[size=1]Phòng trọ của Linh có đầy đủ góc học tập như ở nhà riêng[/size]
Thế nào là phòng trọ của SV "Quý tộc"?
Phương tiện đi lại của SV con nhà giàu có “bét” nhất cũng phải là xe máy. “Thiếu gia” thì cũng cỡ Attila, tầm trung thì Spacy còn “đại gia” hẳn thì xài SH, Dylan, @, LX… Các xe máy quy củ xếp dưới hầm để xe, có người trông 24h/24h. Ngoài ra, tại các xóm trọ này, đường Internet chạy thông suốt từ tầng 1 lên tầng thượng, có truyền hình cáp tiện nghi, điện nước đầy đủ, ổn định.
Mỗi một phòng trọ rộng chừng 15 m2, xây tách biệt để không ai gây ảnh hưởng đến ai. “Zoom” vào bên trong, sẽ thấy nhà vệ sinh khép kín, có điều hoà nhiệt độ, giường có đệm êm, khách chỉ cần mua thêm chăn, chiếu để sử dụng. Nếu có nhu cầu, có thể thuê chủ nhà trang bị “tận răng”. Trong phòng còn có bàn trang điểm, giá sách dựng sẵn, tủ quần áo, bếp núc, …
Nhất là những nhà nào có Gara để được ô tô thì SV giàu càng chuộng. “Có thể chúng nó không có ô tô, nhưng người yêu hoặc bố mẹ của chúng thì sẽ có”, bà Lê Thị Mai, chủ một dãy nhà 5 tầng, 10 phòng trong ngõ 185 Chùa Láng cho biết.
“Phần thưởng” cho “tầm nhìn xa trông rộng” của bà Mai là tuy giá phòng cho thuê cao ngất ngưởng nhưng các cậu ấm cô chiêu vẫn thuê hết.
Giá mỗi căn phòng này dao động từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng/tháng, gồm cả điện, nước, vệ sinh, trông xe. “Mỗi khi có người thuê, tôi đều phải làm hợp đồng rất cẩn thận, ghi rõ hiện trạng phòng ở, cam kết trả tiền. Phòng của nhà mình đẹp, đầy đủ, tiện nghi nên không thể bỏ bừa như mấy xóm trọ lụp xụp, ai thuê cứ thuê, rồi thích đóng đinh, dán tường hay làm gì thì làm, lúc nào thích chuyển là chuyển, …”, bà Mai thận trọng.
Quan điểm của bà Mai rất rõ ràng: “Tôi không ở cùng nhà này mà ở ngôi nhà bên cạnh. Tôi không có trách nhiệm, thời gian, tâm sức đâu mà quản lý đời sống riêng của các anh chị ấy, nhưng tôi phải kiếm soát được tài sản của mình”.
Cho nên, nhà của bà, cả giá lẫn “luật” đều “rắn” mà vẫn “cháy hàng”. Một lí do nữa là nhu cầu ở nhà trọ “hạng sang” như thế này ngày một cao. “Sinh viên giờ nhiều đứa giàu lắm, kể cả ngoại tỉnh. Bố mẹ chúng nó giàu nên không muốn con mình chịu cảnh khổ. Có nhu cầu thì mình đáp ứng”, bà Mai tỏ ra rất nhạy bén khi nắm bắt xu hướng này.
10 phòng trong khu nhà của bà Mai có 13 người ở, 8 nữ, 5 nam. Chỉ có 3 phòng ở 2 người/phòng. Còn lại 7 phòng đều ở 1. Chi trả gần 2 triệu/tháng tiền nhà với những người đã đi làm hoặc mới có gia đình đã là điều xa xỉ. Nhưng với các SV này, xem ra khá nhẹ nhàng.
Bà Mai chỉ dẫn lên phòng tầng 2 của Lê Thuỳ Linh, SV năm 1 ĐH Ngoại Thương HN. Phòng được bố trí như ở nhà riêng. “Em sắp đặt thế để dễ ngủ và đỡ nhớ nhà. Bố mẹ thương con gái lần đầu đi xa nên chiều em, biết hơi đắt nhưng cũng sẵn sàng thuê. Với lại, ở nhà cao cửa rộng, “tầm nhìn” nó cũng khác”, Linh nói.
Mỗi tháng, Linh được bố mẹ cho 3 triệu đồng, một nửa chi cho tiền nhà, nửa còn lại là tiền ăn. Tiền xăng xe, điện thoại, tiêu vặt cho bên ngoài. “Trung bình tất cả em được cho khoảng gần 4 triệu đồng/tháng”. Mức 4 triệu đồng/tháng là niềm mơ ước của nhiều SV đã ra trường và đang đi làm. Hỏi nghề nghiệp của bố mẹ, Linh kể: “Bố mẹ em đều làm môi giới kinh doanh ở cảng biển Hải Phòng”.
Khu Chùa Láng không đáp ứng đủ nhu cầu của các SV “đại gia”. Bên phía đường Nguyễn Chí Thanh, ngay phía sau quán Café Nắng Sài Gòn là cả một toà nhà 6 tầng cho thuê với 10 phòng ở, 2 phòng tầng 1 cho thuê làm nơi bán hàng. Mỗi phòng ở giá 1,3 triệu, chưa điện nước. Đa số các SV thuê nhà này đều ở 1 mình. Tạ Thuỳ Trang, SV Học viện Ngân hàng, quê Quảng Ninh kể: “Em cũng là SV như các bạn, nhưng em không ở được trong nhà trọ hạng thường, loại nhà vừa ẩm vừa chật chội kinh khủng. Bố mẹ em cũng không muốn em ở đó”. Xe LX bố mẹ thưởng cho khi đỗ ĐH Trang không phải lo, vì buổi tối đã có chỗ gửi trong hầm toà nhà M3-M4 ngay bên cạnh.
Chị Thuỷ, người thuê phòng tầng 1 bán tạp phẩm kể: “Con bé này chắc bố mẹ đều “có số có má” cả, cuối tuần nào cũng có lái xe đưa mẹ lên tận nơi thăm con. Hôm nào nó về quê cũng có xe đến đón. Thật thấy SV bây giờ, đứa nào khổ thì khổ hết chỗ nói, đứa sướng thì sướng hơn tiên”.
Tôi chả thèm quan tâm, chỉ cần nộp tiền nhà đầy đủ là được
SV giàu ở trọ một mình trong những căn phòng hạng sang này đang chia ra 2 xu hướng: Một xu hướng coi đây là cơ hội để tự do ăn chơi, xả hơi, tự do tụ tập lôi kéo bạn bè về nhà đập phá mà không lo bị ai quản lý. Xu hướng còn lại coi đây là bàn đạp để sống và học tập tốt hơn.
Linh kể: “Ở đây thoải mái, không gian khá yên tĩnh, vệ sinh sạch sẽ nên em không phải lo lắng nhiều. Em muốn gì cũng có thể làm theo ý riêng. Ti vi, Internet đầy đủ, việc học tập của em được hỗ trợ rất tốt, em cũng không “mù” thông tin như các bạn ở trong KTX hoặc ở bên ngoài không có điều kiện xem, theo dõi tin tức”.
Còn Trang cho biết: “Ngoài lúc học ra, em có thể giải trí ngay tại phòng trọ này, vì tivi có truyền hình cáp đủ kênh. Đồ ăn thức uống, em cũng tự nấu để đảm bảo sức khoẻ. Không thể yên tâm hoàn toàn khi đi học về, em lại phải lo lắng điện nước, an ninh. Ở chỗ này, em cảm thấy tinh thần thoải mái nên tập trung học tốt”.
Có lần vào KTX, Trang thấy người người ra vào tấp nập từ sáng đến tối. Khoảng thời gian quan trọng nhất để nghỉ ngơi, dưỡng sức và học hành là buổi tối lại bị khách khứa làm phiền quá nhiều. Có những hôm vào KTX sau giờ học chiều, Trang thấy phòng ở của bạn cùng lớp chật người ngồi, đại đa số đều là SV đến chơi rồi đi ăn uống cùng nhau đến 10h đêm mới về. “Nếu cứ như thế suốt, thì không hiểu các bạn học, thư giãn, nghỉ ngơi lúc nào?”, Trang thắc mắc.
Thế nhưng, nếu ai cũng như Trang với Linh thì bà Mai ở chùa Láng cũng khỏi phải giao giá khi làm hợp đồng là “không quan tâm đến chuyện riêng của các anh các chị”. Bà Mai bĩu môi: “Mấy con bé ở đây, có đứa thuê nhà thế này như thể để đỡ tiền nhà nghỉ, ở đây “hú hí” với người yêu! Đêm hôm còn mang bồ bịch về phòng. Tôi chả thèm quan tâm, chỉ cần nộp tiền nhà đầy đủ, đúng hạn như hợp đồng là được rồi”.
Cùng ở tầng 2, phòng đối diện với phòng Linh là chỗ ở của một nữ SV năm thứ 3 Học viện Quan hệ Quốc tế. Bà chị SV này là dân sành điệu, quê Thái Nguyên, bố mẹ là “đại gia” ngành thép nên khá ăn chơi. Quần áo chải chuốt, không nấu nướng, thường xuyên đi về muộn rồi ngủ dậy muộn. “Em không phải là người hay để ý, nhưng thấy chị ấy sinh hoạt hơi bất thường”, Linh kể.
Nhất là phòng tầng trên của 1 nam SV, học Giao thông, bạn bè kéo tới nườm nượp. “Mỗi khi có dịp lễ Tết hoặc vì lí do nào đó mà nhậu nhẹt thì thôi rồi. Ăn uống linh đình, bật cả dàn Karaoke đến tận khuya mới xong”. Có hôm, anh chàng đưa người yêu về phòng ngủ, sáng ra bị Linh bắt quả tang: “Em vừa ra khỏi phòng để đi học đã thấy anh chị ấy luống cuống giục nhau chạy xuống. Vừa kéo chị vừa giục: “Nhanh lên em, lớp anh đang kiểm tra rồi”.
Bà chủ nhà chêm thêm: “Bọn con trai nhà giàu cũng thích ở chỗ này lắm, vì con gái nhà giàu nhiều đứa tiểu thư, xinh đẹp nên cứ gọi là hút hồn nhau! Bố mẹ chúng nó giàu, đi làm ăn suốt nên ít lên thăm, có trời mới kiểm tra được chúng nó”
Chia sẻ quan điểm về tự do ở những xóm trọ cho SV quý tộc, Linh nói: “Chuyện đó tuỳ thuộc cách sống của từng người”. Còn Trang lại có một cách nhìn khác: “Người khác thấy bảo em con nhà giàu có là định kiến này nọ. Đồng ý là có những người khiến xung quanh phải suy nghĩ về mặt trái của sự giàu sang, và có nhiều bạn không vượt qua cái khó của sự sung túc. Nhưng với em, sự khá giả là bàn đạp để em phấn đấu, tất nhiên là không hề dễ dàng để tránh khỏi cám dỗ!”