[justify]Nhiều người tỏ ra hoài nghi về kết quả của kỳ thi PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) do Hiệp hội Các nước phát triển (OECD) tổ chức. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định việc học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học, thứ 17 về môn toán, thứ 19 về môn đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ là điều không quá ngạc nhiên.[/justify]
[justify]
THCS: Mảng được của giáo dục Việt Nam
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết ông đánh giá cao năng lực của học sinh THCS. “Trẻ cấp 2 được bố mẹ, thầy cô kèm cặp thường xuyên nên chất lượng tương đối ổn” - ông nhận định.
“Nhiều người tỏ ý hoài nghi về kết quả của kỳ thi PISA nhưng tôi nghĩ đây là kết quả chính xác. Họ chỉ đánh giá về khả năng làm toán, đọc hiểu và khoa học của các học sinh chứ không phải là toàn bộ năng lực nên kết quả này có thể tin được” - PGS Cương nói.
Đồng quan điểm, PGS Lê Trọng Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, cho rằng nền giáo dục Việt Nam cũng có mảng được, đó là bậc THCS.[/justify]
[justify]
THPT: Nhiều thứ vô bổ
Trước những ý kiến băn khoăn tại sao học sinh Việt Nam thông minh và có tư chất nhưng chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta lại yếu kém, PGS Văn Như Cương thẳng thắn: “Giáo dục Việt Nam càng lên cao càng kém đi”.
Theo vị PGS này, chất lượng nguồn nhân lực chủ yếu phụ thuộc vào những năm cuối THPT và bậc ĐH. Thế nhưng, càng học cao, học sinh càng bị tách rời khỏi cuộc sống. “Học sinh THPT phải học đạo hàm, tích phân - những thứ vô bổ, không biết để làm gì. Trong khi đó, giáo dục ĐH không tạo ra những người làm được việc. Đáng lẽ phải đào tạo những gì xã hội đang cần thì chúng ta chỉ dạy những gì mình có” - ông Cương nhấn mạnh.[/justify]
[justify]
ĐH: Không giống ai!
Trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam vẫn nằm ở mức thấp của các bậc thang trong chuỗi giá trị toàn cầu, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, PGS Lê Trọng Thắng cho rằng giáo dục ở nước ta, cả THPT và ĐH, đều có vấn đề. Theo ông Thắng, chương trình bậc THPT có quá nhiều kiến thức trùng lặp với ĐH, đặc biệt ở các môn toán, lý, hóa.
Giáo dục ĐH ở nước ta còn dàn trải, chú trọng lý thuyết hơn thực hành. Trong ảnh: Giờ thí nghiệm của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
“Học sinh không đi theo ngành khoa học tự nhiên mà phải lĩnh hội những kiến thức này thì thực sự quá tải, mà quan trọng hơn là học xong lại chẳng để làm gì. Giáo dục kiểu Việt Nam là giáo dục toàn diện, lĩnh vực nào cũng muốn học sinh phải biết, phải giỏi, trong khi năng lực mỗi người khác nhau nên cuối cùng xôi hỏng bỏng không. Ngay cả với dân kỹ thuật thì kiến thức toán, lý, hóa có những cái cả đời chẳng dùng đến” - PGS Thắng nói.[/justify]
[justify]
Về đào tạo ĐH, PGS Thắng cũng nhìn nhận là “không giống ai”. “Trước đây, chương trình ĐH được thiết kế với khoảng 70-80 môn, khi đào tạo tín chỉ thì rút xuống khoảng 60 môn. Trong khi đó, nước ngoài chỉ có trên dưới 40 môn nhưng môn nào ra môn nấy. Ta thì có nhiều môn học chẳng biết để làm gì” - ông Thắng nêu ví dụ.[/justify]
[justify]
Ông Thắng cho biết đã nhiều lần phải “đối đầu” để điều chỉnh cơ chế này nhưng lại đụng đến quyền lợi của các giảng viên nên rất khó thay đổi. “Với cách đào tạo như hiện nay, dù học sinh Việt Nam có thông minh thì cũng khó có một nguồn nhân lực như mong muốn” - ông Thắng quả quyết.[/justify]
[justify]
Kỳ thi PISA được quản chặt Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, OECD lựa chọn ngẫu nhiên 5.670 học sinh của 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố ở tất cả các hệ THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, trường nghề… Có 13 bộ đề thi được phát cho học sinh, mỗi câu hỏi có 5 người chấm, nhập phiếu chấm song song vào máy tính, khi xong sẽ gửi đi và đóng máy nên không ai biết được kết quả. Khi nộp dữ liệu mẫu, OECD lựa chọn các bài ngẫu nhiên, mời chuyên gia phân tích. Nếu trong 1 phòng có 2 em bài thi gần giống nhau thì không được chấp nhận. |
[/justify]
Theo Yến Anh (Người lao động)