như thế.
Khánh Ngọc không phải là 1 cô gái xinh đẹp lại sở hữu 1 trọng lượng thừa cân nên bị các bạn nữ trong lớp gọi là: “con heo xấu xí”. Khi biết được Ngọc thầm thích 1 anh chàng hot boy trong trường, cả lớp lại được dịp có 1 trận cười thỏa thích. Đi đâu Ngọc cũng “được” nghe những lời nói tát thẳng vào mặt mình như: “xấu và mập như mày mà cũng đòi thích hotboy hả? Không biết an phận thủ thường ở nhà làm con heo đi”.
Đôi khi thì khủng khiếp hơn: “Nói thiệt với mày nha Ngọc, tao mà xấu như mày,t ao không dám sống nữa đâu. Xấu hổ chết đi được..”. Còn anh chàng hotboy kia: “Đừng thích mình nha bạn, mình không muốn có 1 bạn gái xấu và mập như bạn đâu.”
Và cứ thế,ngày này qua ngày khác, Ngọc cứ phải bước vào lớp với 1 tâm trạng “nặng như chì” .
Với 1 thời gian dài bị bắt nạt như vậy,các nạn nhân trong tất cả các trường hợp bị bắt nạt đều lâm vào tình cảnh bị khủng hoảng về tâm lý. Tất cả đều mất đi vẻ hồn nhiên, vui vẻ và hoạt bát của mình.
Kim Thành hình dung lại: “Mỗi lần mình bước vào lớp đều trong tâm lý sợ sệt, ra chơi thì không dám chạy ra ngoài nô đùa với các bạn khác mà chỉ ngồi ôm khư khư chiếc cặp vào người”, kết quả học tập của Quang Huy thì ngày càng sút giảm còn Khánh Ngọc -1 lần không kiềm được bản thân bạn ấy đã uống thuốc ngủ tự tử,cũng may là gia đình cấp cứu kịp thời.
Đáng buồn là đa số các trường hợp ấy đều không được gia đình hay nhà trường biết đến, bởi lẽ nó không ầm ĩ như các vụ đánh nhau trong trường và cũng bởi vì không ai dám nói, ai cũng nghĩ nó chỉ là “trò đùa” của học sinh mà thôi.
Hai chữ “bạn bè” chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được xây dựng bởi niềm tin,sự quan tâm và yêu quý lẫn nhau thôi các bạn ạ!