Hình minh họa |
Long là cộng tác viên design cho một công ty chuyên thiết kế các sản phẩm cho giới trẻ. Trong buổi họp cộng tác viên đầu tiên, cậu bạn tỏ ra cực kì tự tin. Hòa nhập rất nhanh vào không khí chung, pha trò và cởi mở. Ấn tượng Long tạo ra rất tốt.
Tới phần giao các sản phẩm cần thiết kế, một số sản phẩm với yêu cầu được đưa ra rất khó thực hiện. Nhưng trong khi các bạn khác còn đang ngần ngại chưa dám chọn thì Long đã dũng cảm “Để em làm cho ạ. Em nghĩ là mình làm được”. Và trước những ánh mắt ngưỡng mộ mà mọi người dành cho mình, Long còn nhận thêm 2 sản phẩm nữa và hứa sẽ hoàn thành đúng deadline cho chị phụ trách.
Dù Long là cộng tác viên mới nhưng với sự tự tin và ấn tượng tốt thể hiện ngay trong lần đầu tiên như vậy, chị phụ trách rất hi vọng Long sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cũng tương tự như Long, Vy chủ động gửi mail apply vào vị trí cộng tác viên của một website thông tin trên mạng. Sau đó, khi được reply, Vy đã đến thẳng văn phòng và gặp người phụ trách chuyên mục mình muốn tham gia. Nói chuyện gãy gọn tự tin, còn tự mình đề xuất những đề tài có khả năng thực hiện, Vy gây ấn tượng mạnh về một cô nàng “dạn dĩ và đầy ý tưởng”.
Và bị… "xẹp"
Nhận xong đề tài, phổng mũi được một lát trước các bạn cộng tác viên và anh chị phụ trách, về nhà Long mới thấy… run. Chưa có nhiều kinh nghiệm về thiết kế chuyên nghiệp, một số chương trình đồ họa Long cũng chưa hẳn đã hoàn toàn thành thạo, Long loay hoay mãi mà vẫn chưa triển khai được đề tài nào cả.
Lần lữa mãi rồi tới hạn nộp mà Long vẫn chưa làm được gì, Long đành chọn cách “trốn”. Không nghe điện thoại của chị phụ trách, chị nhắn tin cũng không trả lời… Một lần, hai lần, chị ấy chắc cũng tự hiểu nên thôi không gọi nữa.
Còn trường hợp của Vy, tự mình đề xuất đề tài, tự mình ra deadline, hứa hẹn đủ kiểu. Nhưng cuối cùng, Vy khất lần hết lần này tới lần khác. Lúc vì lí do nhân vật bận (dù em đã soạn xong hết câu hỏi rồi), lúc lại vì em về quê, lúc khác thì mạng nhà em hỏng…
Chán không buồn giục giã nữa, “sếp” của Vy thành ra sợ mỗi lần nhận được tin nhắn hay cuộc điện thoại hứa hẹn của Vy về một đề tài mới – nhưng chắc chắn là chẳng biết đến bao giờ Vy mới hoàn thành.
Trốn tránh có phải là cách tốt nhất?
Dĩ nhiên, sẽ chẳng ai trách phạt Long. nhưng Long cũng phải "bái bai" luôn vị trí cộng tác viên ở công ty thiết kế mà bạn ấy vẫn mơ ước. Chưa kể, đối với chị phụ trách và rất nhiều bạn cộng tác viên có mặt ngày hôm đó thì Long đã trở thành một kẻ “chém gió”, “thùng rỗng kêu to”, “chẳng biết gì mà bày đặt”…
Hậu quả lâu dài hơn là tự bản thân Long cũng chẳng còn tự tin nổi vào chính bản thân mình. Và thay vì có được những mối quan hệ lâu dài với mọi người, bạn ấy đã tự cắt phăng nó đi bằng cách “trốn chạy”.
Vy thì quả thực đã gây một ấn tượng không thể nào quên với sếp mình. Nhưng đó là ấn tượng đầy “bực mình” về một cô nàng nói suông, thất hứa, chỉ nói mà không làm. Còn khiến người khác phải chạy theo vì những lời hứa không thực hiện đó.
Không ý thức được khả năng thực sự của mình đến đâu, có đủ sức để hoàn thành công việc đó hay không… mà cứ nhận bừa bãi để “gây ấn tượng”, bạn đã tự gây áp lực quá nặng cho mình. Áp lực là tốt, nhưng nếu không đúng cách, bạn sẽ chẳng thể nào vượt qua!
Hơn nữa, Vy và Long đã không “dám làm dám chịu”. Thẳng thắn và chân thành xin lỗi, nói với chị phụ trách là công việc này quá sức của em, em sẽ nhận một đề tài khác vừa với mình hơn, hẳn chị ấy sẽ không thành kiến đến mức không cho thêm bạn cơ hội nữa.
Trốn chạy như một kẻ vô trách nhiệm và hèn nhát, Vy và Long không bao giờ có thể đủ tự tin để một lúc nào đó, nếu gặp hay làm việc chung một lần nữa, sẽ làm cho người khác tin tưởng vào mình.