[justify]
Olympic London 2012 đang trở nên gay cấn hơn bao giờ hết và nó dần hình thành cuộc đua "song mã" giữa hai thế lực, Mỹ và Trung Quốc.
Ðể thống trị Olympic, cách đây 10-15 năm, thể thao Trung Quốc đã tuyển chọn hàng ngàn trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo để bắt đầu chương trình huấn luyện hành xác khổ ải.
Sự trỗi dậy của thể thao Trung Quốc đã khiến cả thế giới phải sửng sốt. Nhiều phóng viên nước ngoài đã cất công tới đất nước này tìm hiểu nguyên nhân vì sao thể thao Trung Quốc lại có những bước tiến thần kỳ đến như vậy. Và điều mà các phóng viên khám phá ra lại càng khiến các chuyên gia kinh ngạc hơn nữa.
Từ lâu nay, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách đào tạo cực kỳ quy mô từ trung ương cho đến địa phương, theo đó các tài năng thể thao được phát hiện và khổ luyện từ rất sớm.
Ngay từ khi còn đang ở độ tuổi mẫu giáo, các tài năng nhí đã hải khổ luyện với điều kiện đôi khi đến mức khắc nghiệt, với mong muốn nung nấu rằng đến một ngày nào đó, các em sẽ giành huy chương ở đấu trường thế giới.
Theo báo Tin Tức Bắc Kinh, từ năm 1984, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh chương trình đào tạo VÐV cho các kỳ Olympic. Với mục tiêu phải giành HCV, ngành giáo dục các tỉnh thành được chỉ thị phải phát hiện và báo cáo về những mầm non thể thao trong các trường học, thậm chí từ các lớp mẫu giáo. Sau khi nhận được danh sách hàng trăm ngàn tài năng trẻ từ các địa phương, chính quyền sẽ sàng lọc và sát hạch thêm lần nữa trước khi đưa vào "lò luyện".
Hiện Trung Quốc có khoảng 3.000 lò luyện VÐV Olympic trên khắp cả nước. Mỗi trường chuyên một môn thể thao. Tại đây, các tài năng trẻ phải trải qua chế độ luyện tập và dinh dưỡng hà khắc. Bị cách ly hoàn toàn khỏi gia đình, những đứa trẻ này được dạy rằng chúng chỉ có mục đích duy nhất: giành HCV Olympic.
Như VÐV nhảy cầu Khâu Ba, người tỉnh Tứ Xuyên, nhập học tại Trường Thể dục thể thao TP Nội Giang từ năm 5 tuổi. Ðến 7 tuổi Khâu Ba trở thành thành viên đội tuyển nhảy cầu của tỉnh Tứ Xuyên, 13 tuổi đạt kiện tướng nhảy cầu quốc gia. Nhà vô địch bơi lội tự do 400m Diệp Thi Văn được phát hiện từ lúc 5 tuổi và bắt đầu được đào tạo cơ bản từ lúc 7 tuổi tại lò luyện ở TP Hàng Châu.
Chính quyền Trung Quốc thường tuyển chọn những học sinh cấp mẫu giáo từ những vùng quê nghèo khó nhằm ràng buộc sự trung thành của họ. Gia đình của họ cũng vì cái ăn mà chấp nhận cho con ra đi. "Dù sao ở đó nó cũng có cơm để ăn, gia đình tôi quá nghèo" - mẹ Diệp Thi Văn tâm sự về việc buộc phải cho con rời gia đình quá sớm.
Vì vinh quang, trẻ đã phải chịu đau đớn
Cựu VÐV bơi lội Phạm Hồng mô tả triết lý của ngành thể thao Trung Quốc: "Thể thao cạnh tranh là chiến tranh mà không có tiếng súng". Lục Doanh, VÐV đoạt HCB bơi bướm 100m nữ tại Olympic London, công khai chỉ trích chương trình huấn luyện VÐV quốc gia của Trung Quốc. Lục Doanh cho rằng Trung Quốc không tạo điều kiện cho VÐV được tự nghỉ ngơi đúng nghĩa. "Ở Trung Quốc, chúng tôi thường phải học, luyện tập và luyện tập triền miên".
Báo Anh Daily Mirror cho biết năm ngoái, VÐV lặn Guo Jingjing giã từ sự nghiệp ở tuổi 29 sau 4 HCV Olympic. Cô khẳng định mình không muốn trở thành HLV bởi tính tình cô mềm mỏng, không đủ nghiêm khắc. Nhiều nguồn tin từ Trung Quốc khẳng định Guo bị khiếm thị nghiêm trọng do phải luyện tập cực kỳ khổ ải từ năm 6 tuổi, khi võng mạc chưa phát triển hoàn thiện.
Mới đây, báo chí phương Tây đồng loạt đăng tải hình ảnh các VÐV nhí trong một trung tâm huấn luyện thể thao của Trung Quốc khóc nức nở khi phải thực hiện các động tác xoạc đau đớn. Có những đứa trẻ phải trồng chuối mỗi lần 30 phút để tập giữ thăng bằng. Những VÐV bơi lội mới 7 tuổi phải tập kéo xà 20 cái mỗi lần, một nhiệm vụ cực khó ngay cả đối với người lớn. Các trường luôn khẳng định chế độ đào tạo kết hợp giáo dục nhưng nhiều VÐV tiết lộ họ chỉ luyện tập và ăn ngủ chứ chẳng học hành gì.
VÐV chèo thuyền Anh Matthew Pinsent từng đến thăm Trung Quốc hai lần trước Olympic Bắc Kinh 2008 và đã bị sốc trước sự thô bạo mà các HLV Trung Quốc dành cho các học trò của mình. Anh kể các VÐV 5-11 tuổi không hề cười khi luyện tập. "Một số kể chúng bị HLV đánh đập - Daily Mirror dẫn lời Pinsent - Hiệu phó trường đó nói với tôi rằng chuyện ấy diễn ra thường xuyên. Có vẻ như đó là một phần không thể thiếu trong nỗ lực chiến thắng của người Trung Quốc".
Những chuyện tương tự rất nhiều. VÐV lặn Trần Nhược Lâm thi đấu ở Bắc Kinh năm 2008 khi 15 tuổi và chỉ nặng bằng một đứa trẻ 9 tuổi. HLV buộc cô phải bỏ bữa tối suốt một năm trước Olympic Bắc Kinh để giữ dáng vẻ gầy gò, qua đó dễ chiến thắng hơn. Năm 2007, VÐV marathon Ngải Ðông Mai và hai đồng đội đã kiện thành công một HLV vì thường xuyên đánh đập họ.
Trước đó báo chí quốc tế xôn xao về việc VÐV nhảy cầu Ngô Mẫn Hà bị giấu chuyện ông bà đã mất và mẹ bị bệnh nặng để tập trung luyện tập cho Olympic London 2012. Tương tự, VÐV cử tạ Tào Lỗi cũng bị cô lập tại trung tâm huấn luyện đến mức không biết rằng mẹ của mình sắp qua đời.
Tại Olympic London này tài năng trẻ bơi lội 16 tuổi Ye Shiwen cũng cho biết, từ 9 năm nay ngày nào cô cũng tập 2 tiếng rưỡi vào buổi sáng, 2 tiếng rưỡi vào buổi chiều, đông cũng như hè.
Và kết quả là ở London 2012, Ye đã giành tới 2 HCV môn bơi lội, phá kỷ lục thế giới cũng như Olympic ở các cự li 200m và 400m hỗn hợp.
Ye Shiwen là thành công lớn của Trung Quốc
Tuy nhiên, chính sách đào tạo của Trung Quốc cũng đã vấp phải nhiều chỉ trích, khi đặt quá nặng chuyện thành tích, cướp mất tuổi thơ của các em nhỏ. Bởi không phải tất cả các tài năng nhí sau này đều đoạt vinh quang sau này, chưa kể chính sách đãi ngộ cho các vận động viên sau khi họ giải nghệ thì lại gần như không được quan tâm đúng mức.
Nói cách khác, đó chẳng khác nào hành động vắt chanh bỏ vỏ, chỉ để phục vụ cho mục tiêu trở thành cường quốc thể thao, bất chấp mọi quy chuẩn đạo đức.
Cái giá phải trả cho tương lai sau này sẽ là rất đắt, và đáng để các quốc gia muốn chạy theo mô hình này, trong đó có cả Việt Nam, phải suy ngẫm.
Q. Chánh
[/justify]
Cận cảnh VĐV Trung Quốc 'hành xác' vì giấc mơ Olympic
Những em nhỏ có tiềm năng được nhìn nhận và chuyển vào đào tạo tại các trường về thể thao từ rất sớm.
Treo mình hàng giờ…
Các em phải trải qua quá trình khổ luyện với giáo án tập khắc nghiệt.
Để có thể thi đấu môn thể dục dụng cụ, các bé phải tập luyện từ rất bé để có được một thân hình vô cùng dẻo dai.
Phải học nhào lộn từ trên bục xuống tấm nệm mỏng đặt bên dưới.
Tập cử tạ tại trường thể thao Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến
Uốn nắn từng động tác
Luyện tập vất vả
Vì những giấc mơ "vàng"
Số giờ tập luyện có thể tới 8 tiếng/ngày và 6 ngày mỗi tuần
Có những bé đã rơi nước mắt vì không chịu nổi sự luyện tập khắc nghiệt này
Học sinh thường không có kỳ nghỉ hè bởi HLV lo ngại thời gian nghỉ ngơi sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả mà các em đã đạt được trước đó.
Những bé gái trên sàn tập ở Giang Tô
Đồ bảo vệ duy nhất của các em chỉ là chiếc giày vải mỏng tang
Hành xác vì những giấc mơ vàng
Cận cảnh VĐV Trung Quốc 'hành xác' vì giấc mơ Olympic
Những em nhỏ có tiềm năng được nhìn nhận và chuyển vào đào tạo tại các trường về thể thao từ rất sớm.
Treo mình hàng giờ…
Các em phải trải qua quá trình khổ luyện với giáo án tập khắc nghiệt.
Để có thể thi đấu môn thể dục dụng cụ, các bé phải tập luyện từ rất bé để có được một thân hình vô cùng dẻo dai.
Phải học nhào lộn từ trên bục xuống tấm nệm mỏng đặt bên dưới.
Tập cử tạ tại trường thể thao Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến
Uốn nắn từng động tác
Luyện tập vất vả
Vì những giấc mơ "vàng"
Số giờ tập luyện có thể tới 8 tiếng/ngày và 6 ngày mỗi tuần
Có những bé đã rơi nước mắt vì không chịu nổi sự luyện tập khắc nghiệt này
Học sinh thường không có kỳ nghỉ hè bởi HLV lo ngại thời gian nghỉ ngơi sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả mà các em đã đạt được trước đó.
Những bé gái trên sàn tập ở Giang Tô
Đồ bảo vệ duy nhất của các em chỉ là chiếc giày vải mỏng tang
Hành xác vì những giấc mơ vàng
Cận cảnh VĐV Trung Quốc 'hành xác' vì giấc mơ Olympic