Giao tiếp giữa thầy với trò chính là 1 phần của giáo dục nhân cách
Biết khuya quá rồi nhưng cháu vẫn gọi chú vì cứ nghĩ đến chuyện ấy cháu lại không tài nào chợp mắt.
Đã quá quen với bao câu chuyện đau lòng phía sau cánh cổng trường nhưng không hiểu sao cuộc điện thoại giữa đêm của cô bé cứ làm tôi ray rứt. Tôi mà còn vậy, huống gì cô bé-một nữ sinh lớp 12. Chuyện cô bé kể thế này. Thầy giáo dạy môn Vật lý của cô bé có chuyên môn vững lắm. Kiến thức vật lý mà thầy truyền đạt cho học trò thì khỏi phải chê…. Chỉ có điều, hình như thần kinh thầy có vấn đề nên thầy toàn nói chuyện xấu trước mặt học trò. Đã vậy nhiều lúc thầy lại quá sỗ sàng và hung bạo nên mỗi lần thấy thầy lên lớp là y như rằng bọn học trò vừa run vừa rỉ tai nhau: hung thần của tụi mình đã đến.
Bao giờ cũng vậy, cứ đầu mỗi tiết dạy của mình, thầy lại dành 5-10 phút để điểm qua tình hình thời sự nóng trong tuần cho các em nghe. Nào là hôm nay Quốc hội đang họp bàn về việc chống tham nhũng. Nào là mấy bữa nay hai hãng điện thọai di động đang chửi bới nhau dữ dội. Nào là bọn đinh tặc ở Sài Gòn là một lũ bất nhân, trị mãi không hết. Nào là mấy bữa nay bọn dầu khí đang phải hầu tòa. Thậm chí có hôm thầy đưa ra mấy số liệu mà một số tờ báo vừa đăng rồi nói với tụi học trò : tình hình nạo phá thai trong lớp trẻ ở các thành phố lớn đang có chiều hướng gia tăng. Học trò lớp mình đừng có ngu dại mà yêu sớm rồi bỏ bê chuyện học hành. Có lần nghe chướng tai, lũ học trò đã chủ động hỏi bài để thầy chuyển hướng. Thầy biết nhưng vẫn chống chế: Tao nói chuyện tào lao làm mất của tụi bay 15 phút thấm vào đâu so với thời gian tụi bay lừa cha dối mẹ ngồi tán gẫu trên mạng hàng tiếng đồng hồ… Buổi học cuối tuần vừa rồi trong lớp có hơn 1/3 học sinh không làm bài tập, thầy chửi: Tụi bay càng học càng ngu. Học hành kiểu đấy chỉ có nước ra đứng đường. Tụi bay là đồ bất hiếu, không biết mẹ cha đang kỳ vọng lắm à.
Kể đến đó, cô bé lại tấm tức khóc. Cô kể sáng hôm ấy có cô bạn cùng lớp bị thầy tát hai tát trước lớp và xé vở ghi môn vật lý vì phát hiện trong cuốn vở ấy có bức thư của tình của một bạn trai cùng lớp. Sau hai cái tát như trời giáng, thầy bảo cô bạn cùng lớp cô bé là đồ con lừa. Cuối câu chuyện, cô nữ sinh trung học dặn tôi: câu chuyện đó là của bạn cháu đó chú. Nó sợ bị thầy giáo đì nên không dám kể. Không tin chú đến trường mà xác minh.
Câu chuyện của cô bé làm ký ức tuổi học trò thưở nào trong tôi sống dậy. Thời tôi đi học, thầy cô cũng như bè bạn đồng môn của tôi tuy nghèo nhưng luôn ăm ắp tình thương. Mỗi lần trò không thuộc bài, thầy chỉ nhìn mắt trò là trò đã hiểu, đã sợ run bắn người. Quê tôi thuộc vùng xa- thường là nơi đặt chân của các thầy giáo trẻ mới ra trường về nhận công tác. Còn nhớ những đêm sáng trăng của hơn 25 năm về trước, bên cạnh những đống rơm của sân kho hợp tác các thầy giáo thường tạo các sân chơi cho lũ trò nghèo. Khi thì hái hoa dân chủ, khi thì bịt mắt bắt dê, khi thì thi ngâm thơ, viết báo tường…
Thầy dạy trò từng lời ăn tiếng nói, từng dáng đứng, cách đi. Thầy luôn nhắc nhở các trò sống trên đời phải lấy chữ tin và sự hiếu thảo làm trọng. Nam lấy nghĩa khí, nữ lấy chữ thủy chung, tận tụy làm đầu. Lời thầy nhẹ nhàng nhưng có sức lan tỏa mạnh bởi ngày ngày trước bao thế hệ học trò thầy vẫn luôn là tấm gương soi. Tấm gương ấy chính là bài học trên bục giảng, lẽ sống và cách sống của thầy đối với mọi người.
May mắn và tự hào thay, trên bục giảng ngày nay vẫn còn rất nhiều những tấm gương nhà giáo đáng được tôn vinh về sự tận tụy và hy sinh của nghề cầm phấn. Người thầy như cô bé vừa kể chỉ là số ít, thậm chí rất ít đang bị xã hội lên án bởi ai cũng biết rằng trường học phải là nơi có môi trường lành mạnh nhất, đẹp đẽ nhất. Không phải chỉ có nghĩa vụ trang bị kiến thức cho học trò không thôi, người thầy còn phải có trách nhiệm giáo dục các em, hướng các em sống chan hòa, sống có lý tưởng, có niềm tin và giàu nghị lực..
Đêm đã về khuya. Tôi chủ động cúp máy sau khi đã động viên cô nữ sinh trung học: Ấy là hung ngôn chốn học đường. Con sâu bỏ rầu nồi canh, cháu để tâm mà làm chi. Càng lớn cháu càng thấy trong xã hội đó đây còn chuyện chướng tai gai mắt. Vẫn còn nhiều cái vô lý đang tồn tại một cách có lý cháu à…