[justify]Vừa bước vào nhà bạn, thấy Hiền đang kì cụi giặt chiếu, Hoa ngạc nhiên hỏi: "Hôm nay trời âm u thế mà cậu cũng giặt chiếu à?" - "Xời, lo gì? – Hiền đáp - Hôm nào bạn giặt chiếu mà trời chẳng nắng". Chỉ là một câu nói bâng quơ của bạn mà Hoa để trong lòng mãi.[/justify] [justify]Trưa hôm đó nắng thật, nắng vàng rực rỡ như đốt lửa trong lòng Hoa. Hoa nghĩ mà ấm ức, đem nỗi bực dọc trút với người bạn thân: “Cái Hiền vừa xinh, vừa học giỏi rồi lại còn may mắn nữa chứ. Mình giặt chăn chiếu hôm nào thì hôm ấy mưa mới tức chứ. Ông trời thật bất công”. Thực ra, lỗi không phải của ông trời mà lỗi tại bệnh “tị”, nó nhiều khi dẫn đến những hành động rất không đẹp và rất trẻ con của lứa tuổi teen.[/justify] [justify]Bước sang tuổi mới lớn, tâm sinh lý các bạn bắt đầu có những chuyển biến, thay đổi. Các bạn muốn nhanh chóng trưởng thành, thích được chứng tỏ giá trị bản thân mình. Chính vì thế, nhiều khi teen quan tâm quá mức đến chuyện của người khác. Thấy mình không có và thế là … tị.[/justify] [justify]"Triệu chứng"[/justify] [justify]Cái bệnh tị nó đã xuất hiện từ ngày chúng ta còn bé xíu. Nhưng ngày ấy, mỗi khi "phát bệnh", chúng ta lại phụng phịu đến bên bố mẹ: Bạn ấy có cái này, cái kia mà con không có. Rồi chúng ta được bố mẹ chữa cho hết bệnh. Nhưng đến tuổi teen, hình như bệnh tị đã nặng hơn và triệu chưng bệnh cũng phức tạp hơn.[/justify] [justify]An (học sinh trường TP) là một lớp phó giỏi giang, có giọng hát ngọt ngào, êm dịu. Trong trường, An cũng được nhiều bạn nam để ý. Đặc biệt, hôm 8/3, hotboy trong trường đã đến tận lớp tặng hoa An. Điều này làm nhiều bạn gái trong lớp thầm ghen tị. Trong đó có Ngân. Một buổi sáng đi học thấy An có đeo sợi dây chuyền vàng, Ngân dè bỉu nói với các bạn: "Ai đời nhà nghèo rớt mồng tơi. Mẹ sáng sáng bán xôi ở ria đường mà cũng họ đòi đeo dây chuyền vàng. Chắc vừa lừa được anh nào đấy. Trông mặt thế mà kinh". Sau đó, Ngân biết dây chuyền An đeo là đồ mỹ kí, Ngân càng mỉa mai: "Đúng là học đòi. Tớ có dây chuyền vàng tây còn không thèm đeo thế mà có người còn khoác cả đồ mỹ kí lên người. Thật không biết nhìn xem nình có hợp với những đồ trang sức đó không chứ".[/justify] [justify]Chuyện đến tai An, An buồn lắm. Cô nói: "Mình chẳng ham hố mấy thứ điệu đà này đâu. Chẳng qua, đấy là lộc mà mẹ mình xin ở đền bà chúa Kho. Mình đeo lấy may cho mẹ vui thôi".[/justify] [justify]Chuyện tị nạnh nhiều khi còn diễn ra ngấm ngầm, gay gắt giữa những người bạn thân với nhau.[/justify] [justify]Huân và Kiên (học sinh trường TN) là bạn học cùng nhau từ lớp 1 đến hết lớp 12. Nếu Huân là cây Lý của lớp thì Kiên cũng là cây Hóa của trường. Cảm giác như mình thua thiệt, kém cỏi hơn, Huân luôn cố gắng ganh đua ngầm với Kiên. Khi Kiên được đại diện lớp tham gia vòng thi loại Olympia của trường thì Quân thấy thực sự khó chịu. Quân lê la nói với mọi người rằng thực ra Kiên luôn được thầy cô ưu ái, cho điểm cao vì cậu ta biết nịnh thầy cô: “Tớ là bạn thân tớ biết. Nhiều lúc đi cùng thấy nó nịnh nọt thầy cô mình thấy rất chướng mắt”. Thế là, tự nhiên Kiên bị bạn bè xa lánh, ghét bỏ.[/justify] [justify]Chuyện hai bạn nữ ở trường TT cũng vậy. Ngà và Hương vốn là hai hotgirl của trường. Cả hai cùng có gu ăn mặc sành điệu, cùng xinh đẹp và cùng có nhiều chành trai theo đuổi. Dù bình thường Ngà và Hương rất thân thiết, shopping, bowling, hồ bơi … đi đâu Ngà và Hương cũng đi cùng nhau nhưng thực ra giữa hai người đang có một làn sóng ngầm ganh đua về vị trí hotgirl số 1. Sinh nhật Ngà, Ngà đến lớp với một hộp quà to “vật vã” và khá nặng. Thấy Ngà khệ nệ bê món quà vào lớp, cả lớp đều tò mò về món quà lớn ấy. Chuyện ấy làm Hương đặc biệt tị nạnh. Thế nên, Valentine Hương tự chuẩn bị cho mình một hộp quà to hơn, đẹp hơn và cũng khệ nệ vác lên lớp.[/justify] [justify]Và vuột mất nhiều thứ[/justify] [justify]Mấy hôm rồi Huệ (học sinh trường TK) không dám đến lớp vì bị mấy “chị” kéo đến dằn mặt. Chuyện là, Huệ và My vô tình mua hai chiếc áo giống hệt nhau. Cũng tình cờ hôm nào Huệ mặc áo đó đến lớp thì My cũng mặc cái áo y chang. Huệ dáng cao dong dỏng, da trắng nên mặc đẹp hơn My. Cảm giác thua thiệt dần nhường chỗ cho cảm giác ghen tức. My thuê mấy “chị” trường bên đến dằn mặt cho bõ tức để Huệ khỏi giở trò chơi trội. Chuyện sau đó bị nhà trường phát giác, My bị kỷ luật và phải mời phụ huynh đến nói chuyện. Hậu quả nặng nề hơn là bạn bè xa lánh, không dám chơi với My vì sợ có chuyện gì “đắc tội” sẽ bị My “dằn mặt”.[/justify] [justify]Trở lại chuyện của Ngà và Hương. Gói quà tự chế của Hương quả làm cho cả lớp “lác mắt”. Hương khệ nệ đặt món quà ở cuối lớp, nói rằng có anh tặng ở cổng trường. Đến giờ ra chơi, trong lúc đùa nghịch, mấy bạn nam xô đẩy nhau chẳng may ngã vào món quà. Hộp quà bẹp xuống, rách ra và… không có gì bên trong. Hương “quê” cực độ, cả tuần sau cũng không dám lên lớp. Và cái tên “Hương sĩ” cũng từ đó mà ra đời, đeo đẳng cô suốt 4 năm đại học.[/justify] [justify]Chuyện của Huân cũng khỏi phải nói, sau đợt ấy, Kiên và Huân từ bạn thành thù. Kiên không thể tiếp tục chơi với người bạn nhỏ nhen chuyên đặt điều nói xấu bạn bè như vậy nữa.[/justify] [justify]Cuộc sống vốn không hoàn hảo nên có nhiều thứ không mong muốn đến với ta. Việc ta chấp nhận và vượt qua nó như thế nào sẽ làm nên giá trị của riêng ta.[/justify] |