Một ngày cuối tháng 4, chị Phạm Thị Thanh Hoa (sinh năm 1976) bất ngờ nhận được quyết định bàn giao công việc thủ quĩ để làm công nhân tạp vụ. Quá uất ức vì bị “bẻ cành ném hoa”, chị Hoa đã đem câu chuyện đầy nước mắt mà chị ôm trong lòng suốt 4 năm qua gửi đến các cơ quan chức năng.
… Tốt nghiệp lớp kế toán ở quê, do gia cảnh rất khó khăn, Hoa được cô là bà Phạm Thị Lam đón vào Tây Nguyên xin việc. Với cương vị giám đốc một ngành, ông Phan Văn Huyền (sinh năm 1952) đã bố trí cho Hoa làm thủ quĩ ở đơn vị “ngon” nhất của ngành. Việc làm này là ơn nghĩa để đời với cả gia đình Hoa.
Nhưng rồi, một ngày tháng 4-2001, sau khi chị Hoa sinh con được ít ngày, bà Lam rủ Hoa đến nhà bà chơi. Đến nơi, bà Lam cho Hoa biết chồng bà thích Hoa và muốn được Hoa “chiều” một lần. Hoa sững sờ và phản ứng dữ dội. Bà Lam năn nỉ hãy thương và giúp bà, rồi dỗ dành Hoa nên hi sinh cho chồng con để có cuộc sống khá giả, như bà P. và bà N. là em ruột bà Lam, vì “chiều lòng” ông Huyền mà bây giờ có cuộc sống dư dật. Bà cũng kể chuyện mấy người dưới quyền ông làm bà phật ý đều đã bị đuổi khỏi cơ quan, rồi thẳng thừng: nếu Hoa từ chối cũng sẽ bị đuổi việc ngay! Rồi bà bỏ đi, để lại Hoa với ông chồng đang háo hức đón đợi “con mồi”. "Gương tày liếp” của mấy người phải ra đi vì ý muốn của “phu nhân giám đốc” đã cho Hoa biết bà Lam không doạ suông! Cái gánh nặng gia đình nghèo với một ông bố thương binh 1/4 và 2 đứa em không công ăn việc làm, cùng ơn nghĩa với bà cô đã buộc Hoa nhắm mắt đưa chân.
Nhưng rồi, không phải “một lần” như bà Lam hứa. Mấy hôm sau, bà lại bảo Hoa đến cạo gió cho bà. Thấy có ông Huyền ở nhà, Hoa định bỏ về thì bà Lam đuổi theo và mắng: “Mày muốn nghỉ việc à? Người khác mong không được …” Cứ nghe chuyện bị nghỉ việc là Hoa lại run sợ đến khuất phục, để mặc cho ông Huyền đưa lên lầu…
Vài ngày, bà Lam lại gọi Hoa đến phục vụ chồng với “chiêu bài” dọa đuổi việc để buộc Hoa phải nghe lời. Sợ hãi đến nỗi, nhiều lần, thấy số máy của bà Lam gọi, Hoa để chồng hoặc em chồng trả lời không có nhà, nhưng bà Lam tìm đến tận nơi đón đi. Nhiều lần bà còn doạ: “Mày không đến hay để chú phải chờ là chú khùng lên, không cần mày thì mày chết con ạ!” Thấy vợ vùng vằng không muốn đi, anh Phạm Trọng Chí, chồng Hoa đâu biết sự thật đau lòng nên nạt Hoa không được cãi cô!
Hoa kể, bà Lam liên tục gọi cho chị đến phục dịch chồng bà vào buổi trưa, nhiều lần vừa đi làm về, chưa kịp ăn cơm chị đã phải đến để phục vụ. “Hầu hạ” xong cũng là lúc đến giờ đi làm chiều. Việc điều tra cho thấy, chỉ từ tháng 7-2004 đến 4-2005, đã có 75 cuộc gọi từ máy nhà bà Lam đến máy nhà Hoa, trong đó, 35 cuộc gọi vào lúc 11-12 giờ, 15 cuộc gọi lúc 17-18 giờ, 4-6 giờ sáng có 6 cuộc…
Nhưng bà Lam lại có các yêu cầu ngặt nghèo để ngăn chặn chồng cho tiền cháu: trước khi Hoa vào với ông Huyền, đồ mang theo phải để bên ngoài, do bà canh giữ. Có lần, bà canh chừng sơ suất nên cô cháu ruột của bà ở quê ra đã vô tình bắt gặp ông Huyền và Hoa, đã giận Hoa tới 2 năm liền. Để trả công phục vụ chồng, nhiều lần “xong việc”, bà đưa cho Hoa 100.000 đồng nhưng chị không lấy. Bà liền trả công bằng việc mua cho Hoa chiếc xe máy Trung Quốc giá 9 triệu đồng. Mỗi lần đến nhà đón Hoa đi, bà đều “boa”… bánh kẹo cho con trai Hoa. Chồng Hoa kể lại, có lần thấy con sung sướng đón quà của bà Lam, Hoa gắt gỏng vô cớ: Không biết cái nhục của mẹ à mà còn sung sướng? Vợ chồng anh cũng nhiều lần “cơm không lành canh không ngọt” chỉ vì mỗi lần đến “thăm” cô chú về, Hoa đều tìm cách né tránh chồng! Nhưng vốn là người hiền lành, chất phác, anh không ngờ nổi sự việc tồi tệ đến thế, cũng như không bao giờ biết rằng, mỗi năm anh đều phải đi công tác liên tục mấy tháng trời, cả khi mùa mưa cũng phải ở trong rừng để … trông máy móc, là nằm trong sự tính toán của ông “chú” Giám đốc.
Ban đầu Hoa không hiểu vì sao bà cô từng đánh ghen với nhiều phụ nữ, nhưng lại ép buộc cháu vào vòng loạn luân. Mãi sau này dò hỏi chính bà, co mới được biết nguyên do của việc làm kỳ quặc này. Thì ra thuở còn con gái, bà Lam ăn chơi nổi tiếng đất Sài Gòn. Năm 1978, bà sinh một cậu con trai không có bố và mang về quê cho bố mẹ nuôi. Vài năm sau bà lấy ông Huyền. Người đàn bà từng trải đã “bịt mắt” được chàng công nhân đẹp trai độc thân, mãi sau này ông Huyền mới biết quá khứ của bà. Ông trả thù bằng cách “cặp” hết người này đến người khác, khiến bà cũng xoay như chóng chóng đi đánh ghen. Biết rằng cô nào trông “sạch nước cản” ở cơ quan đều khó qua tay ông, nên bà cài cắm “cơ sở” kiểm soát chồng khá dữ. Có lần, ông cùng một cô đi nghỉ cuối tuần, xe chuyển bánh chưa được bao lâu bà đã biết tin, liền bắt tắc-xi đuổi theo buộc ông phải quay về! Nhưng bà cũng hiểu rằng, một con người đàng điếm như chồng mình khó thể kiểm soát được, nên nguy cơ mất chồng, mất của là nhãn tiền. Vì thế, bà nghĩ ra một “mẹo” hết sức độc ác là đẩy em gái và cháu gái phục vụ chồng, là những người bà khống chế được, nên việc mất chồng cũng như mất của là không thể xảy ra! Bà giữ chồng không phải vì yêu, mà chỉ vì khối bổng lộc khổng lồ ông mang lại cho bà mỗi năm.
Suốt nhiều năm liền Hoa phải chịu cảnh mua vui cho “chú” trong sự nhục nhã. Đến một ngày, không chịu nổi nữa, chị quyết định chấm dứt mối quan hệ loạn luân, đồng thời, tuyên bố ly dị chồng vì mặc cảm. Kết quả của việc này là quyết định thay đổi công việc của Hoa. Bị đối xử phũ phàng, Hoa xin bà Lam nói với ông Huyền bố trí công việc cũ, nhưng bà Lam đã chửi mắng cô thậm tệ vì “tội” dám rời bỏ chồng bà. Hoa tuyên bố sẽ làm bung bét sự việc thì bà Lam ngang nhiên thách thức cô cháu gái vốn tuân thủ bà như một kẻ nô lệ suốt ngần ấy năm vì ơn nghĩa. Tuyệt vọng và đau khổ vì trả giá đắt cho miếng cơm manh áo mà vẫn không được như ý, Hoa đã tự tử. May mà chồng và em chồng phát hiện, ngăn lại kịp.
Trước tình hình căng thẳng, ông Huyền vội thương lượng với Hoa sẽ chuyển chị làm thủ quĩ của một đơn vị khác, với điều kiện chị phải rút đơn tố cáo và viết đơn minh giải cho ông, đồng thời, phải cắt đứt quan hệ với bạn trai. Ông còn hứa sẽ lo lắng cho bố con anh Chí một cuộc sống đầy đủ, nếu cùng ông đến một số cơ quan báo chí đang định điều tra vụ việc để tố cáo Hoa có quan hệ với người khác nên đòi ly hôn! Nhưng, vẫn rất thương vợ nên anh Chí đã từ chối.
Tiếng vang âm về sự băng hoại đạo đức vọng về nhức nhối từ câu chuyện đồi bại của vợ chồng bà Lam. Chỉ vì sự ích kỷ và bệnh hoạn, một người cô táng tận lương tâm khi bất chấp hạnh phúc gia đình của cháu gái, đẩy cháu vào hoàn cảnh đau lòng. Một người đàn ông đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ép người khác phục vụ cuộc sống thác loạn của mình. Dư luận lên án, lương tri nổi giận, nhưng đau đớn nhất, xót xa nhất chính là nỗi đổ vỡ ám ảnh nơi những đứa con, khi chúng biết sự thật về bố mẹ–những người mà chúng tưởng là đáng kính trọng