Tin tức - pháp luật 2008-07-04 01:51:40

Khi cuộc sống trông chờ vào... rác


Tân lúi húi giặt từng chiếc túi nilon dưới dòng nước vẩn đục, tổng hợp các thứ mùi tanh ngòm của nhiều loại rác bốc lên từ dưới dòng kênh. Thỉnh thoảng, cậu bé lại ngẩng lên hít lấy hít để chút không khí "trong lành" ở trên cao.
Trên bờ, các "đồng nghiệp" của Tân đang vui vẻ bốc từng đống nilon, bao tải đã được giặt qua loa, chất lên xe mang về nhà.
Giặt và phân loại rác. 5h sáng, con kênh nhỏ bên ngoài bờ tường Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (phố Nỉ, Trung Dã, Sóc Sơn) lại nhộn nhịp người. Người đứng, người ngồi giặt rác đông nghịt hai bên bờ kênh. Tân và mấy người bạn đang làm sạch chiến lợi phẩm thu được sau một đêm bon chen trên núi rác. Một ngày làm việc của cậu bé lớp 11 này thường bắt đầu từ lúc 2h sáng và kết thúc vào 11h trưa.
Đôi tay trần thoăn thoắt của Tân vơ từng mớ rác bẩn, khua khắng dưới nước vài giây rồi vứt bẹt lên bờ. Mùi tanh nồng, thối rữa bốc lên nồng nặc khiến phóng viên Ngôi Sao đứng cạnh cũng váng đầu, hoa mắt, chóng mặt, vậy mà chẳng hề hấn gì với những cô cậu học sinh đang "vần" nhau với rác này. Đồ nghề chỉ vỏn vẹn có một chiếc đèn pin nhỏ cùng một dụng cụ giống như chiếc liềm và một chiếc móc nhưng "thiếu nó, bọn em khó mà làm ăn được".
Chiếc mũ rộng vành màu cháo lòng không giấu nổi khuôn mặt tròn, đen xạm, mái tóc bê bết mồ hôi và nước kênh bắn lên bám chặt lấy vầng trán rộng của cậu bé sinh năm 90 này. Bộ quần áo bảo hộ rộng thùng thình và đôi ủng đen đi đến bẹn Tân mang cũng không hề làm giảm tốc độ giặt rác chuyên nghiệp của chú bé.
Tân và Mai đang thu dọn rác "sạch" vào bao để chuẩn bị ra về. Tân tâm sự, hôm nào về nhà với 4 bao tải rác to cậu mới yên tâm và coi như hôm ấy đủ sống: "Nghỉ hè là em đi nhặt rác để đến năm học mới có tiền mua sách vở, quần áo. Ngày nào có nhiều, em kiếm được khoảng từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng. Nghề này vất vả nhưng dân ở đây nghèo và sống chủ yếu dựa vào bãi phế liệu này nên không đi nhặt thì coi như đói".
Ngồi nghỉ bên bao tải rác cao gấp đôi người, cậu bé kể về ước mơ vào đại học. "Sang năm hết cấp, em định thi vào một trường nào đó để học lấy cái nghề. Làm công việc này khổ và độc hại lắm chị ạ. Đi từ sáng sớm đói meo đến tận trưa mới được ăn cơm, làm ham quá nên em cũng quên cơn đói. Với cả, có mang cơm ra đây thì cũng không nuốt nổi. Mới đầu không chịu được, em toàn phải bịt khẩu trang nhưng bây giờ quen rồi, thấy xe đến là lao vào tranh nhau bới".
Vừa nói, Tân vừa chỉ vào bao tải đầy rác trên bờ và giải thích: "Chủ không mua rác bẩn nên bọn em phải giặt và phơi khô trước khi mang bán. Mỗi cân túi nilon như thế này họ mua với giá 1.000 đồng, có loại mua tới 3.000 đồng. Kiếm được nên học sinh ở đây không có ngày hè đâu chị ạ. Chỉ mong được nghỉ để đi nhặt rác thôi".
Có thâm niên đã 3 trong nghề, Mai ra nhập đoàn quân bới rác do gia đình quá nghèo. Bỏ học từ năm lớp 9, hai chị em Mai ngày ngày thức dậy từ 2h đến 3h sáng, hòa vào dòng người mưu sinh bên bãi rác thải để có thêm thu nhập đỡ đần bố mẹ. Trong đôi mắt to, sáng của cô bé ánh lên khát vọng được đi học. "Ở đây, những người trẻ trẻ như bọn em chỉ nhặt rác thôi, chẳng có nghề nghiệp gì. Đứa nào có chí lắm thì mới học hết cấp 3, còn lại là nghỉ học hết để kiếm tiền".
Chọn một nơi dòng nước có vẻ "trong" nhất, Mai bước xuống rồi dỡ tải rác ra để giặt. Đôi ủng có vẻ không đủ cao để bảo vệ đôi chân em, thỉnh thoảng, nước tràn vào tạo ra những tiếng kêu oàm oạp bên trong. "Chị thấy đấy, ngày nào cũng hàng trăm người ra đây giặt thì lấy đâu nước sạch. Đi ủng vẫn không ăn thua, em bị nước ăn chân liên tục nhưng cuộc sống mà, biết làm thế nào được", cô bé tâm sự.
"Chị phải đến đây lúc sáng sớm mới thấy người ta đi bới rác đông như đi hội. Ở đây nhà nhà nhặt rác, người người mua rác, ở đâu cũng thấy rác là rác".
Người dân sống quanh khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn sống nhờ vào rác. Không còn "khỏe chân, khỏe tay" như cánh thanh niên, bà Hoan, nhà ở chợ Chấu đành ra bãi phế thải loại bên ngoài nhà máy để nhặt nhạnh những gì còn sót. Cuộc sống cực khổ khiến bà trông già hơn so với cái tuổi 50. 5h sáng nào bà cũng đạp xe từ nhà xuống đây để mót rác. Tay không, chân đất và không "che đậy" gì, bà luôn tay nhặt nhạnh như không muốn bỏ sót thứ gì.
Khó khăn lắm phóng viên mới chộp được lúc bà ngẩng lên để hỏi chuyện. Bà Hoan phân trần: "Phần lớn cuộc sống của chúng tôi bây giờ trông chờ vào rác. Không vào trong bãi được nên tôi chỉ kiếm ăn ở bãi ngoài này thôi. Có nhà một ngày kiếm được từ 400 đến 500 nghìn đồng từ những thứ bỏ đi này đấy. Tôi chỉ túc tắc 50-70 chục nghìn thôi".
Trước đây khi chưa có khu xử lý rác thải, cuộc sống người dân xã Hồng Kỳ vô cùng nghèo khó. Trẻ con bỏ học nhiều do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ăn chưa đủ nói gì đến tiền đi học. Từ khi nhà máy mọc lên, cuộc sống nhiều gia đình đi vào ổn định, thậm chí, nhiều nhà còn giàu lên nhờ rác. Nguồn thu nhập từ rác thải lớn khiến người dân bỏ cả ruộng để theo rác, có nhà cả bố mẹ, con cái đều theo cái nghề này.
Khi ánh nắng ngày mới trở nên gay gắt, đội quân giặt túi nilon bắt đầu sửa soạn ra về. Vài đứa trẻ con lớp 5 tung tăng vác cần câu ra bờ kênh thả mồi bắt cá. Không xa lạ cũng chẳng sợ bẩn với đống rác vương vãi trên bờ, chúng tự nhiên ngồi phệt xuống đất, khoắng chân xuống dòng nước đục cho "mát". Kỳ nghỉ hè của những đứa trẻ nơi đây đã quen với rác.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)