Hát nhép đã trở nên phổ biến ở thị trường âm nhạc còn nhiều yếu kém và công tác quản lý còn nhiều bất cập như ở Việt Nam hiện nay. Điều này vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của nghệ sĩ, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng trong giới nghệ sĩ.
Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, khẳng định phải cấm hát nhép. Tuy nhiên, nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang dự thảo không thấy quy định về vấn đề này.
Trông chờ lòng tự trọng chưa đủ
Thực tế, quy định về cấm hát nhép đã từng được quy định ở Quy chế 47 về hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và Nghị định 103 của Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng nhưng không được các nghệ sĩ và các đơn vị tổ chức biểu diễn nghiêm túc thực hiện.
Tùng Dương- Trọng Lý (bìa phải), những ca sĩ nói “không” với hát nhép
Khi báo chí lên tiếng, quy định cấm hát nhép được dấy lên nhưng sau đó lại đâu vào đấy, quy định cứ quy định, hát nhép cứ hát nhép. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội và TPHCM cho biết hằng ngày có biết bao nhiêu chương trình ca nhạc diễn ra ở khắp các sân khấu trong cả nước, cơ quan quản lý có ba đầu sáu tay cũng không thể theo sát từng nơi một để xem ca sĩ có hát nhép hay không? Mà nếu giả dụ ca sĩ có hát nhép nhưng cơ quan quản lý không lập biên bản tại hiện trường thì cũng không làm gì được. Thực tế, chỉ những người trong nghề mới có thể phát hiện nghệ sĩ hát nhép chứ công chúng khó nhận biết điều này.
Tùng Dương, ca sĩ luôn nói “không” với hát nhép, cho rằng cần phải mạnh tay với hát nhép vì đó là một sự lừa dối trắng trợn đối với khán giả. Người nghe bỏ tiền mua vé là muốn nghe giọng hát thật của ca sĩ chứ không phải xem họ nhép môi.
[justify]Đúng là âm thanh của mình chưa chuẩn nhưng âm thanh cũng chỉ là một phần. Không thể nghĩ vì âm thanh chưa chuẩn nên mình có thể ngang nhiên hát nhép, đổ lỗi cho âm thanh kém để hát nhép thì quá kém. [/justify] Ca sĩ Tùng Dương |
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng dứt khoát: Đã lên sân khấu thì phải hát thật, nếu không có khả năng hát thật thì nên ở nhà. Nghệ sĩ cần có lòng tự trọng đối với nghề nghiệp.
Tùng Dương chia sẻ thêm sở dĩ anh luôn luôn hát sống vì nó đem lại cho anh những kinh nghiệm, sự dày dạn, ứng phó trên sân khấu để tránh những tai nạn nghề nghiệp. Với Tùng Dương, hát nhép còn khó hơn hát sống vì người hát phải diễn nét mặt sao cho khớp với lời ca, điều này không phải ai cũng kiểm soát được.
Ca sĩ Thanh Lam cũng khẳng định đã là ca sĩ thì phải hát thật. Nếu cứ hát nhép, họ sẽ làm thui chột nghề nghiệp của mình, làm hỏng sự nghiệp âm nhạc mà mình đã chọn và không công bằng với đồng nghiệp.
Nhiều nguyên nhân để hát nhép
Tùng Dương khẳng định khán giả chỉ có thể “nổi da gà” khi nghe ca sĩ hát thật với sự cống hiến tuyệt đối. Các nghệ sĩ lớn trên thế giới không bao giờ hát nhép bởi để chạm tới cảm xúc của khán giả, chắc chắn nghệ sĩ phải hát bằng những cảm xúc rất thật của mình. Nhưng đó là chuyện của nghệ sĩ thực thụ.
Tình trạng hát nhép hiện nay cần được phân định rõ thành hai nhóm: hát nhép cố tình và hát nhép bất khả kháng.
Trường hợp hát nhép cố tình thường rơi vào những nghệ sĩ kém về chất giọng, sợ hát thật sẽ lộ ra những khiếm khuyết mà kỹ thuật phòng thu thanh đã lấp đầy cho họ. Những người này luôn tìm mọi cách để được hát nhép mỗi khi lên sân khấu biểu diễn.
Trường hợp hát nhép bất khả kháng thường rơi vào các nghệ sĩ thật sự có giọng ca hay, đã quen với khán thính giả nhưng do điều kiện sức khỏe, do kỹ thuật âm thanh không bảo đảm để họ phô diễn giọng ca thật của mình trong một sô diễn nào đó nên đành phải hát nhép. Thường khi được mời tham gia biểu diễn trong một chương trình nào đó, các cộng sự của nghệ sĩ sẽ tìm hiểu xem công ty nào cung cấp dịch vụ, phụ trách kỹ thuật âm thanh để biết mà ứng phó.
Theo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ khi bước lên sân khấu cũng có những nỗi khổ, khó khăn riêng của họ. Nhiều chương trình, ca sĩ muốn hát thật nhưng nhà tổ chức, nhà đài lại muốn hát nhép cho an toàn, cho âm thanh lên sóng hay hơn. Có sự “tiếp tay” ấy, nghệ sĩ đua nhau hát nhép, người nào không hát thì thiệt thòi vì giọng thật không thể hay được như ở trong phòng thu, đã được xử lý bằng các kỹ thuật. Khán giả thì không biết được ai hát thật, ai hát nhép, chỉ cần nghe hát thấy chán là chê.
Một ca sĩ trẻ cho rằng để có một chương trình nhạc sống thành công, cần có những phương tiện đồng bộ. Tuy nhiên, điều kiện kỹ thuật âm thanh ở Việt Nam còn hạn chế, nhất là đối với những chương trình tạp kỹ của các bầu sô đưa đi lưu diễn các tỉnh, nghệ sĩ không thể tự tin để hát thật.
Không phải hết cách
Trong khi các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc lên án mạnh mẽ và đưa ra những quy định kèm theo các biện pháp xử phạt nghiêm thì ở Việt Nam vấn đề này không được đề cập trong nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự thảo. “Không cứ không quản lý được là buông tay” - một ca sĩ bức xúc nói.
Để giải quyết triệt để tình trạng hát nhép hiện nay, theo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, cần phải có biện pháp mạnh của cơ quan chức năng đối với các trường hợp cố tình hát nhép. Quan trọng nhất là phải có một mức phạt thật nặng, sau đó, hằng tuần tổng kết đưa danh sách các ca sĩ nhát nhép lên công luận để khán giả biết. Hoặc ca sĩ nào muốn hát nhép thì khi lên sân khấu không được cầm micro. “Nếu làm gay gắt liên tục trong một thời gian dài, chắc chắn không còn ca sĩ hát nhép” - ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.