Profile: Tên thật: Đỗ Thị Thuỳ Linh Sinh năm : 1983 Keng's Blog: http://blog.360.yahoo.com/kengvnn Hiện đang làm Copywriter |
Trong danh sách tổng kết 100 sách bán chạy nhất năm 2008 (theo Vinabook.com) thì Dị bản của Keng đã đứng đầu. Lúc này Keng cảm thấy thế nào?
“Dị bản” đi một chặng đường thành công là niềm vui lớn đối với Keng. Thường thì “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng ngay từ lúc “Dị bản” chỉ mới tồn tại trên blog đã gặp rất nhiều cơ hội thuận lợi để nhanh chóng hoá thân thành một quyển sách, và trong vòng nửa năm qua luôn được coi là best seller.
Về Dị bản: Dị bản là sản phẩm văn học mạng 100% gồm 13 truyện ngắn Keng tổng hợp lại từ blog, sắp xếp theo một ý tưởng nhất quán về tính cách dị bản trong người phụ nữ. Mỗi câu chuyện là một sự trăn trở về cuộc sống, tình yêu, lối sống… của thế hệ trẻ Việt Nam. Ngôn từ trong truyện khá hiện đại và thẳng thắn. Dị bản đã bán hết 500 bản ngay sau 1 tuần đầu phát hành. Và đã tái bản tới lần thứ 3. |
Nhiều người khi nhìn vào danh sách đã nói “do tò mò trước tựa sách nên độc giả mua đọc, nhờ thế mà bán chạy”. Keng nghĩ sao?
Keng coi đó là một lời khen cho sự sáng tạo trong việc thiết kế bìa sách của mình. Đối với Keng tất cả những nhận định, đánh giá của độc giả lẫn chưa là độc giả đều đúng. Mỗi người tiếp cận sự việc ở một cách thức khác nhau, và khi đã đưa ra quan điểm thì luôn có lý của họ.
Dị bản bán chạy do độc giả tò mò về tựa sách, hay lột tả chân thực lối sống của một phần giới trẻ hiện tại nên nhiều người thấy gần gũi mua về đọc, hoặc đơn thuần sách đã được PR bài bản,… cũng đều là những yếu tố góp phần vào việc trở thành best seller của Dị bản. Keng nghĩ đơn giản đó là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.
Năm 2008 dường như là năm bùng nổ của các tác giả online, các tác phẩm có mang nội dung về giới tính. Keng phát hành sách ngay đúng thời điểm nên được chú ý. Phải chăng có sự tính toán ở đây?
Nếu nói là phát hành đúng thời điểm bùng nổ của các tác giả online và xoay quanh chủ đề về giới tính thì chẳng phải là Dị Bản có quá nhiều cạnh tranh và dễ chìm lỉm trong cái bàn tiệc có duy nhất một món đó sao? Khi chuyển Dị bản từ blog xuống sách giấy, Keng không hề có bất cứ sự tính toán nào về nội dung cũng như thời điểm phát hành. Chỉ là “văn mình” thì tự mình luôn thấy hay ho và cũng muốn người khác cảm thấy nó thú vị như mình. Keng tin là có những tác giả khác, viết về vấn đề giới tính mang tính học thuật và “già tay” hơn Keng rất nhiều, song tác phẩm của họ ít được chú ý hơn Dị bản, vì có lẽ thần may mắn mỉm cười với Keng nhiều hơn mà thôi!
Trong xã hội hiện nay, tồn tại một bộ phận giới trẻ sống thoáng, sống vội. Nhiều người đã nhìn vào cuộc sống của những người trẻ ấy để buộc tội họ. Riêng Keng, trong cuốn sách của mình dường như lại “minh oan” cho những người trẻ ấy? Khi Keng đã tìm nguyên nhân ở nội tâm của những người trẻ tuổi đó.
Trước tiên phải khẳng định rằng Keng cũng là một người trẻ, nằm trong cái nhìn sống thoáng, sống vội của những suy nghĩ khác mình. Phán xét và buộc tội người khác đơn giản lắm. Bất cứ vấn đề gì, cứ lôi mặt xấu ra để đánh giá thì trên thế gian này, có ai không từng bị buộc tội?
Thử hỏi bây giờ giới trẻ nhìn về những thế hệ đi trước theo một cách tiêu cực thì có lẽ chúng ta sẽ liệt kê ra những tội trạng như: lạc hậu, bảo thủ,… chứ không phải là những phạm trù: trải nghiệm, truyền thống,… Keng nghĩ rằng có lẽ vì giới trẻ luôn “sống thoáng” hơn nên họ vẫn đang ngày ngày kế thừa và phát huy những kết tinh văn hoá của thế hệ trước.
Vậy những “buộc tội” đó chắc gì đã đúng, và liệu những người đưa ra lời buộc tội có sống lâu hơn để biết rằng mình đã từng sai? Khi phải sống cuộc đời của người khác, thì mới hiểu được vì sao họ đã ứng xử như thế!
Những trải nghiệm sex của các nhân vật trong truyện liệu sẽ “vẽ đường cho hươu chạy” khi giới trẻ hiện nay rất “nhanh nhạy” vấn đề này?
Keng không nghĩ mình đủ khả năng vẽ ra những con đường để người trẻ đi theo. Khi xã hội hiện tại đã có những đại lộ chen chúc nhau chào đón bước chân của giới trẻ.
Báo chí luôn luôn update lối sống thác loạn của Tây, Tàu và cả ở Ta. Phim ảnh thì không ngại lồng cảnh nóng vào cho hút khách. Văn học cũng đầy rẫy những chuyện tình giật gân. Internet thì chỉ có thể nói là “tràn lan…”. Trong khi đó Dị Bản thậm chí chỉ được giới chuyên môn đánh giá là những entry ngắn thể hiện cảm xúc lãng lãng, mà vẽ được đường cho hươu chạy thì đáng cười lắm sao?
Người ta nhìn vào sự thành công của Dị bản để thổi phồng sức ảnh hưởng của nó đến giới trẻ, mà không chịu so sánh trong cái bản đồ giao thông hỗn loạn kia, Dị bản chỉ là một lối cỏ nhỏ nhoi.
Vấn đề nằm ở chỗ những con người khắt khe chỉ nhìn thấy giới trẻ đang lao dốc trong nhịp sống hiện đại, mà không chịu hiểu rằng đó là một con dốc cao của sự thử thách mà bất kỳ bạn trẻ nào cũng phải leo lên để cuối cùng định hình được nhân cách của mình. Nhìn “đỉnh núi” thành “đáy vực” thì chỉ có một cách giải thích duy nhất: “Chiều cao chẳng qua là chiều sâu lộn ngược” cho huề cả làng.
Keng nghĩ gì về thế hệ 9x ngày nay ? Keng đã bị ấn tượng bởi teen 9x nào chưa?
Thú thật là tất cả các bạn trẻ 9X đều cho Keng một ấn tượng là mình đã GIÀ. Sự tự tin, năng động của các teen 9X đôi khi làm mình choáng, bởi sự so sánh “ôi, hồi mình bằng tuổi các bạn ấy thì nhát bỏ xừ”. Nghĩa là bây giờ Keng thấy mình nhiều lúc không theo kịp suy nghĩ của các bạn ấy nữa.
Ngày xưa 7X, 8X chỉ nhìn cha anh mình để học hỏi, thì bây giờ 9X có cả thế giới trong tầm tay để phát triển khả năng của bản thân. Thế giới quá rộng lớn nên đôi khi các bạn đi quá xa, ra khỏi sự kiểm soát của phụ huynh, khiến xảy ra rất nhiều cuộc tìm kiếm và giáo dục lại nhận thức của con cái, từ đó xảy ra bao hiểu lầm giữa các thế hệ.
Và có lẽ Keng cũng đã có những cách biệt với 9X, nên ít theo dõi các hoạt động của teen 9X, nên cũng chẳng thể biết mình ấn tượng với teen nào. Khi thấy mình thực sự lỗi thời, Keng sẽ lấy đà đuổi theo 9X, lúc đó sẽ nhìn 9X để học hỏi và sẽ tìm được nhân vật gây ấn tượng với mình.