Để “ăn gian” thêm chiều cao vài cm, bạn lại phải “nhờ vả” đến giày cao gót.
Và tự khi nào, những xì tin đã trở thành “nô lệ” cho giày cao gót, để rồi nếu cứ không được “leo” lên trên những “cái thang” ấy, xì tin lại thấy "nhơ nhớ" và cảm thấy mất tự tin “thía nào ấy”. Tuy nhiên, mang nó hoài thì lại lo sợ những hiểm hoạ không tốt từ giày cao gót mang lại. Nhưng như vậy không hẳn đã bị rơi vào bế tắc đâu nhá. Nếu là những xì tin quá “mê tít” những đôi giày cao gót xinh đẹp, sành điệu thì hẳn sẽ rất vui với những giải pháp dưới đây. Nào, mình cùng lưu ý nhé!
1. Chai ngón chân, viêm tấy kẽ ngón chân
Xì tin biết không, mang giày lâu, nhất là giày mũi nhọn khiến cho các ngón chân của bạn bỗng dưng không được xoè tự nhiên như mọi khi đi dép lê, mà lúc này các ngón chân phải o ép lại với nhau để cùng chung sống trong một không gian chật hẹp. Khi ấy, những ngón chân vẫn kêu la “help me” mà chúng mình cứ vô tư không nhận biết được. Và khi ấy, lâu dần chúng sẽ trở nên chai sần cứng cứng đấy. Đặc biệt, khi gặp thời tiết nóng nực, các ngón chân còn phải chịu đựng nhiệt độ quá cao nên dễ dẫn tới viêm các kẽ ngón chân nữa cơ.
Giải pháp:
Xì tin rất hay chạy nhảy, không chịu ngồi yên một chỗ thế nên bạn chỉ nên chọn những đôi giày hở mũi, nếu là mũi bít nên chọn các chất liệu tốt, hút ẩm. Tốt nhất nên mua đôi giày mũi lớn hơn cỡ chân mình để các ngón chân có thể “thở” một cách dễ dàng.
2. Biến dạng ngón chân
Khi đi giày cao gót, trọng lượng cơ thể dồn về phía trước, các ngón chân phải đỡ sức nặng ấy nên lâu dần ngón chân sẽ bị quặp xuống trông rất xấu xí. Bạn không tin ư? Cứ để ý mà xem.
Giải pháp:
Bất cứ khi nào nhớ ra, bạn hãy thường xuyên masages cho các ngón chân tội nghiệp của mình nhé. Ví như dùng tay bóp nhẹ theo chiều ngón chân để các mạch máu lưu thông, đồng thời uốn nắn kịp thời các khớp xương ngón chân. Việc massage ngón chân còn giúp làm giảm các nốt chai sần do mang giày lâu ngày.
3. Hỏng tim mạch
Khi di chuyển bằng giày cao gót một thời gian dài, cơ bàn chân sẽ căng cứng buộc máu phải lưu thông nhanh hơn bình thường dẫn đến hỏng các tĩnh mạch ở bàn chân. Đứng một chỗ quá lâu bằng giày cao gót cũng gây nên tình trạng này xì tin ạ.
Giải pháp:
Nếu trong những ngày phải di chuyển nhiều, bạn nên chọn đôi giày thấp, giày đế xuồng hoặc đôi giày có độ chênh lệch giữa mũi và gót không nhiều để tránh bị dốc quá. Ngoài ra khi đứng một chỗ, bạn nên thường xuyên thay đổi đôi chân trụ. Tốt nhất là bỏ giày ra càng sớm càng tốt.
4. Đau cột sống
Mang giày cao gót quá lâu và thường xuyên là tác nhân trực tiếp của bệnh đau cột sống. Nguyên nhân do khi mang giày các bạn sẽ dồn sức nặng về phía trước, xương sống buộc phải làm thêm nhiệm vụ giữ thăng bằng cho cơ thể. Lâu dần bạn sẽ bị đau lưng và dẫn tới đau cột sống.
Giải pháp:
Hãy nhớ rằng, bất cứ lúc nào có thể tháo được giày ra thì bạn hãy làm ngay hành động này nhá. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên tập thể dục cho đôi chân. Một vài động tác bạn có thể áp dụng như kiễng chân lên xuống, đá nhẹ chân, xoay cổ chân, hay động tác lưng bụng để các khớp xương được thư giãn.
5. Dễ gây bong gân, trật khớp, giãn dây chằng
Khác với khi đi bằng chân không, diện tích tiếp xúc chân với mặt đất bao giờ cũng lớn hơn diện tích tiếp xúc của giày với mặt đất. Chính vì thế, chỉ cần một sơ xuất nhỏ, bạn sẽ có nguy cơ bị trẹo cổ chân, trật khớp, bong gân như thường. Đó là những sự cố “xảy ra như cơm bữa” đối với những xì tin thích “sính” giày cao gót nhưng lại sơ ý hoặc “nhanh ẩu đoảng”.
Giải pháp:
Trước khi quyết định mang giày cao gót, bạn nên luyện tập trước bằng cách đi lại nhiều lần trên mặt phẳng, lên cầu thang. Chú ý thả lỏng hông, giữ vai và đầu thẳng, bước đi nhẹ nhàng. Không nên bước quá rộng, chỉ nên khoảng 30 cm một bước là vừa. Cần cẩn trọng khi lên xuống cầu thang và các đoạn đường gồ ghề. Bên cạnh đó, khi mua giày cao gót, bạn nên thử thật kỹ, chọn đôi thatạ vừa vặn với bàn chân của mình.