Tất cả những thắc mắc của teengirls về cô nàng “nguyệt san rắc rối” đều được bật mí ở đấy nhé!
1. Chu kì của mình khá đều đặn nhưng lại kéo dài có khi đến 2 hoặc hơn 2 tuần . Tuần đầu tiên thì ra khá nhiều nhưng những tuần về sau thì chỉ ra rất ít. Như vậy có phải là mình bị rong kinh không? – Vân Anh ( Bekute…@yahoo.com)
Trả lời:
Chào bạn!
Thông thường kì kinh nguyệt của các bạn nữ thường kéo dài từ 5-7 ngày. Hiện tượng của bạn kinh nguyệt kéo dài đến 2-3 tuần như vậy có thể coi là bị “rong kinh”. Đây là hiện tượng xảy ra với nhiều bạn nữ khi mới bước vào tuổi dậy thì, chu kì còn chưa ổn định. Vì trong thời kì đầu này trong nhiều chu kì không phóng noãn, estrogen tăng lên kéo dài, không có hoàng thể và cũng không có hiện tượng bong nội mạc tử cung. Nội mạc cứ dày lên mãi trong khi mạch máu không tăng trưởng kịp nên không đủ máu nuôi, dẫn đến hoại tử và bong ra từng mảng, gây ra huyết nhiều và kéo dài. Vì vậy bạn cần chú ý theo dõi xem lượng máu mình ra nhiều hay ít, có điểm gì khác thường khi ra máu không. Trong thời kì này bạn nên chú ý giữ gìn vệ sinh và ăn đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm chưa chất sắt để bù máu cho cơ thể.
Để điều trị dứt điểm hiện tượng này tốt nhất bạn nên đến các phòng khám để được các bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cách điều trị cụ thể. Tránh để lâu có thể gây ra hiện tượng viêm nhiễm “vùng kín”, mất máu ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Không hiểu tại sao mỗi khi sắp đến “ngày ý” là mình lại cảm thấy bực bội khó chịu trong người, bụng thì cứ trương phồng lên. Mình còn bị ra rất nhiều dịch nhầy nữa khiến cho mình cảm thấy bất tiện khi làm bất cứ việc gì. Hiện tượng đó có bình thường không? Có cách nào giúp mình khắc phục hiện tượng ấy không? – Lan Hương ( Meomeo…[email protected])
Trả lời:
Lan Hương thân mến,
Tất cả những hiện tượng bạn miêu tả được gọi chung là hội chứng tiền nguyệt san hay còn gọi là hội chứng PMS. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là sự mất cân bằng giữa các hormon entrogen và progesterone. Đây là một hiện tượng bình thường xảy ra với tất cả mọi người trước kì nguyệt san.
Nhưng ở mỗi người lại có thể có những biểu hiện khác nhau như: cáu gắt, bực bội, căng thẳng, đau bụng, mệt mỏi, đau người…vv… Stress và việc ăn uống thiếu chất, giờ giấc ngủ nghỉ không hợp lí có thể khiến cho hiện tượng PSM nặng hơn. Vì vậy bạn cần có một chế độ sinh hoạt hợp lí và cố gắng giữ cho đầu óc thoải mái trong những ngày này.
Nếu dịch nhầy của bạn trong, không màu, không mùi thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Bạn nên sử dụng bvs hàng ngày và thường xuyên thay để giữ cho “tam giác” được sạch sẽ, khô thoáng.
3. Cách tính ngày rụng trứng như thế nào? Dùng phương pháp này để tránh thai có an toàn không?- N.Minh (HCM)
Trả lời:
Chào Minh,
Một chu kỳ kinh được đo từ ngày đầu tiên thấy kinh cho đến ngày đầu tiên của lần tiếp theo. Một chu kỳ kinh điển hình kéo dài 28-32 ngày, nhưng có thể ngắn hoặc dài hơn. Bạn có thể xác định ngày rụng trứng bằng cách tính thời điểm giữa của chu kỳ, thông thường rơi vào giữa ngày thứ 11 và 21. Ngày rụng trứng có thể là ngày 12 cho đến ngày 16 trước ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo.
Tránh thai bằng cách tính ngày rụng trứng là phương pháp có rất nhiều rủi ro vì trứng có thể rụng vào bất cứ ngày nào mà không theo chu kì. Đặc biệt là với các bạn có chu kì không đều đặn. Vì vậy bạn nên chọn cho mình một phương pháp tránh thai an toàn hơn như: sử dụng bcs, uống thuốc tránh thai.
4. Tháng nào con gái tụi mình cũng bị rụng 1 trứng, như vậy thì đến năm bao nhiêu tuổi cơ thể bọn mình sẽ hết sạch trứng nhỉ?- Hà Anh ( H.Anh…@yahoo.com)
Trả lời:
Hà Anh thân mến,
Câu hỏi của bạn hết sức thú vị và cũng là thắc mắc của rất nhiều teengirl khác. Bạn biết không: khi bạn ra đời, tổng số tế bào noãn mẫu trong buồng trứng là khoảng 2 triệu, đến giai đoạn dậy thì sẽ có khoảng 3- 4 triệu. Mỗi tháng có một trứng chín và rụng, trong cả cuộc đời sẽ có khoảng 400 trứng rụng, chưa bằng một phần vạn trong tổng số tế bào noãn mẫu. Vì vậy bạn yên tâm là không bao giờ cơ thể bọn mình hết sạch trứng đâu nhé!
Khoảng từ 45 tuổi trở lên, cơ thể phụ nữ bước vào thời kì mãn kinh xảy ra do buồng trứng ngưng hoạt động và ngưng tiết các nội tiết nữ, dẫn đến việc ngưng hành kinh hàng tháng, và chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ.
6. Mình mổ dạ dày cách đây 2 tháng, kể từ đó cho đến nay mình không hề “bị”. Mình rất lo lắng, có phải việc mổ dạ dày đã ảnh hưởng đến chu kì của mình không?- T.Trâm ( bibo…@yahoo.com)
Trả lời:
Trâm thân mến!
Trước hết bạn không cần quá lo lắng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi bạn mổ dạ dạy đến nay chưa thấy có hiện tượng kinh nguyệt nguyên nhân có thể do sức khỏe của bạn còn chưa ổn định dẫn đến hiện tượng chậm kinh. Hiện tượng này vẫn thường xảy ra với những người bị stress, ăn uống không điều độ hoặc sức khỏe quá yếu. Bạn cần nghỉ ngơi, ăn uống điều độ bồi bổ cho cơ thể, “cô nàng nguyệt san” sẽ sớm quay lại thôi.