Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, Trung Quốc có tới gần 30 triệu người đồng tính. Những năm gần đây, hiện tượng đồng tính đã được nhìn nhận rất cởi mở trong xã hội Trung Quốc hiện đại, nhất là đối với những người trẻ tuổi nhưng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận.
Hai người đàn ông Trung Quốc .
Chuyện tình kỳ lạ của hai người đàn ông cô đơn
Đầu năm 2013, có một đám cưới đặc biệt nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của cư dân mạng cũng như gây tranh cãi lớn ở trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Đó là đám cưới của hai… cụ ông mang với biệt danh “Đại Bảo” và “Tiểu Bảo” (tên trên tài khoản mạng xã hội Sina Weibo – mạng xã hội thu hút nhiều người dùng nhất hiện nay tại Trung Quốc).
Cụ ông Đại Bảo là một giáo viên nghỉ hưu đã ly dị vợ, còn cụ ông Tiểu Bảo là một nhân viên giao nước. Đại Bảo là một trong những khách hàng của Tiểu Bảo, quen biết lâu ngày nên nảy sinh tình cảm. Tài khoản blog của họ có tới 5000 bạn và rất nhiều người đăng ký theo dõi.
Khi công bố thông tin về đám cưới của mình trên blog cá nhân, hai cụ ông nhận được không ít sự ủng hộ, chúc phúc của cộng đồng mạng nhưng cũng vấp phải không ít sự phản đối, chửi rủa cay nghiệt. Thế nhưng bất chấp tất cả những điều đó, họ tuyên bố trên blog rằng “quyết tâm dù chết cũng không chia lìa”.
Trong đám cưới kỳ lạ này, chú rể Đại Bảo mặc áo vest còn “cô dâu” Tiểu Bảo mặc áo cưới màu trắng như bao cặp tân lang, tân nương khác. Chỉ có điều, “cô dâu” Tiểu Bảo lại là một người đàn ông!
Hai cụ ông nhận phong bao của các vị khách đến uống rượu chúc phúc.
Trong đám cưới, họ đã cùng nhau hát ca khúc “Ánh trăng nói hộ lòng tôi” của ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc Đặng Lệ Quân.
Họ cũng đã khóc khi nói với quan khách có mặt trong buổi tiệc rằng, họ gặp phải rất nhiều sự phản đối của mọi người ngay khi vừa công khai tình yêu với nhau. Ngay cả con cái của cụ ông Đại Bảo cũng không còn nói chuyện với bố từ khi ông công khai mình là người đồng tính.
Đám cưới đang được truyền trực tiếp trên blog của hai cụ ông cũng bị gián đoạn bởi anh con trai của cụ ông Đại Bảo đã đuổi đánh khách mời, lật tung biển báo và làm náo loạn hôn trường.
Sau đám cưới, hai cụ ông đã lên blog gửi lời xin lỗi bạn bè cổ vũ họ. Hai cụ cũng rất đau đớn khi nói rằng “tại sao người ngoài có thể chúc phúc cho cha mà con đẻ lại không thể làm được điều đó”.
Bên cạnh những lời động viên của những người ủng hộ, cũng có không ít người phản đối, có người biết “Nếu tôi là con trai ông, tôi cũng không chấp nhận nổi chuyện mẹ mình là một người đàn ông”.
Dũng cảm hay bệnh hoạn?
Chuyện đồng tính không phải là chuyện mới lạ gì ở Trung Quốc. Từ sau thập niên 90 của thế kỷ 20, xã hội Trung Quốc bắt đầu có cái nhìn khá cởi mở về hiện tượng này, mà dấu mốc là từ khi đồng tính không còn bị coi là một căn bệnh cần phải trị liệu từ sau năm 2001.
Điện ảnh Hoa ngữ cũng có những tác phẩm vô cùng táo báo nói về tình yêu giữa những người cùng giới tính, trong số đó tiêu biểu là bộ phim Lam Vũ có nội dung nói về tình yêu của hai người đàn ông đồng tính ở Bắc Kinh trong những năm 1990.
Dù gây ra không ít tranh cãi nhưng sau khi ra mắt, nhưng hai diễn viên chính là Lưu Diệp và Hồ Quân không những không bị kỳ thị mà còn trở thành những ngôi sao sáng giá của làng điện ảnh Hoa ngữ tại Trung Quốc đại lục. Trong cộng đồng người Hoa tại hai vùng lãnh thổ Hồng Kông và Đài Loan, những người đồng giới còn được nhìn nhận cởi mở hơn cả ở đại lục.
Quyết định công khai làm đám cưới của hai cụ ông được nhiều người khen "dũng cảm" nhưng cũng chịu không ít chỉ trích "bệnh hoạn" từ dư luận, thậm chí từ con cái các cụ.
Những đám cưới đồng tính của cả nam lẫn nữ cũng không còn quá xa lạ ở một đất nước rộng lớn có tới hơn 1 tỷ dân như Trung Quốc.
Đám cưới của hai cụ ông với nickname Đại Bảo và Tiểu Bảo dù không phải là đám cưới đồng tính đầu tiên ở Trung Quốc nhưng cũng nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều vì hai lý do:
Thứ nhất, họ đã lớn tuổi. Thứ hai, những tấm ảnh tình cảm giữa cặp đôi này tung lên trang blog cá nhân của họ có vẻ hơi đi quá giới hạn của văn hóa phương đông, nhất lại là với những người lớn tuổi.
Đám cưới của hai cụ ông nhận được rất nhiều sự ủng hộ của những người đồng tính Trung Quốc. Họ nói rằng hai cụ vô cùng dũng cảm khi dám sống với giới tính thật của mình và đương đầu với dư luận xã hội.
Điều này không hề đáng ngạc nhiên bởi trong một xã hội dù phát triển nhanh nhưng vẫn rất nặng về văn hóa truyền thống như Trung Quốc, có tới 16 triệu người đồng tính không dám công khai giới tính thật của mình mà vẫn phải kết hôn dưới áp lực gia đình.
Ước mơ nhỏ mà lớn của người già cô đơn
Thực ra chuyện cha mẹ lớn tuổi kết hôn vấp phải sự phản đối của con cái không còn là vấn đề quá mới lạ trong xã hội phương Đông, ngay cả khi họ kết hôn dị tính.
Người Việt Nam có câu thành ngữ “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Con cái dù có quan tâm như thế nào đến cha mẹ đi chăng nữa cũng không thể bằng được sự quan tâm của người bạn đời.
Thế nhưng con cái thường khó chấp nhận trước quyết định đi đến hôn nhân của cha hoặc mẹ mình khi họ đã lớn tuổi.
Trong một xã hội phát triển nhanh như Trung Quốc, giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ văn hóa phương Tây. Họ độc lập từ rất sớm, bận rộn với công việc, với sự nghiệp và với cuộc sống riêng của mình nên có rất ít thời gian dành cho cha mẹ. Điều này càng thể hiện rõ ràng trong xã hội Trung Quốc bởi chính sách một con.
Xã hội càng hiện đại, con người càng cô đơn và có nhu cầu chia sẻ nhiều hơn. Những người đồng tính cũng dũng cảm hơn trong việc công khai giới tính của mình.
Nếu như với xã hội phương Tây, việc cha mẹ sống độc lập với con cái dường như đã trở thành việc hiển nhiên thì trong xã hội phương Đông như Trung Quốc, đây vẫn là điều khó chấp nhận bởi những quan niệm về gia đình và con cái vẫn còn rất mạnh.
Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão dù đã manh nha xuất hiện trong những năm gần đây nhưng đó vẫn là hành động không được cổ vũ ở các nước châu Á nặng truyền thống.
Trường hợp của hai cụ Đại Bảo và Tiểu Bảo cũng không phải là ngoại lệ. Một ông giáo già đã nghỉ hưu sống một mình trong ngôi nhà của mình sau khi đã ly hôn. Tình cảm của ông dành cho người đàn ông đưa nước có lẽ không chỉ đơn thuần là tình yêu xác thịt mà nó còn bao hàm cả tình cảm dành cho một người bạn tâm giao, người đã cùng ông chia sẻ những phút giây cô đơn trong ngôi nhà trống trải giữa một thành phố ồn ào, náo nhiệt như Bắc Kinh.
Hai người già dị tính vượt qua áp lực con cái để đến với nhau, chăm sóc sau đã khó, hai người đồng tính còn khó khăn hơn. Chính vì thế, đám cưới của hai cụ ông Đại Bảo và Tiểu Bảo nhận được rất nhiều sự ủng hộ của những người đồng tính.
Hành động của hai cụ, dưới góc nhìn của những người ủng hộ là rất dũng cảm bởi hai cụ đã dám sống cho chính mình. Với những người phản đối, họ cho rằng họ đã đi ngược lại luân lý, các giá trị đạo đức của xã hội. Với con cái các cụ, hành động ấy khiến cho họ cảm thấy mất mặt, xấu hổ trong một xã hội vẫn còn nhiều định kiến với người đồng tính như Trung Quốc.
Steven, cố vấn của Trung tâm LGBT Bắc Kinh ca hợi hành động của hai cụ ông là “lòng can đảm phi thường” đặc biệt là trong bối cảnh văn hóa của xã hội Trung Quốc, khi mà các thanh niên đồng tính rất khó không khai xu hướng tình dục của họ.
Ông cũng hy vọng rằng, câu chuyện của hai cụ ông sẽ giúp cho xã hội Trung Quốc và người Trung Quốc hiểu hơn về tính đa dạng hóa, học cách chấp nhận sự khác biệt. Việc mọi người công khai thảo luận là một việc tốt.
Ông Mã Hiểu Niên từ đại học Thanh Hoa cũng đồng ý quan điểm và nói rằng: “Đồng tính là một hiện tượng bình thường. Nếu cả hai đều còn độc thân và sẵn sàng công khai giới tính, quyết định của họ nên được tôn trọng”.