4 năm cho quyết định nâng ngực
Chị Hải (Long Biên, Hà Nội) không chấp nhận sự phi lý của tự nhiên, của thời gian đã làm teo tóp bộ ngực, niềm tự hào của chị. Chị đã quyết tâm nâng ngực từ 4 năm trước, sau khi trải qua 10 năm hoàn thành nhiệm vụ sinh đẻ.
Nỗi sợ lớn nhất của chị là bị biến chứng do nâng ngực. Đã có trường hợp tận Trung Quốc phải cắt xoẹt cả đôi gò bồng đảo vì bơm ngực. Hay như bạn chị, bị co túi, khiến ngực cứng như đeo đá, phải làm phẫu thuật lần 2.
Nhưng đối diện với sự mất tự tin về vòng 1 khiến công việc của một chủ doanh nghiệp, cần giao thiệp rộng, như chị lại không đạt như mong muốn. Chị cho rằng, cần phải huy động đến vẻ nữ tính, trong đó vòng 1 là quan trọng nhất vì nó “tấn công” đối phương ngay từ lần gặp đầu tiên.
Một ca phẫu thuật nâng ngực chỉ kéo dài từ 55 phút đến 60 phút, với đường mổ trên dưới 4cm. Ảnh một ca phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện Hòe Nhai. Hiền Lê
Khi quyết tâm đã có, chị bắt đầu tìm hiểu về nâng ngực. Chị Hải cho biết: “Ban đầu, tôi không hề tin vào trình độ của các bác sĩ Việt Nam. Tôi đã sang Singapo và Thái Lan 2 tuần, bỏ tiền để nghe tư vấn của 4 bác sĩ bên kia về nâng ngực, các phương pháp, các đời túi gel, ưu nhược điểm của túi gel và túi huyết thanh (nước biển). Chưa yên tâm, tôi sang cả châu Âu để nghe tư vấn của một bác sĩ khác.
[indent] Ai không nên nâng ngực?
Những người có chỉ định với gây mê, tiểu đường, bệnh truyền nhiễm.
Bệnh nhân tiểu đường thường sức đề kháng kém, khả năng chống chịu nhiễm trùng kém.
Những người có chỉ định với gây mê, dễ nguy hiểm tính mạng.
Người có huyết áp phải thông báo với bác sĩ để họ có cách gây mê.
[/indent] Sau đó tôi gặp một cô bạn đã nâng ngực ở Mỹ. Chị ấy cho tôi cả một quy trình đầy đủ: tên bác sĩ, bệnh viện, số tiền, cách đi lại… Lúc đó tôi đã định sang Mỹ làm, nhưng quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra rằng, quan trọng nhất vẫn là tay nghề bác sĩ. Phòng mổ thì đâu chả phải tiệt trùng?
Nếu một bác sĩ ở một vùng sâu của Mỹ, một năm chỉ làm 10 ca so với bác sĩ ở Việt Nam một tháng làm 10 ca thì tay nghề của bác sĩ Việt Nam chắc chắn hơn rồi. Mình không có thời gian tìm hiểu bác sĩ ở Mỹ hay ở nước ngoài xem ai là số 1 thì nguy cơ rơi vào bác sĩ “vùng sâu vùng xa” bên đó không phải không xảy ra. Trong khi ở Việt Nam mình lại có điều kiện tìm hiểu. Và tôi quyết định gặp một bác sĩ Việt Nam có thâm niên mổ nâng ngực từ năm 1990. Sau khi gặp bác sĩ này, tôi quyết định mổ ngay và mổ tại Việt Nam. Tôi thấy tự tin với quyết định này của mình”.
Hiện tại, chị Hải đã thực hiện được dự định 4 năm trước của mình. Sau khi mổ, chị Hải cho biết: Khó chịu nhất vẫn là áo con chuyên dụng mà mình phải mặc gần 1 tháng để cố định quả ngực. Nó khiến tôi đau tức tức trong ngực, như lúc bị cương sữa. Nhưng so với bộ ngực cao, săn chắc mà mình có đây thì cái đau đó nhằm nhò gì?”
Ca phẫu thuật này, chị hoàn toàn giấu chồng. Chị muốn dành sự bất ngờ đến phút cuối, khi bộ ngực đã thực sự trở lại bình thường, không đau đớn, lành lạnh và đẹp nuột nà.
Ở Singapo nhưng về Việt Nam nâng ngực
Chị Angel Bình theo chồng định cư tại khu East Coast (Singapo). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của phụ nữ, chị nhận ra sắc đẹp của mình “xuống cấp” rõ rệt. Chị bắt đầu nghĩ đến tân trang, lúc thì xăm lông mày, lúc massage da mặt, rồi chuyển sang đánh mỡ bụng. Dường như vẫn chưa thỏa mãn, chị bắt đầu nghĩ đến số đo vòng 1. Chị quan niệm, phụ nữ phải đẹp và tự tin. Vòng 1 có thể đem lại cho chị sự tự tin đó.
[indent] “Không phải bệnh nhân yêu cầu kích cỡ túi ngực bao nhiêu thì bác sĩ làm bấy nhiêu. Nếu gặp những bệnh nhân yêu cầu túi ngực to quá, chúng tôi sẽ giải thích, tư vấn cho họ. Đặt ngực quá to, dễ gây chảy sệ, dễ bị nhìn ngó; thời gian định hình trên cơ thể lâu. Chúng tôi tư vấn cho họ thế nào là vừa, căn cứ vào các thông số như chiều cao, vòng 1, 2, 3. Có tỉ lệ các vòng để đặt ra kích cỡ túi. Nhưng với người Việt Nam, tôi chỉ đặt cao nhất là 300cc (ml) là to lắm rồi”.
[/indent] Lý do chị về Việt Nam làm phẫu thuật chính là muốn được nghe tư vấn thật kỹ. Chị Angel Bình cho biết: “Khi quyết định nâng ngực, tôi đã tìm hiểu ở Thái Lan và Sing với nhiều địa chỉ tin cậy. Nhưng tôi nghĩ, vì đây là phẫu thuật lớn nên cần những cuộc tư vấn kỹ càng trước và sau khi thực hiện. Với bác sĩ Việt Nam, tôi có thể hiểu và yên tâm hơn.
Tôi cũng xác định, có thể có tai biến xảy ra, cần người nhà giúp đỡ, nên tôi quyết định tìm về nước”
Sinh con 2 lần với phương pháp mổ đẻ, nên với chị Angel Bình, ca phẫu thuật này không quá đau đớn như 2 lần vượt cạn. Chị tự tin khẳng định, những cơn đau này, người yếu đuối nhất cũng có thể chịu được. Chị chỉ có một tuần đầu không được làm mạnh bất cứ cái gì.
Nhưng để đến được cuộc phẫu thuật này, với chị Angel Bình, lại mất tới 2 năm thuyết phục chồng với phương pháp “mưa dầm ngấm lâu”. Thậm chí chị còn tìm tài liệu cho chồng đọc và hiểu về nâng ngực. Bí quyết của chị là kiên quyết không cho chồng thăm nuôi mình khi ở trong viện hay lúc trải qua những cơn đau. Theo chị, những hình ảnh khi nhìn thấy cơn đau của vợ, chồng sẽ xót ruột, sẽ không dám sử dụng đôi gò bồng đảo mới của chị.
Tuy nhiên, bù lại chị đã có được sự thán phục của chồng. Chị thú nhận: Chính chồng tôi bảo: Đúng là đàn ông thích phụ nữ có vòng 1 đẹp thật. Sau một thời gian hơi nhạt chuyện chăn gối, chồng tôi đã về nhà sớm hơn, mặn mà chuyện chăn gối hơn. Tôi nghĩ, đúng là phụ nữ đẹp có nhiều lợi thế thật!
Phẫu thuật nâng ngực vốn chưa phải là cách làm đại trà đối với những phụ nữ “siêu phẳng”. Một phần vì chi phí lớn nhưng một phần là họ còn khá mơ hồ về kỹ thuật nay. Có không ít người nghĩ rằng, phải bóc cả lớp da ngoài cùng của đôi gò bồng đảo, để nhét túi ngực vào. Suy nghĩ đó làm họ sợ hãi.
Do vậy, với những phụ nữ đã nâng ngực, thì kinh nghiệm cho thấy, việc tìm hiểu kỹ kỹ thuật này đã giúp cho họ hiểu và tự tin hơn, an tâm hơn với cách làm này.
[indent] Tùy theo cơ thể của mỗi người để bác sĩ nâng ngực theo kích cỡ nào. Nếu người có vòng ngực là 60 muốn nâng lên 80 thì quả là một vấn đề. Nếu 82 rồi muốn nâng lên 92 thì cũng khó khăn lắm. Đưa vòng 1 lên càng nhiều thì bất trắc càng xảy ra.
Hơn nữa, tùy thuộc vào cấu tạo quả ngực, độ cao, gầy hay thấp béo của bệnh nhân. Nếu chỉ cao 1m55 mà đưa vòng ngực lên 90 thì vô lý, cơ thể mất cân đối. Tôi cho rằng, cái đích không phải là vòng đo.
TS Trần Thiết Sơn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn
[/indent]
Theo VTC News