[justify]Người miền xuôi gọi là con sùng nhưng người Pa Kô gọi là tăng hia. Từ bao đời nay, cứ đến mùa là người dân lại đi đào tăng hia về làm thức ăn. [/justify]
[justify]Xới đất tìm thức ăn[/justify]
[justify]Tại “thung lũng da cam” xã Đông Sơn, huyện A Lưới, từ mờ sáng nhiều người đã lom khom tìm kiếm tăng hia trên bờ khe Chai, trên những cánh đồng. Sau những nhát cuốc bổ xuống, những con tăng hia béo tròn bò lổm ngổm.[/justify]
[justify]Khắp cánh đồng những đứa trẻ chăn bò vẫn lon ton chạy tìm “nhà” của tăng hia mà đào mà xới. Nhan nhản những vết cuốc, vết xẻng chạy dài bên bờ suối. Đất trên những cánh đồng bị xới tung nằm phơi trắng bụng.[/justify]
[justify]Theo những người dân Pa Kô, món ăn được chế biến từ tăng hia đã có từ lâu. Đó là món ăn mà cha ông truyền lại cho con cháu. Mỗi lần vào dịp giáp hạt, khi trong bồ đựng lúa bắt đầu cạn, khi trên chạn thức ăn không còn, trên sông không còn nhiều cá là lúc đồng bào Pa Kô tìm đến món ăn xuất phát từ lòng đất này.[/justify]
[justify]“Khi con cá ở suối không thấy nữa, bố lại cùng mấy đứa con đi đào tăng hia. Đào tăng hia dễ hơn bắt cá, săn thú rừng nhưng lại rất mệt. Một ngày bố đào cả nhà ăn mấy ngày không hết. Tăng hia vào mùa nhiều lắm” - ông Quỳnh Dao (63 tuổi) tay hì hục đào đất, miệng buông từng câu đứt quãng vì đã thấm mệt.[/justify]
[justify]Những người Pa Kô ở thôn Loa, thôn Tai Vai, xã Đông Sơn kể tôi nghe về câu chuyện tìm ra món ăn lạ đời này của cha ông họ. Ngày xưa, người miền núi khu vực thung lũng Đông Sơn và cả huyện A Lưới này đói ăn triền miên. Tình cờ người Pa Kô bổ những nhát cuốc xuống đất thì thấy tăng hia xuất hiện rất nhiều. Ban đầu người dân thấy rất sợ vì hình thù của con vật quái dị này. Nhưng vì đói nên có một vài người đã mang về nấu ăn thử. Không ngờ đó lại là món ăn ngon.[/justify]
Chị Kăn Nơi và chị Hồ Thị Đời xới đất tìm tăng hia trên “thung lũng da cam”.
[justify]Từ đó ngoài săn thú, bắt cá, người Pa Kô lại có mùa đi đào tăng hia, kiếm đồ mặn cho những hôm ăn khoai ăn sắn.[/justify]
[justify]Em Hồ Thị Điệp ở thôn Ta Vai kể: “Đi chăn bò là em lại đào tăng hia. Mỗi ngày em đào được ba đĩa đủ cho gia đình ăn cả ngày. Em rất thích ăn món này vì nó béo và ngọt lắm!” - em Điệp nói với giọng thèm thuồng. Nhưng nhìn vào những con sùng đang cọ quậy, bò sột soạt chúng tôi đã thấy lạnh gáy.[/justify]
[justify]Món đặc sản đãi khách [/justify]
[justify]Từ tháng 10 đến gần tết Nguyên đán, tăng hia xuất hiện rất nhiều. Có khi bổ một nhát cuốc đã bắt được vài con. Vì thế mà những ngày này người dân lại tranh thủ đi đào. “Khi đào về thì ngắt bụng, bóp dập đầu. Về nhà mang luộc và xát muối. Xong thì mang lên để gần bếp cho khô. Khi nào thiếu thức ăn lại mang xuống” - chị Hồ Thị Đời vui vẻ bộc lộ bí quyết bảo quản những con sâu đất mà chị vừa đào được.[/justify]
[justify]Trên cánh đồng thôn Loa, vợ chồng chị Kăn Nơi đang dọn ruộng chuẩn bị vào vụ mới. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, chị Nơi mang cuốc ra đào tăng hia. Đứa con gái Hồ Thị Niệu cũng lẽo đẽo theo mẹ hí hoáy đào đất tìm kiếm. Chị Nơi mò mẫm tìm những nơi đất xốp rồi bổ từng nhát cuốc. Chị nói: “Bây giờ tăng hia đã chín. Có nhiều con to, mập và đã sạch nên sẽ ngon hơn, béo hơn”.[/justify]
[justify]Theo chị Nơi, con tăng hia chín là khi nó chuyển sang màu vàng, không còn trắng nhạt nữa. Nếu không được bắt thì vài hôm sau sẽ biến thành con bướm mà bay đi mất.[/justify]
[justify]Thức ăn chính của tăng hia là gỗ cây mục và các chất mùn. Tăng hia cũng rất thích rễ cây lúa nên việc bắt nó vừa có ăn lại vừa giúp bảo vệ cây lúa.[/justify]
[justify]Không chỉ đào mang về nhà ăn mà những người dân nơi đây lúc rảnh rỗi lại đi đào bán cho trai bản làm mồi nhậu. “Một đĩa tăng hia em bán cho dân nhậu 30.000 đồng. Tiền đó em mang về cho mẹ!” - em Hồ Thị Na (thôn Loa) gật gù nói như một bà cụ non. Tăng hia có thể chế biến được nhiều món ngon như rán, xào, trộn và nấu cháo. Người Pa Kô cho biết tăng hia còn có thể bồi dưỡng sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh.[/justify]
Chị Kăn Nơi vừa đào được con tăng hia béo tròn.
[justify]Dẫn chúng tôi về nhà, chị Kăn Nơi kéo từ trong bọc ra rất nhiều tăng hia được chị bảo quản để ăn dần. Chị nói: “Tăng hia chỉ, xuất hiện theo mùa nên ăn nó cũng theo mùa. Phải bảo quản tốt để khi nào có khách quý thì mang ra chế biến đãi khách. Những dịp lễ tết thì nó là món đặc sản không thể thiếu của người Pa Kô”.[/justify]
[justify]Tăng hia ăn có vị ngọt béo thơm đầu lưỡi, nhai thấy sần sật như ăn gân heo, gân bò. Nhưng để bảo quản ngày này qua tháng khác là cả một nghệ thuật của đồng bào Pa Kô. Nếu không biết cách bảo quản, tăng hia sẽ đen hôi và hỏng. Vì thế, tăng hia được cất giữ rất cẩn thận và chỉ đem đãi những vị khách mà chủ nhà quý trọng.[/justify]
[justify]Đào xới tăng hia trên vùng đất chết[/justify]
[justify]Khu vực đồng ruộng ở thôn Loa nằm ngay gần khu vực sân bay Asho - nơi được mệnh danh là “thung lũng da cam” với dư lượng chất dioxin vượt qua mức cho phép. Năm 1999, Ủy ban quốc gia điều tra hậu quả các chất độc hóa học dùng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80) đã về Đông Sơn để kiểm tra và kết luận đây là vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin rất cao. Đồng thời khuyến cáo người dân nên tránh xa khu vực này ít nhất 500 m.[/justify]
[justify]Thế nhưng trên “thung lũng da cam” khi vào mùa, đồng bào dân tộc Pa Kô vẫn kéo nhau đi đào xới. Và hiển nhiên những lời khuyến cáo về chất độc dioxin bị đồng bào làm ngơ. “Tăng hia được làm sạch thì không có chất da cam đâu. Ở đây ai cũng ăn cả mà. Ăn nó vẫn ngon chứ có gì đâu” - ông Nguyễn Văn Khiên (45 tuổi) nói.[/justify]
[justify]Tăng hia là món ăn đặc sản của đồng bào Pa Kô nhưng việc đào xới trong vùng đất chết để tìm tăng hia về làm thức ăn là không nên. Bởi trong đất có chất độc da cam thì điều tất nhiên trong tăng hia cũng sẽ có dioxin. Chính quyền địa phương cần phổ biến kiến thức để bà con không đào xới tăng hia trong khu vực nhiễm chất độc da cam.[/justify]