Tin tức - pháp luật 2013-04-25 12:20:57

[HOT] 'Nên bỏ 3 năm trung học phổ thông'


"Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện GDVN, tôi đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu họctrung học, bỏ đi cấp THPT" - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng nêu quan điểm khi trao đổi với VietNamNet.
 
 
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng
 
Học phổ thông chỉ duy trì 9-10 năm?
 
Ông Lê Trường Tùng cho biết:
 
Clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” - đây là lần đầu tiên xã hội được nghe ý kiến khá đầy đủ của học sinh phổ thông liên quan đến nền giáo dục nước nhà.
 
Với những gì em học sinh chia sẻ - tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt. Đặc biệt trong bối cảnh đang soạn thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” để trình Trung ương xem xét phê duyệt.
 
Những gì học sinh lớp 12 này nói thêm một lần nữa khẳng định việc đổi mới GDVN là việc cấp bách, và đổi mới phải mang tính chất cơ bản, toàn diện, chứ không thể chỉ dừng lại ở các giải pháp mang tính tình thế.
 
- Một trong những phát ngôn đáng chú ý của nam sinh này là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về vấn đề này?
 
Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện GDVN, tôi đã đề nghị một trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu họctrung học, bỏ đi cấp Trung học phổ thông (THPT).
Khi đó thời gian học phổ thông chỉ còn khoảng 9-10 năm, sau đó có thể học CĐ hoặc học dự bị ĐH trước khi vào ĐH.
 
Khi học trung học, học sinh có thể chọn 6-7 môn, chứ không phải học tất cả các môn như hiện nay. Các nước theo mô hình giáo dục Anh quốc - chẳng hạn như Singapore - đang triển khai giáo dục phổ thông theo dạng này.
 
- Nếu thực hiện theo đề xuất này của ông, GDVN sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì?
 
Nếu quyết tâm chuyển đổi và dựa trên hệ thống giáo dục Anh quốc thì hoàn toàn có thể sử dụng chương trình, sách giáo khoa của Anh cho các môn Khoa học, Toán, Kinh tế, Nghệ thuật - chỉ phải soạn lại các môn xã hội. Đây không phải là việc khó nếu thực sự muốn làm.
 
Trong cơ chế toàn cầu hiện nay, đến lúc nào đó tính chất quốc gia chỉ nên giữ lại một phần. Chuyện khung, thời gian chương trình về mặt nguyên tắc phải làm sao đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Học sinh nước ngoài, có thời gian học phổ thông rất ngắn sau đó vào ĐH. Ta dù có học thêm đi chăng nữa sau cũng chỉ vậy mà thôi.
 
-Nhiều người vẫn lo chuyện “nhập khẩu” tài liệu như ông nói sẽ không phù hợp với năng lực học trò VN?
Những môn về xã hội có thể soạn riêng. Nhưng như đã nói những môn môn Toán, Lý, Hóa, CNTT, Thiên văn,…đâu nhất thiết nước nào soạn chương trình riêng cho nước đó. Đi theo họ 2/3 chương trình đã có sẵn. Dịch sang tiếng Việt không khó. Mua bản quyền còn rẻ hơn biên soạn sách mới.
 
Phải kiến trúc lại GDVN
 
- Phải chăng chương trình giáo dục phổ thông VN hiện nay đang quá nặng về kiến thức, thiếu dạy kĩ năng sống cho học sinh, thưa ông?
Mục đích giáo dục phổ thông là tạo văn hóa, tri thức chung cơ bản cho mỗi công dân. Nếu theo các nước phát triển, chức năng định hướng nghề nghiệp được thể hiện ngay khi lên trung học học sinh được lựa chọn các môn mình thích.
 
Bên cạnh ngoại ngữ, CNTT, Toán bắt buộc. Những môn còn lại, 3 4 môn còn lại thích gì thì học đó. Thử hỏi trò phổ thông mấy em ở VN biết đến chứng khoán, công ty là gì. Trong khi những khái niệm ấy nhan nhản trên mặt báo. Nước ngoài, lớp 7- 8 đã có môn dạy về kinh tế, kinh doanh. Và 20 tuổi là có bằng ĐH rồi.
 
Ví dụ như vậy để thấy giáo dục của ta vừa thừa vừa thiếu. Cần không cần vẫn dạy, cái thiết thực nhiều khi bỏ quên hoặc làm qua loa. Đặc biệt là những kĩ năng mềm hay giáo dục sức khỏe,.. mấy trường học ở ta coi trọng? Trong khi cái đó gắn bó suốt đời với mỗi con người
 
- Bộ GD-ĐT đang tiến hành công cuộc đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015. Ông có nghĩ đề xuất của mình được tiếp thu?
 
Trong khi Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD VN chưa được duyệt - thì tất cả việc làm khác ở dưới chỉ là tình thế.
Gốc rễ vấn đề là ta chưa quyết được 12 năm hay rút ngắn. Nếu cứ làm (viết sách),…thì đổi mới sẽ chỉ tập trung vào phần ngọn.
 
GDVN đang thiếu quy hoạch mạch lạc dẫn đến tồn tại nhiều bất cập, thiếu gì thì “đẻ” ra cái đó. Một đô thị vẫn có nhà cửa nhưng thiếu thiết kế nhà cửa ấy sẽ loạn lên. Giáo dục cũng vậy, cần kiến trúc lại cho mạch lạc. Ổn rồi thì dựa vào đó xây dựng mới yên tâm được. Kiến trúc tốt mà xây dựng tồi vẫn có thể có một sản phẩm tồi nhưng kiến trúc tồi kiểu gì cũng không giải quyết được vấn đề.
 
Nhìn thẳng vào sự thật từ clip luận về giáo dục
 
Độc giả Thiên Vũ nhìn nhận: "Hãy bỏ qua những sai sót trong cái clip của anh bạn này, mà nên nhìn thẳng vào nội dung của nó. Và tôi tin rằng ai chịu khó nghe hết điều thấy rằng đó là thực tế của ngành giáo dục Việt Nam -  trải qua bao năm nó vẫn đi theo lối mòn và đi tới ngõ cụt".
 
Theo độc giả Vũ: "Muốn hiểu thực tế hãy hỏi giáo viên. Họ là người biết rõ nhất bất cập và sai lầm của giáo dục, nhưng họ không phản đối và họ cũng không dám nói lên. Đó là hạn chế của ngành giáo dục Việt Nam…."
"Do vậy, Bộ GD-ĐT cần có những cuộc cách mạng trưng cầu ý kiến để thấy sai phải lên tiếng. Và nên có hành động từ chức nếu thấy bản thân không thể làm cho giáo dục phát triển" - độc giả Vũ kiến nghị.
 
Đồng quan điểm, độc giả Nguyen Phuong tiếp kiến: "Phải nói nam sinh lớp 12 là người sáng suốt và can đảm nói ra những điều mà những người sáng suốt khác chưa đủ tự tin để nói vì áp lực của hoàn cảnh xã hội. Hiện, nền giáo dục Việt còn rất bất cập. Ví như trong hệ thống giáo dục của ta rất ít đề cập đến môn giao tiếp xã hội, đến giáo dục bản lĩnh đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và nhiều những kỹ năng mềm khác.
 
Đồng thời, quên giáo dục học sinh niềm đam mê và định hướng lối đi cho mỗi cá nhân. Đổi lại tiêu tốn quá nhiều thời gian, trí óc và tiền bạc của xã hội để ôm lấy mớ kiến thức mà sau đó họ mãi sẽ không sử dụng đến. Việc đào tạo ra, để cho họ một tấm bằng mà không phải là một sự thành công trong công việc mà họ lựa chọn…"
 
Điều Bộ GD phải suy nghĩ?
 
Độc giả hatranhai kiến giải: "Không phải cậu học sinh này nói tất cả đều đúng nhưng tôi thấy các nhà làm giáo dục nên xem lại cách giáo dục ở nước ta. Tôi là một nghiên cứu sinh ở nước ngoài về tôi thầy giáo dục ở Việt Nam quá nặng với các cháu. Khi đến trường cháu nào cũng một ba lo nặng thời gian ăn còn không có lấy đâu ra thời gian chơi.
 
Ở các nước tiên tiến học sinh của họ học rất nhàn nhưng thời gian thực hành của họ thì rất nhiều. Ở các nước ấy họ có phương pháp sư phạm rất hay họ gần như hướng học sinh học phân ban ngay từ đầu chính vì vậy học sinh của học rất tập trung học rất ít nhưng hiệu quả rất cao. Nó tạo ra một con người có chuyên môn rất sâu. Còn ở Việt Nam sau khi sinh viên ra trường nhà tuyển dụng hỏi thì sinh viên cái gì cũng biết nhưng khi đi sâu vào chuyên môn thì họ chả biết cái gì cả chính vì vậy họ chả làm được cái gì".
 
Do vậy đề xuất "học sinh chỉ cần học đến lớp 9 là đủ" của nam sinh lớp 12 nhận được nhiều hưởng ứng. Bạn đọc Mạnh Phong phân tích:  "Tôi đồng cảm nhất ở suy nghĩ chỉ cần học đến lớp 9 là đủ. Nếu thiết kế lại chương trình một cách hệ thống đồng bộ thì kiến thức cơ bản đến lớp 9 là đủ . Cho nên bắt đầu từ năm lớp 8, 9 nên hạn chế sách vở hay chính xác hơn là nên cho học thông qua thảo luận, tham quan, du lịch (kiểu hội trại), thí nghiệm và các câu lạc bộ học sinh tự tổ chức có thầy cô phụ trách (rất tâm đắc kiểu CLB của các trường Nhật Bản).
 
Hết lớp 9 bắt đầu phân các trường: tiếp tục học chuyên ngành kiểu như đại học hiện nay và hệ đại học gộp cùng với cấp 3. 2 năm cuối nên là đi thực tập và làm việc thực tế tại các công ty, đánh giá qua thuyết trình, luận văn, công trình sáng tạo được làm ra trong thời gian này,điểm đánh giá của công ty… và 1 loại trường khác là trường nghề. Đào tạo nghề cụ thể ra làm ngay được hoặc đào tạo theo đặt hàng của một công ty cụ thể.
 
Độc giả dinh huong nhìn nhận: Tôi đã qua thời hs nhưng nhiều lúc nghĩ lại tg hoc phổ thông tôi vẫn thấy sợ..sợ cảm giác kt đầu giờ vì tôi rất khó học thuộc bài..và những bài toán hình học không gian rồi toán lô gic .v.v làm tôi đau đầu và mệt mỏi ..nhưng tôi thấy nó chẳng giúp ích gì cho tôi sau này. Nhiều người nói học để phát triển tư duy..tôi đông y nhưng thiếu thực hành thì cũng vô nghĩa..tôi ước NGD vn sẽ tìm ra lối đi mới từ clip của bạn hs lớp 12này. Bạn ấy đã đại diện cho cả một thế hệ dám nói lên sự thật..
 
Độc giả Cường An nhìn nhận: Em vừa tốt nghiệp đại học và thấy rằng trong 4 năm học trên giảng đường đại học không dùng đến kiến thức học ở cấp THPT (cấp 3), chỉ cần học hết lớp 9 là đủ. Em thật sự thấy tiếc thời gian 3 năm học cấp 3, nếu như thay vì học 3 năm đó bằng 3 năm học đại học thì em đã cống hiến được nhiều cho tổ quốc. Mỗi năm chúng ta có xấp xỉ 1 triệu học sinh tốt nghiệp, như vậy ta đang lãng phí: 1.000.000 * 3 năm = 3.000.000, tương đương 3 triệu năm làm việc của 1 người trưởng thành đang ở thời kỳ sáng tạo nhất, khỏe mạnh nhất. Phải chăng chúng ta đang bị chảy máu chất xám ngay trong "nội địa".
 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)