(Zing) - Tôi, một cô gái Hà Thành đích thực, nên từ bé đến lớn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ yêu trai "quê", không phải vì tôi kì thị người tỉnh lẻ, mà chính bởi bản thân tôi không đủ tự tin.
Ảnh minh họa
Thử nghĩ mà xem, một đứa con gái như tôi, chặt gà thế nào cũng chẳng biết, nấu cơm bằng nồi điện còn hôm khô hôm nát, tính tình lại ngang bướng, khó bảo… Trong khi đó, người ta vẫn nói đàn ông ở quê gia trưởng lắm, họ kén vợ phải ngoan hiền, nghe lời chồng răm rắp, chăm chỉ cù mì, biết tề gia nội trợ hẳn hoi… Xét từ hai yếu tố trên, kiểu con gái như tôi đích thị là nghìn lần không hợp với họ. Hơn nữa, tôi rất sợ phải làm "dâu xứ người".
Ấy thế mà cách đây ít lâu, tôi lại quen với một anh chàng ở tận Thái Bình. Bạn tôi, nhiều đứa chòng ghẹo: "Sao bảo chỉ yêu trai Hà Nội?". Mẹ tôi thì vừa gặp đã tuyên bố xanh rờn: "Tao sợ mày không hợp với nó đâu con ạ!". Nói chung mọi người không "kích đểu" thì cũng bàn lùi khiến tôi bực mình. Tôi chống chế: "Người ta gốc quê nhưng là công tử ở quê. Còn hơn chán vạn lũ con trai thành phố!".
Đại là tên anh chàng Thái Bình của tôi. Ở dưới cái tỉnh nhỏ bé đó, nhà anh cũng thuộc hàng có vai có vế. Lớp 12 anh được đi thi học sinh giỏi Hóa và đạt giải nhì toàn quốc, đỗ thẳng Đại học Kinh tế Quốc dân. Từ đó, anh lên Hà Nội học và một mình ở trong căn nhà 5 tầng lừng lững do các cụ mua cho. Giờ thì anh đã ra trường và công tác tại một công ty xe hơi nổi tiếng. Tối tối anh học thêm bằng thạc sĩ. Tôi hoàn toàn cảm thấy tự hào khi yêu anh.
Chúng tôi đã có một khoảng thời gian bên nhau thật vui vẻ và nhiều kỉ niệm. Nhưng đáng tiếc, nó kéo dài không lâu, để rồi những mâu thuẫn bắt đầu bộc lộ.
Đầu tiên là chuyện học hành của tôi. Tôi học không giỏi, chỉ ở mức trung bình, cộng thêm bao nỗ lực đôn đốc của bố mẹ thì tôi cũng đủ điểm vào một trường Cao đẳng. Tôi nghĩ thế là "ấm" rồi. Thú thực, tôi chưa bao giờ có sở thích hay niềm đam mê mang tên "học hành", với tôi đó hoàn toàn chỉ là nghĩa nặng tựa Thái Sơn. Cũng may giờ đã là năm cuối, sắp thoát cái kiếp học lận đận, tôi nghĩ ra trường xin việc, thế là xong! Tuy nhiên, bạn trai tôi lại bảo: "Sau này, em phải thi liên thông lên Đại học. Chứ cái bằng của em chỉ như xóa nạn mù chữ. ".
Tôi cố bày tỏ quan điểm với người ta rằng, con gái chỉ cần học cao thế thôi, nhà tôi cũng có cửa xin việc, chẳng lo thất nghiệp. Vả lại, sau này nếu hai đứa có phúc phận tiến đến hôn nhân thì một mình anh giỏi như thế cũng đủ rồi, sao phải bắt tôi học làm chi?… Nhưng Đại không hài lòng. Rồi anh dẫn chứng cho tôi một kỉ niệm buồn của mình. Số là cách đây vài năm, anh quen và yêu một cô bé. Song bố mẹ anh không ưng chỉ vì cô bé đó học trường đại học dân lập chứ không phải chính qui???… Tôi bắt đầu lờ mờ hình dung ra khung cửa đồ sộ của nhà anh.
Như đã nói, tôi là đứa con gái ngang ngạnh, khó bảo, lắm khi còn làm thầy u phải "nổi xung", nhưng oái oăm thay trong mắt khối gã trai, điều đó lại trở thành cá tính. Đại cũng nằm trong số đó. Anh bảo, không "khoái" mấy cô nàng "nhạt nhẽo" kiểu ngoan hiền, bảo gì nghe nấy. Chính vì thế, sự trẻ trung, tinh nghịch có phần hơi tinh quái và bướng bỉnh ở tôi đã làm anh xiêu lòng. Thế nhưng, con người anh là cả một khối mâu thuẫn.
Tôi có nhiều bạn, nam có nữ có. Tôi thích được thường xuyên giao lưu, gặp gỡ họ. Tôi thích cuộc sống tự do và vui vẻ. Đại biết rõ điều đó. Vậy mà ngoài thời gian bên nhau, dường như anh chỉ muốn tôi như một con búp bê được anh khóa cẩn thận trong tủ kính.
Đại khó chịu khi tôi đi chơi đâu mà có người khác giới. Anh cho rằng: "Hoa có chủ rồi rồi mà cứ tụ tập với đàn ông thế chả hay ho gì", một thứ chân lí do anh tự sáng tác. Thi thoảng, anh còn buông những nhận xét đầy thành kiến: "Bạn em toàn mấy cậu ấm thành thị, chỉ biết chơi bời lêu lổng".
Đại bực bội nếu tôi ra khỏi nhà mà không về trước 9h30 tối, chiêu mà các cụ thân sinh ra tôi trước đây vẫn áp dụng, nhưng kể từ khi tôi học hết phổ thông, họ cũng đã bỏ. Còn Đại thì cho rằng: "Con gái thành phố bọn em được bố mẹ nuông chiều quá đáng!".
Đại giận dỗi nếu tôi hẹn gặp bạn bè mà không rủ anh đi cùng, thứ tưởng như chỉ xảy ra ở lũ con gái bọn tôi. Những lúc như thế anh thường dở giọng hờn mát: "Anh quê mùa nên em ngại không muốn dắt anh đi chứ gì?"…
Nói tóm lại, việc gì không trong tầm kiểm soát thì Đại đều không hài lòng. Và những cuộc cãi vã giữa chúng tôi nảy sinh từ đây.
Yêu Đại, tôi cố gắng nhu mì hơn, nhưng với anh như thế vẫn chưa đủ. Anh áp đặt tôi cả trong những suy nghĩ nhỏ nhất. Tôi nhớ có lần, anh gọi điện, tâm sự cho tôi nghe câu chuyện xích mích của mình với gã bạn thân. Nghe xong, tôi ngẫm nghĩ và phân tích rằng anh có cái đúng và có cả cái sai. Tuy nhiên, anh khăng khăng nghĩ mình đúng 100%, cho rằng kẻ sai chính là… tôi vì đã không bênh vực anh. Rốt cuộc, anh dập máy cái "bộp" và giận tôi 1 tuần.
Yêu nhau được một tháng thì mẹ Đại lên thăm nhân dịp sinh nhật con trai bà. Loại bỏ tất cả áo hai dây, sát nách, váy, juyp, tôi diện quần vải, sơ mi cắm thùng. Đương nhiên tôi không thể bỏ được thói quen trang điểm. Tôi tưởng việc xây dựng hình ảnh của mình chí ít cũng đạt điểm "A-", vậy mà mẹ anh chỉ có một nhận xét: "Trông con bé đó 'đanh' lắm!". Đến giờ tôi cũng không hiểu bà muốn nói tôi đanh đá hay già đanh nữa. Nhưng tôi đồ rằng đó không phải là nhận xét tốt. Tôi chỉ buồn vì Đại truyền đại lại cho tôi bằng thái độ đồng tình với mẹ mình. Anh còn lên giọng dạy dỗ: "Em trang điểm ít thôi, trông sẽ dịu dàng hơn đấy!", mặc dù tôi không hề mắt xanh, mỏ đỏ.
Quả thực, Đại yêu chiều tôi nhưng luôn bằng cái cách của kẻ bề trên. Và cái sự bề trên đó thể hiện đỉnh điểm ở chính cái lần mà chúng tôi chia tay nhau.
Một ngày đẹp trời, tôi chẳng đòi hỏi mà Đại tự nhiên hứa sẽ tặng tôi một bộ mỹ phẩm. Anh nói bằng giọng tự tin: "Chắc chỉ 5-7 triệu chứ mấy… Muỗi!". Rồi cũng đến hôm anh thực hiện lời hứa. Tôi dắt anh đến một gian hàng không quá cao cấp. Tôi say sưa chọn những thứ mà nghĩ là trong tầm cho phép. Nhưng khi chọn xong, Đại làm tôi muối mặt trước cô nhân viên bán hàng. Anh gạt một nửa số đồ tôi chọn ra một bên và kết luận: "Hôm nay mua thế này thôi. Lần sau mua tiếp, không lại quen thói đòi gì được nấy!".
Đến lúc này thì tôi không thể chịu nổi. Tôi sầm mặt, không nói với anh bất cứ câu gì kể từ khi bước ra khỏi cửa hàng đó. Lẽ ra nếu như anh im lặng hoặc nói một câu dễ chịu hơn thì có lẽ chúng tôi đã không chia tay sớm đến vậy.
"Dạo này em hư lắm! Hay cãi lời anh. Anh phải dạy lại em mới được. Nói chung là cứ ngoan đi thì thứ gì cũng có…".
Đó chính xác là câu nói khiến tôi quyết định âm thầm chấm dứt mối tình chưa đầy 2 tháng với Đại.
Tôi chỉ đem câu chuyện của mình tâm sự với mấy đứa bạn thân, chúng nó đều bảo: "Đã nói rồi, trai 'quê' gia trưởng lắm, mà công tử 'quê' nữa thì càng ghê gớm". Và lúc này, tôi chẳng còn dám chống chế gì hơn là sự im lặng.