Nếu không thay đổi, chắc chắn y học Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu, ngay cả so với Campuchia khi hiện nay họ đã tiếp thu các cải tiến từ Úc.
“Y học VN có giỏi không?” Câu hỏi này xuất hiện ít nhất một lần trong đời của mọi cán bộ y tế ở VN nhưng có lẽ chưa bao giờ có một câu trả lời nào tương đối rõ ràng, thỏa đáng.
Lạc hậu và không tương đồng
Trong báo cáo hệ thống y tế toàn cầu năm 2000 của Tổ chức y tế thế giới (WHO), VN được xếp hạng tổng thể ở mức 160/ 191, thông qua đánh giá 05 nhóm chỉ số đo lường năng lực và trách nhiệm.
Trong khu vực Đông Nam Á, VN xếp trên Lào, Campuchia, và Myanmar. Việt Nam cũng nằm trong 09 nước phân bố ngân sách cho y tế thấp nhất.
Đây là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất cho đến nay WHO đưa ra xếp hạng, và dù có quá nhiều tranh cãi về phương pháp đánh giá, kết quả thứ hạng của VN cũng có thể coi là tương đối tin cậy và ít bàn cãi. Có vẻ từ bấy đến nay chưa có bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho thấy VN đã cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng. Vì sao?
Vấn đề thứ nhất là đào tạo y khoa ở ta đã lạc hậu, không còn tương đồng với thế giới. Các nền y học phát triển hiện tại ở Bắc Mỹ, châu Âu hay Úc có một số phiên bản khác nhau, đào tạo bác sĩ (thế giới gọi là medical doctor, hay doctor of medicine, hay TS y khoa) là đào tạo sau ĐH cực cấp hoặc chuyên nghiệp của y học.
Trong khi đó, chương trình đào tạo BS đa khoa ở ta là đào tạo ĐH với thời lượng 06 năm, kể từ khi rời ghế phổ thông. Chúng ta cũng cấp một tấm bằng được dịch ra tiếng nước ngoài không khác gì, trong khi với 06 năm tương tự, thì Pakistan chỉ dám gọi đó là cử nhân y khoa (bachelor of medicine). Vì thế, tấm bằng của chúng ta chỉ có giá trị ở VN, ngoại trừ vài quốc gia châu Phi và bán đảo Ả rập mà VN đã có hợp tác chuyên gia tại các vùng sâu vùng xa ít năm trước đây.
Một vài trường y chọn đầu vào các SV có kết quả thi ĐH rất tốt. Song quá trình đào tạo lại bộc lộ nhiều điểm yếu.
Khác biệt lớn nhất chính là các môn học cơ bản tiền y khoa, thứ mà các chương trình nước ngoài dành tới bốn năm để tạo cho SV nền tảng hiểu biết cụ thể, suy luận logic, và năng lực nghiên cứu, thì chúng ta chỉ dành một năm, cả lý thuyết và thực hành. Thêm vào đó, lại dành cả năm trời cho các môn đề cương chung không mấy liên quan.
Ảnh minh họa: Cẩm Quyên
Giáo trình đào tạo là một điểm yếu cố hữu khi mà hiện tại những giáo trình y khoa cho nhiều bộ môn xuất bản từ những năm 80 vẫn còn đang được dùng. Máy móc thiết bị cho phòng lab thực hành tiền lâm sàng tại các trường vẫn thô sơ, thiếu thốn. Các trường y không thuộc TOP đầu thì tình hình tệ hơn nhiều. Ngoại ngữ là một trở ngại lớn cho sự hội nhập của các SV y khoa và sau này là sự tham gia của y học VN trong các hội nghị y khoa quốc tế.
Ví dụ, VN là một trong 14 quốc gia nhận tài trợ 1 tỷ USD của PEFFAR cho phòng chống HIV/AIDS, nhưng trong các hội nghị gần đây nhất về HIV/AIDS khu vực châu Á-Thái bình dương, đoàn VN dù tham gia với số lượng đông nhưng gần như không bao giờ làm chủ tọa một phiên họp toàn thể nào, và hầu hết thông qua phiên dịch.
Điều này hoàn toàn khác với sự tự tin của đại diện các quốc gia y học không nổi trội như Philippines, Myanmar, và ngay cả Campuchia. Hy vọng có một trường y của VN lọt top 200 thế giới là xa vời, có thể không bao giờ đạt tới.
Triết lý đào tạo y khoa của các trường y VN chắc chắn cần dựa trên ba trụ cột cơ bản: toàn cầu (global), trí tuệ (intelligent) và tự trọng (self-esteem). Nếu không thay đổi, chắc chắn y học VN sẽ ngày càng tụt hậu, ngay cả so sánh với Campuchia khi họ hiện nay đã tiếp cận và thực hiện các chương trình của Úc (có thể thấy ngay rằng chúng ta không còn những học viên y khoa từ Campuchia như 10 năm trước đây).
Cách hành xử chuyên nghiệp
Vấn đề thứ hai là phải thay đổi tận gốc quan niệm của xã hội và của chính ngành y. Ở bất cứ cấp độ hay hoàn cảnh nào, mối quan hệ bệnh nhân và thầy thuốc phải được thay bằng quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ và cung cấp dịch vụ. Đó là cách hành xử chuyên nghiệp. Trong một thời gian quá dài, mặc định từ truyền thông và giáo dục rằng hành nghề y học là “hy sinh, cao qúy” hoàn toàn chỉ là sự suy tôn giá trị không cần thiết.
Chính quan niệm này đã tạo nên quan hệ mang tính hàm ơn, ban ơn, xin cho từ phía người thầy thuốc về những thứ mà người bệnh hoàn toàn có quyền được đòi hỏi và được phục vụ bởi sự chi trả minh bạch từ tiền túi của họ hay từ bảo hiểm y tế.
Điều cần làm, rất đơn giản là trả ngành y về đúng giá trị, tương tự như mọi ngành nghề lương thiện khác của xã hội, như người lính trên mặt trận quốc phòng, công nhân làm ca trong nhà máy, hay người nông dân cày cuốc trên cánh đồng. Người bệnh hoàn toàn không cần phải kêu gọi lòng từ tâm của thầy thuốc.
Cũng chính quan niệm hàm ơn, ban ơn này, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường đã phát sinh văn hóa phong bì bắt đầu từ giữa những năm 90, và đó là nỗi khổ lớn nhất của người bệnh, dễ thấy nhất tại các cơ sở y tế công lập. Chính nó đã thay đổi rất nhiều diện mạo của y học.
Ảnh minh họa: ST
Trong hơn 20 năm hành nghề bác sĩ của người viết, có thể khẳng định rằng không có chuyện người bệnh tự nguyện đưa phong bì, mà thực tế họ bị buộc phải làm như vậy, và đây là sự mất công bằng cho người nghèo. Khi nhận phong bì, các thày thuốc đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp. Người hiếm hoi giữ được tự trọng thì cảm thấy mình đơn độc và thiệt thòi.
Các thước đo giá trị về tính chuyên môn, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, sự đầu tư cho nghiên cứu đã bị bóp méo bởi việc kiếm tiền thực dụng trên bệnh nhân thông qua sự độc quyền kỹ thuật và ban phát. Không thể ngụy biện, phải chấm dứt vô điều kiện tệ nạn này, và việc đó hoàn toàn có thể.
Quyền hạn, nhiệm vụ và thái độ hành xử của mỗi cán bộ y tế, từ lãnh đạo đến các vị trí thấp nhất như hộ lý, tại bất kỳ cơ sở y tế công hay tư, đều phải được quy định bằng văn bản và có hình phạt tương xứng khi vi phạm.
Có lẽ, nên quay trở lại tinh thần của gần 20 năm trước, khi cựu Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương ký văn bản quy định 12 điều y đức trong đó "Không nhận quà biếu của bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào". (còn nữa)
Nguyễn Công Nghĩa
Theo VietNamNet