Nguyên nhân
Mỗi khi xảy ra một vụ việc đánh nhau nào, thầy cô và cha mẹ hay có câu hỏi:”Thế làm sao mà đánh nhau?”. Tất nhiên đánh nhau là phải có lý do rồi. Từ chuyện cãi vã đơn thuần, va chạm trong trường, cãi nhau trên yahoo, diễn đàn, nhóm này nói xấu nhóm kia, cho tới những chuyện rất vớ vẩn như “thằng đó nó cà em trước” hay “nó lườm đểu em”. Bất cứ thứ gì hay cử chỉ nào cũng có thể dẫn tới một cuộc “hỗn chiến”.
M - một nam sinh lớp 12 phẩy tay:”Ôi dào ôi. Thiếu gì lý do đánh nhau. Như anh mày đây này, đợt trước có một thằng cùng khối nó cứ vênh vênh, thấy ghét quá anh ra cà rồi phệt cho một trận. Xòe luôn!” Nghe qua đoạn “tường thuật” của M chắc chúng ta cũng đủ thấy kinh nghiệm “trận mạc” của “vị tướng” trẻ này. Theo lời bạn bè, M từ hồi cấp 2 đã có tính hay bắt nạt bạn bè. M cao lớn, bặm trợn nên ai cũng sợ. Lên cấp 3, M vào một trường cũng toàn dân “có đai có số”. M cũng lập cho mình một “hội”. Trong trường chả ai làm gì M. Nhưng M và tụi bạn cứ kiếm chuyện gây sự. Có thể thấy, rất nhiều những trận đánh nhau chả có lý do gì đáng kể. Chỉ vì một trong 2 phía cố tình gây sự (hoặc cả 2). Những trận đánh thế này để “thể hiện, cho nó biết mình là ai !” hoặc “đánh cho đỡ buồn”.
(Ảnh minh họa)
Khác với M, T.A lại có “tôn chỉ “ khác: “Những lúc có va chạm, anh em bị thằng nào ức hiếp, bị thằng nào chửi đểu, thì phải ra tay chứ sao”. Theo T.A, bình thường cậu bạn này cũng chả hứng thú gì với trò gây sự đánh nhau. Nhưng khi bạn bè trong nhóm bị ai bắt nạt, hay chính cậu bị ai đó nói xấu, hoặc có chuyện với “hội” nào đó, thì T.A cũng chả ngại gọi hội lên nói chuyện, rồi giải quyết.
“Có điên à mà mách thầy cô. Mách thì làm quái được gì, thầy cô lại bảo viết kiểm điểm, cùng lắm mắng cho vài câu. Mình cứ tự xử. Đánh cho nó phải sợ. Lần sau nó không dám bắt nạt mình nữa.”
Nhưng có một số học sinh đánh nhau chỉ vì bất đắc dĩ, bất khả kháng. Như trường hợp của G - năm nay lớp 11 trường V. “Từ bé mình chỉ đánh nhau có đúng một lần. Đó là hồi lớp 5. Năm đó mình hay bị bạn bè bắt nạt. Trong đó có một thằng thấy mình hiền nên cứ được thể làm tới. Mình rất nhẫn nhịn cho tới một hôm nó dẫm gãy luôn cái chìa khóa xe của mình. Hôm đó tức quá mình lao vào cho nó một trận, đấm cho gãy một cái răng cửa. Nhưng đó là lần duy nhất.” Theo mình mấy chuyện đánh nhau này chẳng hay ho gì. Nếu không vì bất đắc dĩ thì không nên dính vào. G nói.
Diễn biến
Thường thì các trận đánh trong “lịch sử” đánh nhau của học sinh đều diễn ra theo công thức thế này.
1. Hai hội có mặt tại điểm hẹn. Hội nào hội ấy bặm trợn, xắn tay xắn áo.
2. Hai “hội trưởng” ra đứng trước mặt nhau và bắt đầu nói chuyện
3. Thế giờ chú thích sao?”- Đến 99% các vụ đánh nhau bắt đầu bằng câu này ! hoặc “Tao chỉ hỏi một câu ngắn gọn là mày cà nó trước hay nó cà mày trước”
4. Sau một hồi “võ mồm” cả hai bên lao vào “hỗn chiến”.
5. Dù “chiến đầu” rất dũng cảm, nhưng do tổ chức kém, thiếu sự liên kết và được trang bị thô sơ về “vũ khí”, một trong hai hội bị đánh cho tan tác.
Hoặc
5b. Cả hai hội bị bác bảo vệ/ người lớn/ các chú công an ra can thiệp. Hai bên một là chạy toán loạn hai là đứng lại chịu tội (nếu không kịp chạy).
6. Hội nào thắng thì ra về phấn khởi, cười tươi phơi phới (dù có khi thiếu mất mấy cái răng). Hội thua thì “Mày nhớ mặt tao đấy!” hay blah blah….
Kết quả
Cả hai bên cùng “thương vong”. Hoặc nếu không cũng được ban giám hiệu hoặc thậm chí là cả cơ quan công an mời ngồi vào bàn và ký “hiệp ước hòa bình”. “Hiệp ước” bao gồm một phần tường thuật chân thật, tỉ mỉ kèm những lời hứa “Con hứa lần sau sẽ không thế nữa. Nếu còn tái phạm sẽ chịu mọi hình thức kỷ luật của nhà trường”. Trong một số trường hợp khi đánh nhau xảy ra ở hai trường thì chỉ một bên phải ký bản “hiệp ước” này. Nhưng bên kia cũng “sống trong sợ hãi” vì rất có thể kẻ bại trận sẽ lên kế hoạch trả đũa. Một buổi chiều đẹp trời nào đó, hội thắng trận sau giờ học đi ra cổng trường và thấy có tầm vài (chục) thằng bạn của hội kia đang đứng trước chờ “nói chuyện”. Nếu nói chuyện được thì không nói, còn không thì kịch bản lại diễn ra y như trên. Mỗi tội kẻ thắng người thua được đảo lại cho nhau. Lại một chiều đẹp trời khác, mọi chuyện lại diễn ra tương tự với hội thua trận vừa trả được thù lần trước. Ân ân oán oán không biết bao giờ mới dứt!
Ý nghĩa
Những trận đánh nhau thế này xét trên góc độ nào thì cũng là “chiến tranh phi nghĩa”.
- [*]Không vì quyền lợi của bất kỳ một ai
[*]Hao người tốn của
[*]Vi phạm “không khí hòa bình” của nhà trường, gây rối loạn trật tự. Rất có thể bị dính tới pháp luật
[*]Dù là thắng hay thua thì cũng bị “ăn đòn”. Hậu quả của những trận đánh nhau thế này đôi khi là không lường trước được.
Bài học kinh nghiệm
Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần bình tĩnh, sáng suốt. Tuyệt đối teen không nên đánh nhau vì bất cứ lý do gì. Mọi chuyện hãy nói với thầy cô, cha mẹ để được giúp đỡ và tư vấn. Tự động giải quyết bằng cách đánh nhau là một cách xử sự vô cùng ấu trĩ và thiếu hiểu biết. Chưa kể nó có thể để lại những hậu quả khôn lường