Ảnh minh họa |
"Vì mình mà than phiền, thì sẽ bị quy kết ngay là được voi đòi tiên, bao nhiêu người muốn mà không được" - Thủy, cô bạn thân từ hồi đại học của tôi, hiện đang làm việc tại TP.HCM nhỏ nhẹ. "Mình đã nghe không biết bao nhiêu bà vợ than vãn vì ông chồng cứ "cơm hàng cháo chợ" rồi, mình cũng hiểu là chồng cứ vắng mặt trong bữa cơm chung suốt thì cũng buồn thật, nhưng chồng chỉ thích ăn cơm nhà cũng có cái bất tiện đấy, không phải hoàn toàn sung sướng cả đâu".
Ngày trước, Thủy là một cô gái xinh xắn, học khá. Khi chúng tôi tốt nghiệp ra trường đang tất bật tìm việc làm thì Thủy đã có công việc ổn định tại một công ty tư nhân và đi lấy chồng. Chồng cô là một nhà khoa học trẻ xuất thân từ một gia đình khá giả. Ngay từ hồi đang tìm hiểu nhau, cô đã rất cảm kích khi nghe người yêu thổ lộ rằng anh rất thích được ăn những bữa ăn gia đình ấm cúng, rằng mẹ anh là một phụ nữ nấu ăn rất ngon và cha anh suốt cuộc đời hầu như chỉ ăn cơm do mẹ nấu. Lúc đó, Thủy đã tự hứa rằng, cô nhất định sẽ cột chặt ông chồng với gia đình bằng những bữa cơm ngon lành, đúng như câu nói, con đường tới trái tim của người đàn ông phải qua dạ dày.
Những ngày mới về sống chung quả là mật ngọt. Sự cố gắng bếp núc của Thủy được đền đáp xứng đáng bằng những lời khen ngợi động viên của chồng, dù rằng cô vốn dĩ chẳng phải là cô gái nấu ăn giỏi. Buổi sáng Thủy đi chợ mua thức ăn về rồi chế biến sẵn bỏ tủ lạnh, buổi trưa tranh thủ chạy về nhà nấu cơm hai vợ chồng cùng ăn rồi lên công ty làm việc tiếp, buổi tối thong thả hơn, hai vợ chồng ngồi ăn đầm ấm cứ như ca dao - "chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Ngày nghỉ, Thủy chăm chỉ đổi món cho chồng. Cô rất tự hào khi thấy dẫu chồng có đi ăn cưới, thì về nhà anh cũng cứ phải ăn thêm cơm nhà mới "yên bụng". Có lần Thủy đi công tác một tuần, khi về cô ứa nước mắt thấy thùng rác toàn vỏ cơm hộp với vỏ mì gói. Chồng chép miệng: "Ăn cơm ở nhà với vợ quen rồi, ra tiệm ăn cũng ngại".
Thế nhưng được một thời gian, Thủy bắt đầu nhận ra, những "bữa cơm gia đình" ấy đã khiến cô không có cơ hội tham gia những bữa ăn khác. Những trưa nắng chang chang vội vã lao về nhà, tất bật vào bếp xào xào nấu nấu, Thủy bắt đầu thấy nhớ những trưa cùng cả phòng leo lên một chiếc taxi đến một quán cơm văn phòng mát mẻ nào đó, vừa ăn vừa tán gẫu, ăn xong về công ty vẫn còn kịp ngả người trên ghế nghỉ nửa tiếng. Không biết từ lúc nào, những cuộc gặp gỡ bạn bè hay với khách hàng ngoài giờ làm đã không còn có mặt Thủy. Ai cũng biết Thủy tự hào có một ông chồng yêu thích bữa ăn gia đình, và cô hạnh phúc được chuẩn bị bữa ăn cho chồng. Thủy sốt ruột khi thấy dường như những mối quan hệ xã hội của mình đang bị thu hẹp lại. Còn bữa ăn ở nhà vẫn rất ngon lành nóng sốt, nhưng lời khen ngợi của chồng hầu như không còn nữa (ừ, mà chẳng lẽ cứ khen mãi?); giờ đây, anh nghiễm nhiên coi nấu ăn ngày hai bữa cho chồng là nghĩa vụ của một người vợ đảm đang.
"Anh à, anh làm khoa học không cần nhiều mối quan hệ, nhưng em thì cần. Thỉnh thoảng em phải gặp khách hàng vào buổi trưa. Hay là buổi trưa mỗi người tự ăn cơm ở công sở, chiều về ăn cơm nhà được không anh?" - có lần Thủy đề nghị. "Ừ, nếu công việc của em cần thì tự ăn trưa cũng được" - chồng đồng ý ngay. Nhưng anh lại vẫn về nhà, loay hoay lục thức ăn trong tủ lạnh ra nấu ăn một mình. Mẹ chồng biết chuyện, xót xa: "Thủy ơi, con làm gì thì làm, cũng phải lo cho chồng ăn uống tử tế chứ!". Vừa thấy mình có lỗi khi để chồng lụi cụi nấu nướng, vừa bực bội trước lời trách của mẹ chồng, Thủy đành lại bươn bả chạy về mỗi trưa để nấu cho chồng ăn.
Cho đến giờ, Thủy vẫn rất thương khi thấy hễ không có vợ thì chồng mình lại ăn mì gói. Nhưng cô không tự hào trước lời khen ngợi "đảm đang, chiều chồng" nữa. Cô chỉ ước một tối nào đó, nghe vợ gọi điện thoại bảo có việc không về nhà sớm nấu cơm được, chồng cô sẽ hoan hỉ tụ tập bạn bè đánh chén, và về nhà khoe: "Em à, anh mới ăn món này ngon lắm… no căng cả bụng… để hôm nào anh dẫn em đến đó ăn nhé".
Theo Thanh Niên