Tin tức - pháp luật 2010-08-12 01:44:42

Học lái xe ở Australia


Xe của người tập lái bao giờ cũng phải dán chữ L trên cửa kính xe như thế này. Ảnh: Tam Kiều.
Sau khi nhận bằng lái xe ở Australia, tôi nhận ra rằng giao thông ở xứ sở chuột túi này an toàn, thuận lợi là do đường sá thoáng rộng, biển báo rõ ràng, luật giao thông chặt chẽ, chi tiết, thiết thực, và nhất là cho khâu… học lái xe.

Theo giới thiệu của bạn bè, tôi liên lạc với Andy Tứ, một người người Australia gốc Việt chuyên dạy lái. Buổi đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên khi Andy bảo tôi ngồi vào sau tay lái, chỉnh gương, chỉnh ghế ngồi, thắt dây an toàn, giải thích một lượt nhanh chóng về cách nổ máy, bật đèn xin đường, phanh, cần số… rồi bình thản nói: "Chị lái xe đi".

Tôi rất bối rối vì tuy đang ở đường nhỏ, nhưng cũng vẫn có khá nhiều xe đang lăn bánh. Cố nhớ lại những gì đã đọc và những hướng dẫn chóng vánh vừa rồi, tôi từ từ cho xe bò ra đường, trong lòng đầy lo âu và căng thẳng. Nhưng thật lạ là tất cả các xe xung quanh đều rất kiên nhẫn đi thật chậm và cách xa xe tôi, thậm chí có xe còn dừng hẳn lại, chờ cho tôi loay hoay tiến ra đường xong xuôi rồi mới đi tiếp.

Lái như rùa bò đến cuối đoạn đường nhỏ, tôi tấp xe vào vệ đường theo yêu cầu của Andy. "Chị chưa từng học lái bao giờ phải không? Chúng ta sẽ học từ đầu. Nếu học theo buổi sẽ là 50 đô/h, nếu học cho đến lúc thi đỗ bằng P1 là 1.800 đô". Tất cả đều rất rõ ràng, sòng phẳng và nhanh chóng. Tôi chọn cách học thứ hai mà người Việt ở đây vẫn gọi là học bao bằng. Nhưng còn có cách học khác rẻ hơn rất nhiều.

Qua giải thích của Andy, tôi mới biết hóa ra ai cũng có thể dạy lái xe ở Australia, miễn có bằng Full, nghĩa là đã hoàn tất các bằng lái lần lượt từ bằng L, rồi P1, P2. Thời hạn tối thiểu để học lái là 6 tháng với 75 giờ học chạy xe trực tiếp ngoài đường trong mọi tình huống, thời tiết. Với người dưới 25 tuổi thì thời hạn này là 12 tháng. Vì thế để tiết kiệm tiền và thời gian, mọi người trong nhà thường tự dạy nhau lái xe, sau khi đã tương đối thành thạo mới nhờ những người như Andy dạy bổ sung vài buổi và chấm thi. Tất cả hết khoảng 400 đô và chỉ 400 đô, không bao giờ có chuyện phải phong bì cho thày hay mời thày đi ăn trưa hoặc uống nước.

Như tôi không có người thân dạy lái hoặc con cái có cha mẹ quá bận bịu thì có thể học từ đầu với người dạy lái tư hoặc đăng ký học tại các trường dạy lái. Giá cả ở các trường có đắt hơn một chút, khoảng 60 đô/h. Khi học lái bao giờ cũng phải mang theo bằng L và dán ở kính trước, kính sau 2 chữ L màu đen trên nền giấy vàng theo đúng kích cỡ qui định. Người đi đường thấy các xe như thế đều hiểu là xe đang học lái, đều tạo điều kiện thuận lợi bằng cách nhường đường như với tôi trong ngày học đầu tiên. Ngược lại, người mới học cũng phải tuân thủ tuyệt đối những qui định bắt buộc với bằng L, nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Ví dụ không dán chữ L lên kính xe sẽ bị phạt 250 đô, 2 lần như thế sẽ phải thi lại bằng L.

Suốt 6 tháng trời, mỗi tuần 2 buổi, Andy lái chiếc Honda Civic mới cứng đến nhà, đến trường hoặc đến bất cứ đâu mà tôi hẹn trước để dạy tôi lái. Mới đầu là đường nhỏ, rồi đường chính, giờ vắng xe rồi giờ tan tầm, lúc trời khô ráo rồi khi mưa trơn, ngày rồi đêm, đường thẳng rồi đường uốn lượn lên đồi, xuống dốc, vào các siêu thị nhỏ vắng vẻ rồi đến các trung tâm mua sắm lớn, đông đúc nhộn nhịp để học cách đỗ xe, Andy rất kiên nhẫn và tận tình hướng dẫn. Một thày, một trò, một xe nên tôi có thể tận dụng được hết thời gian của buổi học.

Căng thẳng nhất lại là những lúc lái qua các trường học đầu buổi sáng và cuối chiều. Tốc độ bắt buộc lúc này là 25km/h và tuyệt đối dừng xe khi có tín hiệu nhường đường dù các cô cậu học trò còn đang tít đằng xa. Xe cảnh sát có gắn camera đo tốc độ đứng đầy các khu vực này, chỉ cần vượt quá tốc độ cho phép chút thôi là tôi nhận ngay một phiếu phạt với số tiền khá lớn hoặc thậm chí bị dừng học lái vài tháng.

Sau mỗi buổi học, Andy và tôi đều cùng ký vào cuốn nhật ký học lái, ghi ngày giờ và nội dung học. Cứ như thế cho tới khi cảm thấy hoàn toàn yên tâm về tay lái của tôi, Andy dẫn tôi đi đăng ký thi lấy bằng P1. Andy cũng là người chấm thi luôn. Nếu tôi có chút “tư túi” để Andy nương tay cho qua thì sau này, khi tôi lái xe và xảy ra bất cứ chuyện gì trên đường, chính Andy phải có phần chịu trách nhiệm và bị phạt không hề nhẹ. Bởi thế, người người dạy và chấm thi lái xe phải nhận thấy người học thực sự vững tay lái thì mới tính điểm. Đạt 85% số điểm là thì đỗ. Thời điểm thi được tự lựa chọn nên tôi hoàn toàn chủ động và thoải mái. Tôi được 15 phút lái xe lòng vòng để lấy lại tinh thần và quen tay. Sau đó là các bài thi theo qui định… nói chung tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng vì đó đều là những tình huống tôi đã tập dượt nhiều lần.

Tôi thi đỗ và mang tấm giấy xác nhận của Andy cùng cuốn Nhật ký học lái tới Trung tâm phục vụ lái xe. Cô lễ tân nhanh chóng tìm thấy mọi thông tin về tôi cũng như về Andy trên máy tính. Hai phút sau, tôi có chứng nhận được lái xe một mình ngoài đường không cần người giám sát. Người đi đường cũng sẽ lịch sự nhường đường cho tôi với chữ P màu đỏ dán trên 2 kính xe của người vừa nhận bằng lái.

Thỉnh thoảng, sở giao thông lại gửi đến tận nhà tôi một lá thư nhắc lại những qui định khắt khe dành cho người có bằng P1, nhắc tôi các mức phạt với từng tình huống nếu tôi vi phạm cũng như chúc tôi lái xe an toàn và thi đỗ bằng P2 sau một năm theo qui định. Khi đó tôi sẽ phải thi lái xe trên màn hình máy tính, y như trò chơi điện tử. Có bằng P2, tôi sẽ không phải còn phải dán chữ P trên kính xe, nhưng vẫn còn những ràng buộc về tốc độ lái. Thêm 6 tháng nữa, nếu không vi phạm hay bị phạt gì, tôi mới được nhận bằng Full và có thể dạy lái xe cho người khác.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)