"Ở nhà, mình cứ 'bụp', 'chát', 'chát', 'bụp' khiến bố mẹ tưởng… có vấn đề, mời cả thày cúng về 'giải hạn", đó chỉ là một trong rất nhiều tình huống hài hước mà các teen girl đã gặp khi đến với beatbox.
Hình minh họa
Không còn xa lạ với teen Việt, beatbox được hiểu như là sự mô phỏng âm thanh của bộ gõ bằng miệng. Qua tập luyện và sáng tạo, beatboxer có thể giả lập âm thanh của tiếng trống điện tử, trống cơ, guitar điện cho tới những kĩ thuật “khó nhằn” hơn như “vừa trống vừa hát, vừa đàn vừa hát”. Ngoài ra, những âm thanh quen thuộc khác như tiếng kêu các loại động vật cũng là niềm hứng thú với các teen chơi beatbox.
Trên thực tế, các teen girl đến với beatbox được coi là “của hiếm”. Đàm Vinh Hiển, admin của forum beatbox đầu tiên tại Việt Nam (http://beatbox.withme.us) cho biết, trong hơn 3.000 thành viên hiện tại, chỉ có khoảng hơn 10 members là con gái. “Nhiều bạn nghe beatbox thì thích lắm, nhưng đều mang tâm lý e ngại, vì nghĩ rằng con gái mà tập cái này cứ ‘kì kì’, sợ bị bạn bè, mọi người trêu nên lại thôi”.
Cũng vì thế, mà tại forum từng có câu chuyện rất hài, đó là có thành viên “xưng” là con trai, đăng ký, post bài, trao đổi cực “xôm”. Thế nhưng đến buổi offline, mọi người mới té ngửa ra rằng con gái 100%, lại cực xinh nữa. Cô nàng thỏ thẻ: “Tại cứ nghĩ chỉ con trai mới tập được thôi”.
Tập beatbox luôn "hiếm" teen girl
Chọn beatbox, mỗi teen girl cũng có những lý do rất khác nhau. Nàng thì tò mò: “Có gì hay ho mà tụi con trai lại ‘mê mẩn’ thế”, nàng khác thì lý giải là do trót “để ý” một anh chàng siêu "nhạc miệng", ban đầu chỉ định “tiếp cận” bằng cách nhờ chàng dạy cho vài “chiêu”, không ngờ sau đó lại “đổ liêu xiêu”, có khi còn thích hơn là thích “thày” ấy chứ.
Và sau một thời gian chăm chỉ tập tành, “đẳng cấp” của họ cũng chẳng thua kém bất kì “đấng nam nhi nào”. Mel, thành viên của Echo Club (Nơi quy tụ rất nhiều teen mê beat của Hà thành) kể câu chuyện vui của mình: “Lần ấy, mình đang nhức đầu mà tên cùng bàn cứ “bập bập”, “ịch ịch” hoài, bảo dừng lại thì hắn ‘vênh’ mặt giả đò không nghe thấy. Tức quá, mình quyết định quay sang ‘xử’ hắn bằng cách… beat một tràng, nghe xong hắn mắt chữ O, mồm chữ A, và nhận mình làm… sư phụ luôn”.
Mel cũng cho biết thêm, khi beat, do có đặc thù giọng trong, nên con gái thường “chật vật” hơn con trai ở những âm trầm. Bởi thế, khi mới tập, mới có rất nhiều tình huống buồn cười, chẳng hạn vô cùng khó khăn với robot bass, hay những lúc cố gắng “pừm… pừm” mãi, vậy mà vẫn cứ bị “hô biến” thành âm “bầm… bầm”, rất ngộ!
Mel đang beat tiếng vịt "độc quyền" của mình
“Tuy nhiên, điều đó đôi khi cũng trở thành lợi thế. Có những âm thanh con gái ‘độc quyền’, con trai không ai bắt chước được, ví dụ như tiếng vịt kêu mà ‘pẹc pẹc’ với ‘quẹc quẹc’ mà tớ vẫn hay làm”, Mel hào hứng.
Beatbox không còn lạ lẫm gì với teen, nhưng với người lớn, thì quả thực vẫn không hề phổ biến chút nào, dẫn đến câu chuyện “nhớ đời” của một teen girl: “Ở nhà, thỉnh thoảng tớ tranh thủ ‘luyện’, cứ ‘bụp, chát, chát, bụp’, khiến cả hai bố mẹ tưởng… có vấn đề. Khổ hơn nữa, mẹ tớ vốn là người tin bói toán, vậy là mời luôn mấy ông… thày cúng về ‘xua tà’ với giải hạn”.
Hơn nữa, con gái mà chọn chơi những thứ “lạ” như vậy, phụ huynh lại càng khắt khe hơn. Bởi vậy, nhiều teen girl chia sẻ rằng họ đều chung “cảnh ngộ”, đó là phải thường xuyên tập beatbox ở trong… nhà tắm hoặc toilet, và đối mặt với ánh mắt ngạc nhiên cũng như sự “cấm vận” của bố mẹ.
Tuy nhiên, đam mê vẫn là đam mê, và họ vẫn cứ thường xuyên “ăn beatbox”, “ngủ beatbox”, thậm chí lúc đi chơi với “người ấy”, đôi lần cũng tự dưng miệng bập bập, đầu lắc lư, chân nhún nhảy, hoặc mà giả luôn tiếng… ếch kêu, quay sang thấy "chàng" đang há hốc mồm, khi ấy mới mặt cười mà như mếu!