“Cái gì? Tao đang trong lớp! Mày đi chưa”. Giữa các âm thanh đều đều trong lớp học, tiếng một nam sinh tay cầm điện thoại, vừa bước ra khỏi lớp vừa nói lớn.
Giảng đường “nhiễu sóng” vì điện thoại
Theo chân cô em họ, tôi “đột nhập” vào một lớp năm thứ 2 của trường ĐH K.H… Hà Nội. Giảng đường rộng với trên 100 sinh viên thì có xuất hiện một vài người lạ cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Cô em cho hay, 100% sinh viên trong lớp đều có điện thoại di động. Nhìn cũng đủ biết vì hầu hết các em đều để điện thoại trên bàn học, bên cạnh vở ghi chép của mình hình như là để cho tiện. Một số để trong túi quần hoặc để trong cặp.
Những tiếng tút tút đủ kiểu báo hiệu tin nhắn đến gần như vang lên liên tục, máy này chưa ngớt máy khác đã vang lên. Sau mỗi lần có tin nhắn đến, y như rằng sinh viên lại cúi đầu xuống bắt đầu công cuộc nhắn tin của mình. Lâu lâu, tiếng chuông điện thoại réo lên, nhiều người biết ý vội vàng đưa tay tắt chuông. Nhưng cũng có người ngang nhiên trả lời như chốn không người…
Tiếng nhạc chuông Lalala vang lên, loay hoay một hồi cậu sinh viên ở cuối lớp mới lôi được chiếc điện thoại trong túi quần ra. Cậu ta vừa trả lời, vừa bước ra ngoài: “Cái gì? Tao đang trong lớp! Mày đi chưa”. Vậy nhưng cả giảng viên và sinh viên chẳng ai ngạc nhiên với điều này vì dường như đã quá quen…
Tôi hỏi một nữ sinh ngồi cạnh, sao vào lớp các bạn không chuyển sang chế độ rung thì được biết: “Sao lại phải chuyển, nhỡ ai gọi đến không biết thì sao?”.
Có lúc giảng viên đang say sưa giảng bài, sinh viên ngồi dưới dùng điện thoại quay trước quay sau chụp lại những hình ảnh “tự sướng” của bạn bè hoặc của chính mình. Vào tiết hai, lớp học lưa thưa hơn… Khi thầy lôi sổ điểm danh, hàng loạt “chú dế” lập tức được lôi ra, lí nhí: “Về nhanh, điểm danh”. Chưa đến hai phút sau, chẳng biết sinh viên từ đâu đến xin vào lớp nườm nượp. Một cậu sinh ngồi trước cho hay: “Bọn nó ngồi ở quán trà đá cổng sau, nghe điểm danh là chạy về”.
Ghé sang lớp bên cạnh, đang nhốn nháo ngay trong giờ học. Hỏi ra mới biết, giảng viên ra ngoài… nói chuyện điện thoại đã hơn 5 phút. Hỏi một sinh viên ngồi phía ngoài, việc này có xảy ra thường xuyên không thì cô trả lời: “Cũng tùy người, có thầy không bao giờ nghe điện thoại trong giờ dạy. Nhưng có thầy, nói chuyện chẳng cần ra ngoài, nói ngay giữa lớp như "tra tấn" sinh viên. Bao nhiêu chuyện đi Tàu, đi Tây, thầy lôi ra cho sinh viên nghe hết”.
Không chỉ sinh viên mà nhiều giảng viên cũng sử dụng điện thoại ở giảng đường như chốn không người. T.H, cô sinh viên khoa Báo chí cho hay: “Nhiều thầy cô cũng sử dụng điện thoại vô ý lắm. Đang dạy, ngang nhiên ngồi xuống ghế nói chuyện giữa lớp. Hỏi thế làm sao nhắc nhở sinh viên được”.
Cấm cũng bất ổn
Cuối năm ngoái, trường ĐH Cần Thơ ra quy định cấm cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường sử dụng điện thoại trong giờ học, thực hành, thuyết trình… Mới đây, trường ĐH Đà Nẵng “nối chân” cấm sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học, thậm chí sẽ bị thôi học nếu vi phạm nhiều lần. Như vậy có thể thấy, điện thoại di động đã tác động tiêu cực không nhỏ đến chất lượng dạy, học tại giảng đường. Vậy nhưng, theo nhiều sinh viên và cả giảng viên việc cấm sử dụng điện thoại trong giờ học cũng có quá nhiều bất ổn.
Hải, sinh viên trường ĐH Bách khoa, nói: “Em công nhận việc giảng viên, sinh viên sử dụng điện thoại ở giảng đường ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học. Nhiều lúc, mình đang tiếp thu vấn đề nào đó chỉ vì một tiếng chuông điện thoại làm đứt mạch ngay. Muốn nối lại cũng không được vì đã bị xáo trộn rồi”.
Vậy nhưng khi nói đến việc cấm điện sử dụng điện thoại ở giảng đường thì cậu sinh viên này phản đối: “Như thế cũng không ổn. Phần lớn sinh viên là những người sống xa nhà, rất cần những mối quan hệ bạn bè và chỉ có thể thông tin bằng điện thoại. Những khi bạn bè bị tai nạn, làm sao gọi được cho mình nếu bị cấm”.
Nói đến việc cấm sinh viên sử dụng điện thoại trong lớp, cô sinh viên T.H cũng lắc đầu: “Thế thì chết! Mỗi lúc có việc chúng em biết lấy gì cầu cứu. Nhất là các bạn cán bộ lớp, phải nhận, truyền thông tin từng giờ. Nhỡ một chút, sinh viên phải thi lại, học lại ngay”.
H nói về hướng, trước hết giảng viên phải làm gương, thì mới bớt được việc “nhiễu” giảng đường do điện thoại gây ra: “Không phải lúc nào sinh viên cũng dùng điện thoại vô tội vạ trong lớp. Có những tiết thầy nghiêm khắc, sinh viên cũng không dám làm “loạn”, chỉ cầm đến lúc thật cần và nói rất nhỏ. Như thế là được rồi, không gây ra tác hại gì đáng kể”.
Một giảng viên trường ĐH Công nghiệp cũng bày tỏ: “Có những việc xảy ra đột xuất mình không lường trước được. Như tôi đang dạy nhưng có thể phải họp đột xuất, hay xảy ra việc gì đó với đồng nghiệp, sinh viên, gia đình… không có điện thoại, dễ xảy ra chuyện không hay”.
Giảng viên này cho biết, quan trọng nhất là ý thức của mỗi người, không chỉ sinh viên mà cả giảng viên. Chỉ nên dùng đến khi thật cần thiết và cố không để ảnh hưởng đến người khác thì không cần phải cấm. Anh bày tỏ, trước hết, mỗi thầy cô giáo phải làm gương cho sinh viên trong vấn đề sử dụng điện thoại tại giảng đường một cách hợp lý chứ không thể “mình alo oang oang ngay giữa lớp mà lại trách học sinh nhắn tin được”.