Giữa trưa tháng 10 mà tôi cứ vương phải cảm giác lành lạnh, không phải vì gió, không phải vì rét mà vì cái gai người của sự hoang vắng tỏa ra từ ngôi nhà…
Ngôi nhà bị khóa trái, nhìn qua kính cửa sổ, sàn nhà loang lổ nước chứng tỏ lâu ngày không có người thăm nom. Chuông điện thoại trong túi quần bất chợt đổ hồi làm tôi giật thót người. Tôi tự cười nhạo mình. "Làm gì có ma ở trên đời này", tôi nhủ thầm để cố trấn an mà vẫn không đánh tan được cái cảm giác sờ sợ khó hiểu.
Ngôi nhà trước mắt tôi cũng chỉ như những ngôi nhà bình thường khác, nhưng khi gắn thêm với từ ma, nó như được khoác thêm màu sắc huyền bí huyễn hoặc.
Những ngôi nhà ma ở Đà Lạt Chuyện về những ngôi nhà ma ở Đà lạt được đồn thổi từ rất lâu, trước giải phóng. Đến Đà Lạt, hỏi bất kỳ người dân nào đã sống ở thành phố này trên ba năm cũng có thể kể vanh vách vài câu chuyện liên quan đến những căn nhà ma. Thậm chí có người còn khẳng định rằng chính mắt mình đã chứng kiến, hoặc để thêm phần thuyết phục, sẽ có vài cái tên họ thật được gắn vào câu chuyện. Và cũng từ đấy, ngoài những địa danh như Thung lũng Tình yêu, hồ Than thở, thác Camly…, những ngôi nhà ma cũng là một trong những đích đến của một số du khách có tính hiếu kỳ và mê tín.
Có hai ngôi nhà mà người ta nhắc đến nhiều nhất, cả hai đều nằm trên đèo Prenn và đã được một đơn vị ở Bà Rịa-Vũng Tàu mua lại nhưng vẫn bỏ không, chưa sử dụng.
Ngôi nhà ở đầu dốc Prenn từ lâu bị đồn thổi là có nhiều người chết Tương truyền rằng: ngôi nhà trên đầu dốc Prenn được xây vào năm 1914, nguyên là của một tên quan ba Pháp. Hắn nổi tiếng là một kẻ thích ăn chơi trác táng. Một đêm nọ, có một cô kỹ nữ rất đẹp được hắn vời đến. Trong cơn say, hắn muốn quan hệ với cô gái. Khi cô gái tìm cách chạy trốn, hắn rút súng chĩa vào cô. Cô gái gieo mình xuống lầu tự tử…
Lại nghe kể, thỉnh thoảng vào ban đêm, các tài xế chạy qua đây bắt gặp một cô gái mặc đồ trắng toát từ phía dưới đi lên vẫy xe xin đi nhờ. Đã có tài xế dừng lại đón. Họ thấy rõ ràng cô ấy đã bước lên xe và còn nói cười huyên thuyên, thế nhưng, vút một cái, chỗ ghế nơi cô ngồi bỗng nhiên trống không. Người tài xế nọ gặp một phen hú vía. Những người vào đây ngủ lại đã chứng kiến nhiều hiện tượng lạ lùng và không dám ở lần thứ hai.
Tiếng mèo kêu khuya ở căn nhà này bị đồn thành tiếng khóc than Câu chuyện về căn nhà thứ hai cũng rùng rợn không kém. Đã từ lâu, không ai dám bước vào căn biệt thự này, nó nằm lạnh lẽo, âm u giữa rừng thông. Tôi gặp một người đàn ông tên D., là bảo vệ cho căn nhà nọ. Ông D. kể: Căn nhà này do một người tên Chữ Ba Liễng xây năm 1913, sau đó cho một người Pháp thuê lại. Ông Tây này kinh doanh nhà hàng, có một cô vợ rất trẻ. Biết chồng mình đi lại với người làm, cô đầm tây can ngăn nhiều lần không được nên giận quá treo cổ tự tử… Ông Tây trả nhà và cũng từ đó, không ai có thể ở yên trong căn nhà. Một số người cứ khăng khăng rằng thỉnh thoảng thấy một cô gái Pháp ngồi hút thuốc trước cửa nhà.
Một lần, ông D. đi khuya về bắt gặp một nhóm người trong đó có một nhà sư đang tìm cách cạy cửa vào nhà. Một người phụ nữ trong nhóm tự xưng là người nhà của cô gái được báo mộng rằng: Ở đây một mình lạnh lẽo cô đơn quá… Bà ta lên đây xin làm phép "rước" cô về… "Chẳng biết sao một cô đầm tây và một phụ nữ thôn quê lại có họ hàng với nhau (?) nhưng đó là tất cả những lời tôi nghe được".
Phá giải sự thật của những ngôi nhà ma
Khách sạn tôi ở nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đối diện với khách sạn là biệt thự số 10. Nghe đồn, căn biệt thự này trước đây cũng lắm… "ma", còn bây giờ là trụ sở của một đơn vị hành chính. Tôi hỏi chị chủ khách sạn về những lời đồn thuở trước, chị cười: "Nếu nói có ma thì ở đâu mà chẳng có vì ở đâu cũng không thiếu người chết. Người đời cứ thích đồn thổi cho hấp dẫn. Có sai, ma cũng đâu thể… thưa kiện".
Căn biệt thự này một thời cũng bị đồn là lắm ma
Ông D. đang kể chuyện
Những người hiếu kỳ thường xuyên vào cúng vái
Qua tiếp xúc với một số người trước đây đã có thời gian sống, làm việc trong những ngôi biệt thự bị cho là có ma thì nói rằng: "Trước đây Nhà nước chưa có điều kiện phục hồi đưa vào sử dụng nên nhiều tổ chức phải thuê người giữ nhà, vì sợ người ta vào đập phá nên đã bịa ra những câu chuyện ma". Chính bản thân họ đã ngủ trong những căn nhà này nhưng nào có thấy gì!
Riêng ngôi biệt thự nằm ở số 4 Thủ Khoa Huân đang được đưa vào danh sách những "địa chỉ đỏ" để bảo tồn. Thật ra, lời đồn có ma trong ngôi biệt thự này là có lý do của nó. Trong những năm chiến tranh, hoạt động của các tổ chức cách mạng ở đây rất mạnh, để đảm bảo bí mật các cán bộ của ta đã tạo nên những lời đồn đại về ma để tránh sự chú ý của mọi người.
Còn tiếng khóc than, tiếng ê a trong một số ngôi biệt thự thật ra là tiếng gọi bạn tình của lũ mèo hoang. Trong đêm thanh vắng, nhiều người nghe tiếng của chúng cứ tưởng là có người khóc… Một nguyên nhân nữa, không ít người muốn sở hữu những ngôi biệt thự trên nhưng lại muốn mua với giá rẻ nên đã tung ra những lời đồn thổi về ma.
Nếu một lần bạn đến thăm những ngôi nhà mang tiếng là có ma, sau những câu chuyện dông dài sẽ kèm theo lời gợi ý xin tiền để mua… nhang cúng bái vong hồn người chết. Bởi thế, khi lời đồn có lợi thì dại gì người ta chẳng đồn. Đó là chưa kể, người dân thấy những ngôi biệt thự trị giá bạc tỷ phơi nắng phơi mưa, ngày càng xuống cấp trầm trọng nên gọi luôn là những "ngôi biệt thự ma".
Xin mượn lời của một cán bộ trong ngành văn hóa ở Đà Lạt để làm lời kết cho bài này: "Trí tưởng tượng của con người phong phú lắm. Nếu quả thực có một thế giới thứ hai tồn tại thì chắc chắn số người của thế giới đó phải đông gấp trăm ngàn lần số người đang sống thực và nếu họ có ý quấy quả chúng ta thì liệu chúng ta có thể an bình được chăng? Đến một lúc, những gì của quá khứ sẽ chỉ còn là quá khứ, tất cả rồi sẽ lui vào lãng quên để cho cuộc sống này đi tiếp…".
Theo Sức Sống Mới