Khoa học - Lịch sử 2013-01-12 03:23:13

Hướng ưu tiên phát triển vũ khí lazer của 6 nước lớn


Hướng ưu tiên phát triển vũ khí lazer của 6 nước lớn
(ĐVO) - Sự phát triển công nghệ chế tạo các tổ hợp lazer năng lượng cao trong những năm gần đây đã đạt đến trình độ cho phép sử dụng lazer làm vũ khí ngay trong thập kỷ này. Theo đánh giá của các chuyên gia, các vũ khí laze sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả sử dụng lực lượng vũ trang và thay đổi tính chất của các hoạt động tác chiến, đặc biệt là ngay tại khu vực tác chiến.


Các hướng phát triển ưu tiên hiện nay của vũ khí lazer là các chương trình thiết kế các loại vũ khí lazer bố trí trên các phương tiện trên mặt đất, trên biển, trên không và trên vũ trụ có thể giải quyết các nhiệm vụ phòng không, phòng chống tên lửa, chống vệ tinh nhân tạo, tác động quang- điện từ và tác động phi sát thương đối với sinh lực của đối phương.
Các phương tiện mang vũ khí lazer có thể là ô tô, xe thiết giáp, các tàu nổi, máy bay, máy bay không người lái và các thiết bị vũ trụ.


Công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, thử nghiệm hiện đang tập trung vào việc chế tạo các tổ hợp lazer năng lượng cao, tạo nguồn nạp năng lượng mới, hệ thống phát hiện, nhận biết, bám mục tiêu, các hệ thống quang học tạo nguồn tia lazer và điều khiển bức xạ lazer chiếu vào mục tiêu, hệ thống làm lạnh, ứng dụng môi trường không đồng nhất và công nghệ nano.


Hiện nay các nhà khoa học quân sự cũng đang tập trung nghiên cứu quá trình tác động của tia lazer lên các vật liệu khác nhau, ảnh hưởng của khí quyển lên các tham số của lazer, chế tạo các pin chứa nguồn điện nuôi có kích thước nhỏ hơn nhưng có công suất lớn hơn. 


Hiện trên thế giới có 6 nước đang tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, thiết kế và thử nghiệm vũ khi lazer là Mỹ, Israel, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc . Xin điểm qua hoạt động này ở các nước nói trên. 
1. Mỹ


Mỹ là nước có nền tảng khoa học – nghiên cứu phát triển nhất và cũng là nước có các hoạt động nghiên cứu thiết kế thử nghiệm vũ khí lazer tích cực nhất trong 6 nước nói trên.
Chương trình có quy mô lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực này là chế tạo vũ khí lazer chống tên lửa đặt trên máy bay để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở đoạn đầu của quỹ đạo bay. Thành phần chính của tổ hợp chống tên lửa nêu trên là lazer hóa học( hydro-iod) kết cấu môdun với công suất tia lazer tính toán đên vài MW đặt trên máy bay Boing 747F (YAL-1).


Vũ khí laser HELLADS mà Mỹ đang hoàn thiện có thể lắp đặt trên máy bay tiêm kích, xe bọc thép và các phương tiện khác


Thử nghiệm đầu tiên được tiến hành năm 2009 nhưng đã không thành công. Lazer đã không tiêu diệt được mục tiêu mặc dù các hệ thống quan sát đặt trên máy bay xác định là tia lazer đã chiếu đúng vào mục tiêu.


Đến lần thử nghiệm tiếp theo vào tháng 2 năm 2010 các chuyên gia đã hoàn chỉnh các thuật toán tác chiến cho hoạt động của tổ hợp, chế độ tự động bám mục tiêu, bù hao hụt công suất tia laze trong khí quyển, điều khiển tia lazer đến mục tiêu và giữ tia lazer trên mục tiêu đến khi mục tiêu bị tiêu diệt. 


Cả 2 tên lửa đạn đạo được sử dụng làm mục tiêu cho thử nghiệm - một chiếc sử dụng nhiên liệu lỏng và một chiếc sử dụng nhiên liệu rắn đã bị tổ hợp vũ khí lazer bắn hạ.


Pháo lazer đặt trên Boeing YAL-1 dùng để tiêu diệt tên lửa đạn đạo thứ nhất hoạt động theo 3 giai đoạn. Đầu tiên các cảm biến hồng ngoại phát hiện tên lửa khi đang tăng tốc, sau đó lazer phụ trợ (có công suất nhỏ hơn) chiếu vào mục tiêu và đánh giá tình trạng khí quyển. Để tiêu diệt mục tiêu người ta sử dụng pháo lazer chính với công suất 1 MW. 


Thời gian của cả 3 giai đoạn trên vào khoảng 2 phút. Một giờ sau đó, mục tiêu thứ 2 cũng bị tiêu diệt theo đúng thứ tự như trên. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12/2012 có thông tin là Mỹ đã dừng chương trình này vì cho rằng quá tốn kém và không hiệu quả. 


Tuy vậy, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các thủ nghiệm theo hướng chế tạo các tổ hợp vũ khí lazer đặt trên máy bay có thể tiêu diệt các mục tiêu là tên lửa tầm ngắn trong điều kiện thời tiết phức tạp và một hướng nữa là chế tạo vũ khí lazer chiến lược. 


Mẫu vũ khí lazer chiến lược hiện có có thể được sử dụng để chống các vệ tinh nhân tạo (tác động lên hệ thống quang- điện tử và chiếu vào các bộ phận dễ bị tổn thương của các thiết bị vũ trụ của đối phương).


Lầu năm góc cũng dành cho các công tác nghiên cứu thiết kế các loại vũ khí lazer đặt trên mặt đất và trên mặt biển một sự chú ý đặc biệt. Theo đơn đặt hàng của Bộ quốc phòng Mỹ, công ty Boeing và công ty BAE đang nghiên cứu triển khai tổ hợp lazer tác chiến cố định công suất 10 KW đi cùng với pháo thông thường 25mm. Ngoài ra công ty BAE còn đang thiết kế pháo điện – từ (Relsotron) cho các tàu khu trục kiểu “Zumvalt”.


Một hướng phát triển vũ khí lazer khác đang được Mỹ quan tâm là chế tạo vũ khí lazer chiến thuật và công việc này đang được giao cho Hãng Boing đảm nhận.


Tháng 3 năm 2008, Hãng này đã hoàn thành việc lắp đặt trên máy bay C-130H” Hercules” mẫu vũ khí laze chiến thuật với môdun laze ôxy-iod. Mỹ đang có ý định trang bị tổ hợp này cho các máy bay “Ospray“, các tàu nổi và các phương tiện vận chuyển trên mặt đất.


Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng hướng phát triển vũ khí lazer có triển vọng nhất là sử dụng vũ khí lazer trong các tổ hợp phòng chống tên lửa .


Một chương trình nghiên cứu khác cũng đang được hãng “ Sparta” tiến hành theo đơn đặt hàng của Bộ quốc phòng Mỹ là chế tạo tổ hợp lazer cơ động “Zevs” để giải quyết các nhiệm vụ vô hiệu hóa từ xa các kho đạn pháo nằm trên mặt đất.


Trong thành phần mẫu thử nghiệm của tổ hợp này có: ô tô địa hình đa năng kiểu “Hamvey”, lazer tác chiến, hệ thống quang học tạo tia lazer và hệ thống dẫn mục tiêu, ghế ngồi của người điều khiển hệ thống hỏa lực, hệ thống nguồn nuôi, làm lạnh và các phương tiên hỗ trợ khác. Hãng Boing cũng đang tiến hành các thử nghiệm tương tự.


Mỹ cũng đã thử nghiệm mẫu vũ khí lazer cá nhân phi sát thương (làm mù mắt tạm thời) với 3 thành phần chính là nguồn lazer, thiết bị điều chỉnh công suất và nguồn nuôi. 


Vũ khí này hoạt động theo nguyên lý: khi tia lazer chiếu vào mắt đối phương sẽ làm đối phương không còn khả năng cảm nhận ánh sáng và mất phương hướng trong không gian trong một thời gian nhất định và hoàn toàn mất khả năng tác chiến. 
2. Liên Bang Nga



Bộ quốc phòng Nga vào đầu tháng 12/2012 đã quyết định nối lại việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí lazer có khả năng tiêu diệt được máy bay, vệ tinh và tên lửa đạn đạo. Công tác nghiên cứu thiết kế chế tạo loại vũ khí “tia sáng thần chết“ này sẽ do 3 đơn vị là Tập đoàn “Almaz- Antei”, Tập đoàn hàng không mang tên Beriev và Công ty “Khimpromavtomatika” thực hiện


Các dự án chế tạo vũ khí lazer đã được Liên Xô thực hiện ngay từ năm 1965 của thế kỷ trước. Năm 1973, Chính phủ Liên Xô đã quyết định thành lập một phòng thiết kế đặc biệt để phục vụ cho mục đích này. 


Thiểt bị lazer đầu tiên được đặt trên máy bay A-60, một biến thể của máy bay vận tải Il-76 và chuyến bay thử nghiệm lần đầu của A-60 mang vũ khí lazer được thực hiện vào năm 1983. Một năm sau đó, các phi công Xô Viết đã tiêu diệt được một mục tiêu trên không bằng vũ khí lazer. 


Tuy nhiên, đến đầu những năm 90 thì chương nghiên cứu lazer dùng trong tác chiến bị đình hoãn vì thiếu kinh phí.Mãi đến năm 2009 cố vấn của Viện hàn lâm khoa học công nghệ Nga IU. Zaisev mới đưa ra ý tưởng khôi phục lại việc nghiên cứu chế tạo vũ khí lazer có tên là “laze làm mù ” và vẫn bố trí trên máy bay A-60 và ý tưởng này đã được Bộ quốc phòng Nga chấp nhận.


Chức năng của loại thiết bị lazer này là tác động lên các đầu tự dẫn quang học của các tên lửa đạn đạo và hệ thống quan sát của các vệ tinh. Nhưng đến năm 2011, chương trình này lại một lần nữa bị cắt kinh phí. 


Đến đầu tháng 12 năm nay, Bộ quốc phòng Nga đã quyết định dành một khoản tiền đáng kể để tiếp tục thực hiện chương trình nghiên cứu này theo hướng sẽ trang bị cho máy bay A-60 loại pháo laze mới có công suất mạnh hơn à bloc LK222 do 02 tập đoàn là “Khimproavtomatika” và “ Almaz-Antei” thiết kế.


Các pháo lazer này sẽ được đưa vào thử nghiệm trong năm 2013. Đồng thời với việc sử dụng máy bay A-60 làm phương tiện mang (hiện Nga chỉ còn 01 chiếc A-60) Bộ quốc phòng Nga cũng đang tính tới phương án bố trí các pháo lazer mới này trên các loại máy bay khác và nhiều khả năng hơn cả là trên các máy bay vận tải quân sự và các máy bay ném bom.


Song song với việc thiết kế vũ khí lazer dùng cho không quân, hai tập đoàn nói trên cũng đang sản xuất các thiết bị lazer trên mặt đất với tên gọi “ okol-Eshelon” và sẽ đưa vào thử nghiệm vào năm 2013. Loại pháo lazer này sẽ được kiểm tra hiệu qủa tiêu diệt các mục tiêu trong điều kiện áp suất, nhiệt độ không khí thay đổi và cả trong điều kiện vận chuyển, bốc dỡ. 


Trước đó, Nga cũng đã tiến hành nghiên cứu thiết kế các pháo lazer mặt đất nhưng các thông tin về chương trình này được giữ bí mật. Người ta chỉ biết rằng vào đầu những năm 1990 Liên Xô đã chế tạo pháo lazer cơ động đặt trên pháo tự hành “Msta-S” trong một dự án mang tên “Szatia”.


Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng pháo lazer sẽ là loại vũ khí trong tương lai trang bị cho các máy bay không người lái tốc độ trên siêu âm và các thiết bị vũ trụ.


Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả tác chiến cho lazer các kỹ sư Nga cần phải tìm ra một loạt các giải pháp kỹ thuật mà trước hết là phải có nguồn năng lượng ổn định và có công suất lớn.


Chất lượng lazer tác chiến còn phụ thuộc trực tiếp vào hệ thống điều khiển và ổn định tia lazer chiếu vào mục tiêu trong một khoảng thời gian nhât định. Ngoài ra, công suất tia lazer còn phụ thuộc vào điều kiện khí quyển- vì bản chất tia laze là một chùm ánh sáng tập trung .


Hiện các nhà khoa học Nga đang tập trung nghiên cứu để khắc phục những khó khăn kỹ thuật nêu trên.


Trong mấy năm trở lại đây Bộ quốc phòng Nga ngày càng quan tâm đến các thiết kế và chế tạo vũ khí mới trong đó có dự án nghiên cứu thiết kế các tổ hợp vũ khí laze trên mặt đất và trên máy bay.


Để thực hiện mục tiêu này, theo sáng kiến của D. Rogozin (phó thủ tướng phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng) Nga đã thành lập Quỹ các nghiên cứu có triển vọng và chắc chắn rằng Chính phủ Nga sẽ không tiếc tiền chi cho các “nghiên cứu và thiết kế khoa học có triển vọng nhưng cũng nhiều rủi ro” như vậy. 
3. Đức


 

Đức tập trung ưu tiên vào việc chế tạo các vũ khí laze đặt trên mặt đất. Chi nhánh của Công ty MBDA ở Đức vào tháng 9 năm 2012 cho biết họ đã thử nghiệm thành công pháo lazer công suất 40 KW. 


Pháo lazer này trong vòng vài giây đã đốt cháy mục tiêu là một quả đạn cối đang bay và khoan thủng một tấm thép có độ dày 40mm. Khẩu pháo lazer được thử nghiệm trước đó với công suất 10 KW đã tiêu diệt được mục tiêu ở cự ly 2,3 km và độ cao 1000m.


Hiện nay, công ty LFK-MBDA đang thực hiện một một hợp đồng với Cơ quan phòng thủ Châu Âu hoàn thiện các nghiên cứu về các yêu cầu kỹ thuật đối với vũ khí laze trong tương lai và bắt đầu chế tạo vũ khí laze trên cơ sở những công nghệ hiện có.


Công ty này cũng đã ký một hợp đồng với Bộ quốc phòng Đức tiến hành dự án chế tạo tổ hợp vũ khí lazer trên mặt đất chống máy bay, tên lửa có cánh và các máy bay không người lái. Một số thử nghiệm mẫu laze hydro- Iod bắn vào các loại mục tiêu khác nhau đã được thực hiện.


Theo tính toán của các chuyên gia thì công suất của tổ hợp lazer tác chiến sẽ vào khoảng 100 KW và cự ly tiêu diệt mục tiêu vào khoảng vài km.
4. Israel


Các hoạt động nghiên cứu thử nghiệm chế tạo vũ khí lazer của Israel chủ yếu được tiến hành chung với Mỹ. Hiện Israel đang tiến hành nghiên cứu chế tạo tổ hợp vũ khí lazer chiến thuật THEI và coi vũ khí lazer là loại vũ khí trong tương lai để đánh chặn các quả đạn pháo.


Hiện Bộ quốc phòng Israel đang xem xét dự án “Skyguard” của Hãng “Notrop Grumman” về chế tạo tổ hợp vũ khí lazer có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 5 km. Tổ hợp “Skyguard” được chế tạo theo mẫu của tổ hợp vũ khí lazer chiến thuật THEI.


Tổ hợp cơ động này có công suất lớn hơn THEI (200-300 KW), có trọng lượng và kích thước ít hơn, dễ dàng cơ động trên mặt đất và lắp đặt trên máy bay. Thành phần chủ yếu của tổ hợp là thiết bị lazer flo- hydro nặng (dải sóng làm việc 3,8 µm) công suất vài trăm KW. Tổ hợp này còn có đài radar điều khiển bắn, sở chỉ huy và các phương tiện phụ trợ khác.


Tổ hợp này sẽ được sử dụng để bảo vệ các máy bay dân sự trước các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và sẽ được bố trí cạnh các sân bay để bảo vệ máy bay khi cất cánh và hạ cánh.


Các chuyên gia Mỹ cũng đang cùng các chuyên gia Israel nghiên cứu chế tạo vũ khí lazer đặt trên tàu nổi giải quyết các nhiệm vụ phòng không. Dự tính loại vũ khí này sẽ được đưa vào sử dụng không sớm hơn năm 2015. 


Một hướng nghiên cứu khác của Israel chế tạo pháo laze để trang bị cho xe tăng Merkava thế hệ mới.



5. Pháp



Việc nghiên cứu chế tạo vũ khí lazer được giao cho Hãng nhà nước “Tales“ vốn có nhiều kinh nghiệm trong chế tạo lazer công suất lớn và chủ yếu là phục vụ cho nhiệm vụ phòng không.


Các kỹ sư Pháp tập trung hướng nghiên cứu vào việc chế tạo vũ khí lazer đặt trên các phương tiện mang khác nhau và kết hợp vũ khí lazer với các loại vũ khí khác để tạo thành một tổ hợp tác chiến đồng bộ.


Các công suất tính toán của vũ khí lazer đặt trên tàu nổi là 100 KW, đặt trên ô tô là 200 KW và đặt trên xe bọc thép là 50 KW. Các tổ hợp trên sẽ được bổ sung thêm các tên lửa phòng không có cánh hoặc là pháo tự động.


Dự tính các tổ hợp trên sẽ có một khu vực bắn vòng tròn với bán kính khoảng từ 3 đến 5 km tuỳ thuộc vào công suất. Bộ quốc phòng Pháp dự định sẽ hoàn thành công tác nghiên cứu thiết kế và đưa vào thử nghiệm tổ hợp nói trên vào năm 2015. 


Hãng “Desman” của Pháp cũng đã chế tạo loại vũ khí lazer cá nhân làm mù mắt tạm thời đối phương và đã thử nghiệm. Tuy nhiên loại vũ khí này hiện mới làm mù tạm thời lính bắn tỉa và kíp lái các xe chiến đấu vào ban đêm do độ dài bước sóng phát chưa phù hợp (633 nanomet) của lazer heli- neon. 








6. Trung Quốc



Hiện không có nhiều thông tin về các chương trình chế tạo vũ khí lazer của Trung Quốc. Theo một số nguồn tin từ Nga thì Trung Quốc đang tập trung ưu tiên nghiên cứu lazer oxy-iod để phát triển vũ khí lazer chiến thuật. Ngoài ra, nước này cũng nghiên cứu chế tạo vũ khí lazer flo-hydro nặng để sử dụng cho các nhiệm vụ phòng không, phòng chống tên lửa và chống vệ tinh nhân tạo.


Nhìn chung, cho đến nay trình độ công nghệ hiện có của các nước nói trên đã đủ để chế tạo một số lớp vũ khí lazer và các lọai vũ khí này rất có khả năng sẽ được đưa vào trang bị ngay trong thập kỷ này. Hướng chủ yếu sắp tới sẽ là phát triển các loại vũ khí lazer đa chức năng. 

Nguồn baodatviet.vn/quoc-phong/ky-thuat-quan-su/201301/Huong-uu-tien-phat-trien-vu-khi-lazer-cua-6-nuoc-lon-2211404/
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)