Ngày 22/1, chị Vũ, - nhân viên truyền thông một siêu thị có tiếng tại Hà Nội, hồ hởi khoe trên trang cá nhân với nội dung: "Vừa sáng đến công ty, thủ qũy cứ bắt cầm lấy tiền này. Thưởng Tết đặc biệt chỉ có mấy chục triệu, nhưng cũng ấm rồi. Yêu công ty".
Hay đến anh S.B - nhân viên y tế tại một bệnh viện, cũng đăng tải hình ảnh tiền thưởng Tết kèm theo những dòng cảm xúc: "Tết đầu tiên đi làm, được thưởng nhiều thế này, làm mình yêu công việc nhiều hơn, chuẩn bị cho công cuộc đi mua sắm, shopping của mình ngay thôi".
Không giấu được niềm xúc động khi mức lương thưởng năm nay lớn, anh P.D- nhân viên tập đoàn FPT, chuyên công nghệ thông tin, cũng bày tỏ niềm vui trên trang cá nhân khi thưởng Tết năm nay dự định là từ 3 - 6 tháng lương.
Trên trang cá nhân nhiều hình ảnh lương thưởng Tết được dân mạng khoe rất nhiều |
Anh chia sẻ: "Như thế này thì ai chả muốn vào FPT làm, cả năm chỉ mong đợi ngày này. Đủ để đi mua tự thưởng cho mình những gì mình thích".
Năm nay, tiền thật cũng được mang ra làm cây lộc. Ngoài những mặt hàng đã quá quen thuộc như đào, mai, quất cảnh, nắm bắt được tâm lý thích các món đồ lạ của nhiều người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất kinh doanh năm nay còn nghĩ ra cây lộc bằng tiền thật và tiền âm phủ.
Mỗi một cây tiền được làm từ 39 tờ tiền chủ yếu là các tờ tiền có màu đỏ như 500 đồng hay 10 nghìn đồng cũ (loại không còn lưu hành) tượng trưng cho “Tiểu thần tài” với ý nghĩa cầu tài lộc và may mắn cho năm mới.
Giá cả 1 cây lộc này không hề rẻ, 500 nghìn đồng cho một cây tiền thật loại 500 đồng và 1,6 triệu đồng cho một cây tiền loại 10 nghìn đồng.
Cây lộc làm bằng tiền thật |
Trước đó, ngày 22/1, trao đổi với Đất Việt, GS Ngô Đức Thịnh cho biết: "Việc sử dụng tiền thật để làm cây lộc, thể hiện một quan điểm rất sai, vừa phi tín ngưỡng, thiếu văn hóa. Không có đất nước nào dùng tiền thật của quốc gia mình làm những việc như vậy".
Bên cạnh đó, GS nhấn mạnh: "Tất nhiên đồng tiền thì ai cũng trọng nhưng trọng nó cũng phải đúng lẽ, trên đời này có ai không thích tiền không? Nhưng tiền cũng phải ra sao? Bằng lao động, bằng công sức thì mới quan trọng, cái này là đúng, còn hiện nay là vì đồng tiền thái quá. Quá đáng buồn khi xã hội coi trọng đồng tiền hơn cả những truyền thống hàng nghìn năm nay".
Theo quan điểm của GS Thịnh thì đáng sợ nhất là cái tư tưởng hám tiền, hám của đã bao trùm tư tưởng người dân, tiền của lúc nào chả cần, người xưa cũng vậy, nhưng họ có cách đối xử với nó đúng lẽ.
Thanh Huyền
baodatviet.vn