Người dân đang sở hữu 1.000 tấn vàng
Hội đồng vàng thế giới cũng đã xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước có lượng tích trữ vàng lớn nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới sau Ấn Độ và chiếm từ 23 - 29,5% lượng tích trữ vàng toàn cầu suốt 5 năm qua. Việt Nam cũng nằm trong top 20 thế giới về lượng tiêu dùng vàng trang sức với mức 20 tấn/ năm duy trì trong nhiều năm gần đây, theo báo cáo của GFMS – công ty chuyên phân tích, tư vấn và nghiên cứu về thị trường kim loại quý.
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng để huy động được lượng vàng rất lớn trong dân cư, phải có một khuôn khổ pháp lý để nguồn vốn đó có ích hơn trong việc phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo thanh khoản cho nền kinh tế. Tại hội thảo, vàng còn bị xác nhận là “thủ phạm làm trầm trọng tình trạng đô la hóa” thời gian qua.
Đưa ra ý kiến bênh vực “vàng hoàn toàn không phải là thủ phạm gây ra lạm phát”, nhà nghiên cứu Lê Đăng Doanh lưu ý khả năng quản lý được thị trường vàng chỉ có thể, và trước hết, dựa trên hiệu quả của việc quản lý hoạt động nhập khẩu lậu vàng và quản lý ngoại tệ.
Biện pháp quản lý thị trường vàng được các chuyên gia đề nghị là tiến tới bỏ chế độ cấp quota đối với nhập khẩu và xuất khẩu vàng – nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng quốc tế; bên cạnh đó là việc xúc tiến thành lập sở giao dịch vàng quốc gia, hay còn gọi là “sàn vàng quốc gia”. Mô hình của sàn vàng này, có ý kiến cho rằng về hoạt động sẽ tương tự sàn chứng khoán, sở hữu nhà nước hoặc tư nhân, do Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ, nhằm giúp thị trường vàng minh bạch và công bằng hơn, đồng thời đưa đến cơ hội liên thông giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã lên kế hoạch trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý và kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh “vàng miếng” trên thị trường tự do khiến vài ba tháng qua giới kinh doanh vàng đã xôn xao bàn tán