Dân gian quan niệm rằng, ma không có cơ thể sống như con người. Tuy nhiên, đã có không ít nhà khoa học tuyên bố đã nhìn thấy, thậm chí công bố cả ảnh ma mà họ chụp được.
Ma là một từ rất thông dụng có mặt trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới và trong nhiều loại hình nghệ thuật như điện ảnh, văn học, hội họa. Nhưng ma là gì không ai biết rõ, và giáp mặt với ma lại càng hy hữu.
Quan niệm về ma thường phụ thuộc vào từng tôn giáo, chủng tộc, và từng người. Có lẽ vì thế mà rất nhiều loại ma được mô tả qua tư liệu. Ma phương Tây được quan niệm là những linh hồn người chết không muốn an nghỉ mà lang thang ở thế gian. Người ta cho rằng những hồn ma này chưa thể “thác” được vì còn những công việc dang dở chưa hoàn thành, cũng có thể là nạn nhân của một sự oan khuất nào đó chưa được giải nên nán lại để tìm kiếm công lý hoặc trả thù. Đôi khi những con ma là kẻ phạm nhiều tội ác tày trời, để tránh bị trừng trị dưới địa ngục đã “lưu vong” nơi trần thế.
Những bóng ma thường được mô tả có hình dạng người, là những bóng trắng nhờ nhờ, nửa trong suốt và thường không liên quan đến thế giới vật chất. Chúng có nhiều khả năng đặc biệt như đi xuyên qua tường, nổi trên mặt nước hay bay lượn và biến hình.
Trong văn hóa Á Đông, nhất là của người Trung Hoa, con người sau khi chết có thể đầu thai làm kiếp khác (cũng có thể là người, nhưng đôi khi là động vật như chó, mèo…). Nhưng có nhiều linh hồn không muốn tham gia vào cái vòng luân hồi ấy, vì còn “vướng nợ trần của kiếp trước” nên phiêu du nơi trần thế. Dưới con mắt của người Trung Hoa thì có rất nhiều loại ma như ma đói, ma rừng, ma xó, ma trơi… Nói chung ma có khả năng biết tất cả nhưng gì người sống nghĩ, những việc đã, đang và sắp xảy ra. Có loại ma hiền lành (chuyên giúp đỡ người) nhưng cũng có loại ma ác (chuyên hại người bằng những trò gian ác).
Người ta quan niệm rằng, ma không có cơ thể sống như con người. Chỗ ở của ma theo nhiều người là âm phủ, địa ngục, nhưng đôi khi ma có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ trên trần thế. Dân gian Trung Hoa cho rằng đa số ma sợ ánh sáng mặt trời và các thần thánh. Để trừ ma, người ta thường dùng các loại bùa và dấu hiệu như bát quái, máu chó, cây dâu. Người Trung Hoa cổ cho rằng chỉ một số người có “căn” (khả năng đặc biệt) mới có thể tương tác được với hồn ma trong các buổi lễ như lên đồng.
Trên thế giới đã có nhiều người tìm cách chụp hình ma như nhà khoa học William Mummler (Mỹ). Ông đã công bố bức ảnh đầu tiên về một con ma ngay sau khi con người phát minh ra máy ảnh. Mới đây, nhà địa chất Henry Silanov (Nga) tuyên bố đã phát minh ra loại máy ảnh “chụp được hình ma”. Cả hai ông đều có những bộ sưu tập ảnh ma của mình.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong hàng ngàn vạn những câu chuyện mà người ta cho là “ăn theo” sự nổi tiếng của hồn ma, và vì thế chẳng ai buồn kiểm chứng lại. Dù sao thì đó cũng là những câu chuyện vô thưởng, vô phạt chứ không nhiều tác hại như những trò bói toán, đồng cốt.
Những truyền thuyết mù mờ kèm theo sự thêu dệt của con người một cách quá đà về ma quỷ đã làm nảy sinh mê tín dị đoan, lừa lọc trục lợi. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, việc nhìn thấy ma, nghe thấy tiếng ma của các “nhân chứng” đều là do ảo giác của âm thanh và hình ảnh. Những hiệu ứng đó xuất hiện trong những điều kiện đặc biệt của tự nhiên. Vì thế, người “gặp” ma thường là trẻ em, người già (thường sống ở vùng nông thôn, hạn chế về nhận thức) và nhất là những người mắc các chứng tâm thần hoang tưởng.
Ích lợi của ma
Những truyền thuyết về ma tưởng như chỉ để giải trí, thế nhưng trong thực tế, nhiều dịch vụ kiếm bộn tiền (một cách lành mạnh chứ không phải trò mê tín dị đoan) nhờ ăn theo chuyện này. Một trong những lễ hội nổi tiếng liên quan đến hồn ma là lễ hội Halloween.
Theo truyền thuyết bắt nguồn từ văn hóa của người Celt cổ ở châu Âu, ngày 31/10 là thời điểm kết thúc mùa hè, chấm dứt mùa của sự sống dương gian. Chuyện kể rằng vào ngày này, những hồn ma vất vưởng chết trong năm đó sẽ trở lại trần thế tìm một người nào đó mà nhập xác để được tồn tại sau khi chết. Người đang sống không ai muốn bị ma bắt hồn nên đến tối ngày 31/10, họ tắt đèn, tắt bếp lửa để cho nhà cửa lạnh lẽo như cõi âm. Họ còn mặc quần áo giả trang cho lẫn lộn với đám ma quỷ và khua động khắp xóm làng để đuổi tà ma.
Để chuẩn bị cho ngày này, người ta nô nức bán mua những sản phẩm liên quan đến ma như phù thủy mũi nhọn hoắt ôm cán chổi, hình những con ma, con dơi… Các siêu thị, các cửa hàng bách hóa tràn ngập các loại y phục như mặt nạ quỷ nhe nanh, ma cà rồng miệng bê bết máu…
Thông thường, tại Mỹ, lễ Halloween hằng năm được xếp vào lễ hội lớn nhất nhì của năm và thu hút được rất nhiều người tham gia, đặc biệt là trẻ em. Nó đem lại lợi nhuận lên tới gần 50 triệu USD tiền sản phẩm và dịch vụ cho các cửa hàng. Có thể coi lễ hội Halloween là lễ hội thu nhập lớn nhất nhờ vào ma quỷ.
Dòng phim kinh dị hay còn gọi là phim ma đã mang lại nhiều giải thưởng cũng như tiền bạc cho các nhà làm phim (điển hình là The Ghost của đạo diễn Jerry Zacker, giành được nhiều giải thưởng năm 1991). Trong cuốn Harry Porter, một trong những sách bán chạy nhất, có tới hàng trăm nhân vật là ma quỷ.
Ngày nay, người ta xây dựng nhiều nhà bảo tàng, khu lưu niệm, thậm chí còn tổ chức những tour du lịch cho khách tham quan và tìm hiểu về ma quỷ.
Không biết ma quỷ thế nào, nhưng rõ ràng chúng cũng mang lại không ít cái lợi cho con người, nào là trò giải trí cho con trẻ, là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ, và là nguồn thu không nhỏ cho ngành du lịch ở một số nước. Ai bảo rằng ma quỷ không có ích?