Phần cứng: Ngoại tăng, nội giảm Ngành phần mềm mới chỉ đóng góp khoảng 20% doanh thu cho mảng công nghệ thông tin ở Việt Nam, còn lại là phần cứng. Tuy nhiên, hầu hết tăng trưởng doanh thu từ ngành công nghiệp phần cứng lại được đóng góp từ các công ty nước ngoài, tiêu biểu là Samsung, Canon, Panasonic, Foxcomm, Nokia, Intel… Sách Trắng về công nghệ thông tin cho thấy, các doanh nghiệp phần cứng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng doanh thu phần cứng. Theo thống kê của Sách trắng 2012, top 5 công ty phần cứng có quy mô lớn nhất Việt Nam là những cái tên quen thuộc như Công ty Sản phẩm Công nghệ FPT, Công ty Máy tính CMS, Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình, Tổng Công ty Cổ phẩn Điện tử Tin học Việt Nam, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hanel. Tuy nhiên, sản phẩm của các công ty này không thành công tại thị trường Việt Nam. Cách đây khoảng 5-7 năm, những thương hiệu máy tính Việt từng có được thiện cảm từ người tiêu dùng khi có những dòng máy ấn tượng như CMS (của Công ty Máy tính CMC - CMS), Vietcom (Công ty Điện tử Huế - Huetronics), Wiscom (Khai Trí), Robo… Hiện nay, các doanh nghiệp phần cứng Việt Nam đang đi theo xu hướng với điện thoại, máy tính bảng, ultrabook… nhưng vẫn chật vật. Đơn cử như CMC, sau không biết bao nhiêu lần lỡ hẹn với thị trường, công ty này vẫn loay hoay với những dòng máy tính để bàn cũ kỹ. CMC cũng cố gắng để trình làng máy tính xách tay, ultrabook nhưng không thấy những sản phẩm đó được bày bán ở đâu. Ngay như Viettel, nhà mạng lớn nhất Việt Nam cũng ấp ủ giấc mơ làm chủ công nghệ Việt với những sản phẩm như điện thoại, USB 3G, tablet… nhưng vẫn chưa thành. Thời gian đầu, công ty này bán điện thoại Việt Nam sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tự làm hoàn toàn nhưng đến nay vẫn chưa gây được tiếng vang nào trên thị trường. Những sản phẩm về phần cứng của FPT cũng không được đánh giá cao. Điện thoại, máy tính bảng của FPT chủ yếu chỉ được phân phối trong hệ thống FPT Shop. Ông Bình cũng thừa nhận FPT chỉ tập trung làm nội dung, phần mềm cho sản phẩm, còn phần cứng được sản xuất tại Trung Quốc. Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất phần cứng trong nước cần tìm ra khe hẹp thị trường, phát triển theo hướng cá thể hóa, làm ra những sản phẩm độc để hút người dùng. Các doanh nghiệp phần cứng của Việt Nam phải làm ra nhiều sản phẩm riêng của mình, tập trung vào một nhóm khách hàng nhất định bởi nếu làm sản phẩm phục vụ số đông sẽ không cạnh tranh nổi. Song muốn làm được điều đó, các doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D, phải xác định đây là khâu quan trọng nhất để sản xuất ra những sản phẩm phục vụ khách hàng của mình. Thành công phần mềm Ấn Độ là nước Việt Nam nên học hỏi về kinh nghiệm xây dựng ngành công nghiệp phần mềm, hầu hết doanh nghiệp công nghệ thông tin của Ấn Độ đều là doanh nghiệp phần mềm. Riêng phần cứng, Ấn Độ để cho các đối tác từ Việt Nam, Trung Quốc gia công. Kết quả là ngành công nghiệp phần mềm chiếm đến 17% GDP nước này, đây là thành công của công nghiệp phần mềm Ấn Độ. Phần mềm không phải là thế mạnh của Việt Nam, đây cũng không phải là khu vực có doanh thu chính trong ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phần mềm, đã có nhiều thương hiệu Made in Vietnam chinh phục được thị trường. Nhắc đến mảng phần mềm ứng dụng, hẳn những cái tên như CMCSoft, FPT IS, Hanel, MISA, Tinh Vân… là nổi bật nhất. Hoặc mảng phần mềm tiện ích thì không thể không kể tới các thương hiệu BKAV, CMC InfoSec, FPT IS, Lạc Việt, VTC Mobile, AVSoft Corp. Đi theo hướng phần mềm cũng chính là đúng theo định hướng của Chính phủ, đặc biệt là những dự án được chú trọng phát triển. Ông Bình cho biết FPT IS đã và đang kiến tạo hầu hết các hệ thống thông tin lớn của quốc gia như hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân, hệ thống thông quan điện tử… Nhà sản xuất này chiếm đếm hơn 60% trong số các công trình phần mềm quốc gia. “Xét trong cơ cấu doanh thu của toàn Tập đoàn, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm chưa phải là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhưng lại là lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao thứ hai và tạo ra công ăn việc làm cho khoảng gần 5.000 người”, ông Bình cho biết. Một ví dụ điển hình khác - CMC Soft - cũng đang tung ra thị trường hàng loạt phần mềm ứng dụng như phần mềm quản lý văn bản, quản lý công văn, hồ sơ công việc và điều hành tác nghiệp eocman Plus; phần mềm quản trị thông tin doanh nghiệp C-Office; hệ thống quản lý hành chính một cửa - eDocman One… Mới đây nhất, VNG với sản phẩm Zalo cho thấy người Việt Nam vẫn có thể làm ra những sản phẩm phần mềm có thể cạnh tranh với những đối thủ mạnh trên thế giới. Theo VNG, Zalo đã có 2 triệu người dùng tại 18 nước như: Czech, Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan, Lào… Sản phẩm này cung cấp tất cả những tính năng hay như các đối thủ lớn. Thành công của Zalo, BKAV, FPT IS cho thấy, người Việt đủ chất xám để làm ra những sản phẩm phần mềm chất lượng. Vì sao mềm dễ hơn cứng? Việc tập trung vào phần mềm thậm chí còn được các công ty nổi tiếng về phần cứng chú trọng. Apple thu được rất nhiều tiền từ việc bán những sản phẩm phần cứng của họ. Tuy nhiên, sản phẩm của Apple được trang bị phần mềm vô cùng tối ưu, đó mới chính là điều giúp Apple ghi điểm với người dùng. Apple không hề có nhà máy sản xuất phần cứng mà chỉ giao cho các công ty ở Trung Quốc, Đài Loan gia công. Họ hiểu rằng, kinh doanh phần cứng dù quy mô lớn, nhân công đông nhưng lại không mang lại lợi nhuận cao. Ngay cả hãng sản xuất máy tính nổi tiếng Dell, bên cạnh sản xuất máy tính còn cung cấp các phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin cho người dùng. Kết quả kinh doanh tốt trong một vài năm gần đây đã minh chứng cho việc chuyển trọng tâm là đúng. Hiện tại, việc cung cấp các giải pháp và dịch vụ cho doanh nghiệp đã tạo nên 30% doanh số, 50% lợi nhuận của Dell, trong khi doanh số bán cho người tiêu dùng lại giảm 2%. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho biết, các doanh nghiệp phần cứng không dễ chuyển đổi, tuy nhiên cần có hướng đi mới. Giải pháp dành cho các doanh nghiệp sản xuất phần cứng trong nước là hướng đến những hoạt động phụ trợ, làm ra các sản phẩm phụ trợ gắn liền với sản phẩm mà các Công ty FDI đang làm. Chuyên gia công nghệ thông tin, Hoàng Mạnh Cường cho rằng doanh nghiệp Việt thiếu vốn, thiếu R&D, thiếu ngành công nghiệp phụ trợ, quy mô nhỏ nên không thể làm ra những sản phẩm giá rẻ như Trung Quốc. Việc phát triển ngành công nghiệp phần cứng, cũng giống như giấc mơ làm ôtô Việt, qua bao nhiêu năm vẫn chỉ là gia công và lắp ráp. Do vậy, để có đường cạnh tranh với những đối thủ khác, doanh nghiệp Việt nên tập trung vào con đường dễ đi hơn trong ngành, con đường mang tên phần mềm và những con ngách hẹp.
|
|
|