[size=6]Khi xã hội quá phức tạp, người ta bỗng trở nên e dè và có thái độ phòng thủ trước mọi thứ? Phải chăng vì thế mà sự thờ ơ nhân lên gấp bội mỗi khi người ta chứng kiến người khác gặp nạn nhưng dửng dưng không giúp đỡ?[/size]
Năm 2012, hãng khảo sát Quốc tế Gallup công bố kết quả khảo sát về chỉ số cảm xúc của người dân ở 150 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 13 trong danh sách những nước mà người dân có ít cảm xúc nhất.
Theo kết quả khảo sát trên, chỉ có 40% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ trải qua nhiều cảm xúc trong một ngày. Với tỷ lệ này, Việt Nam xếp thứ 13 trong số những nước ít cảm xúc nhất, sau các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Madagascar, Belarus, Nepal… Tất nhiên kết quả này chỉ mang tính tham khảo, nhưng đó cũng là đáp số khiến nhiều người phải giật mình.
Trên Facebook của mình, C.V chia sẻ câu chuyện mất điện thoại khiến cậu bức xúc. Số là đang đứng ngay trước cửa nhà, V bị hai thanh niên đeo khẩu trang giật mất chiếc Iphone 5. Ngõ nhà V rất hẹp, chỉ đủ hai xe máy đi hai chiều, không thể vượt lên dễ dàng nếu không xin đường. Thế nhưng, không một ai tỏ ra để ý đến cậu thanh niên đang hô hoán mệt nghỉ “Cướp! Cướp!”.
V chạy bộ theo hai tên cướp gần 1km, ra đến đường lớn thì cậu hụt hơi và đành nhìn chúng tăng tốc chạy mất. Thất thểu đi bộ về nhà, V chỉ nhận được những ánh mắt tò mò nhưng tuyệt nhiên không ai hỏi han cậu bị giật thế nào, có bị sao không… V chia sẻ trên Facebook về một nỗi buồn khó gọi thành tên, khi cách đấy không lâu, cũng ở cái ngõ này, thấy một chị bị ngã xe ngay trước cửa nhà, V lập tức chạy ra đỡ và dựng xe cho người bị ngã.
Cậu thực sự không hiểu sao mọi người lại vô tâm đến thế, chỉ cần một chiếc xe máy dừng lại là cậu sẽ đuổi kịp hai tên cướp giật. Hay ai đó ném thứ gì ra ngõ, cũng đủ khiến hai kẻ kia ngã xe.
Khi chia sẻ của V được post lên mạng xã hội, có khá nhiều ý kiến trái chiều. Người thì đồng tình lên án sự thờ ơ của phần đông người dân bây giờ. Bên cạnh đó, số khác lại cho rằng sống như thế mới là đúng. Bởi tội phạm hiện nay quá manh động, chẳng phải đã xảy ra nhiều vụ chết oan vì xen vào chuyện của người khác, thậm chí bị hàng xóm đâm chết vì vào can vợ chồng đánh nhau. Rồi làm ơn mắc oán, khi gặp tai nạn, đưa nạn nhân vào bệnh viện lại bị chính người nhà nạn nhân làm phiền, bắt phải chịu trách nhiệm…
Nhiều người dửng dưng khi chứng kiến người khác gặp nạn. Ảnh minh họa.
Khi xã hội quá phức tạp, người ta bỗng trở nên e dè và có thái độ phòng thủ trước mọi thứ. Phải chăng vì thế mà sự thờ ơ càng nhân lên gấp bội mỗi khi vô tình chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, ngã xe ngoài đường nhưng chẳng ai muốn dừng lại giúp đỡ người gặp nạn, một vụ giật túi xách, điện thoại nhưng không ai nhiệt tình chặn cướp, một vụ móc điện thoại trên xe bus nhưng chẳng ai quan tâm, hỏi han, chỉ nhìn nạn nhân như kẻ đáng thương… Chưa nói đến các vụ đánh lộn ngoài đường, cô nữ sinh bị cả chục “nữ tú” khác quây đánh, lột áo giữa một công viên đông đúc, số người xem cứ tăng lên và tò mò hỏi nguyên nhân cô gái ăn đòn, chứ chẳng ai thừa hơi nhảy vào can, hay đưa cho nữ sinh chiếc áo che thân.
Bích Ngọc (nhân viên một rạp phim) kể lại chuyện bị giật hụt túi xách, cũng với thái độ bức xúc. Trên đường đi bộ về nhà, trong một con ngõ nhỏ, hai kẻ đi xe Dream lướt qua giật rất nhanh chiếc túi, nhưng vì hụt tay nên túi rơi xuống đường. Ngọc dù giật mình, vẫn nhanh tay nhặt túi cầm lên. Hai tên cướp chạy đi luôn.
Ít phút sau, chợt nghe tiếng xe máy, vừa ngoái lại, Ngọc nhận ra ngay hai tên cướp và cô hiểu rằng chúng đang quay lại để giật bằng được chiếc túi “hụt”. Linh cảm thấy lần này chúng sẵn sàng “liều ăn nhiều”, Ngọc sợ hãi bước ngay vào hàng phở để né cướp. Lúc này là 9h tối, con ngõ vẫn có người qua lại.
Thế nhưng vừa bước vào và trình bày lý do chứ không ăn phở, lập tức Ngọc bị bà chủ đuổi. “Mình không thể quên được ánh mắt bà ý, hình như sợ 2 thằng cướp vào phá quán hay sao, sợ mình đem đến vận hạn nên đuổi mình bằng được. Thậm chí mình gọi phở cũng không cho ăn. Khách trong quán thì mặc kệ, chỉ nhìn mình chằm chằm”. Cuối cùng, Ngọc bước ra khỏi quán cũng là lúc 2 tên cướp đã đi qua, vì sợ quá nên cô phải gọi anh trai chạy ra đón mà không dám tự đi bộ về nữa.
“Điều khiến mình điên tiết là sáng hôm sau đi qua đây, bà chủ lại hỏi với: Hôm qua có sao không em? Chỉ thiếu nước kêu trời thôi!”, Ngọc bức xúc chia sẻ.
Suy nghĩ “thấy rắc rối tránh xa cho lành” đã và đang khiến những anh hùng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” cảm thấy chùn tay, từ đó hờ hững, thờ ơ với những chuyện không phải của mình. Biết đâu, bản khảo sát “ít cảm xúc” năm ngoái sẽ chạm tới cái đáy vô cảm ở một thì tương lai gần. Và người ta dặn nhau rằng, khi ra đường nên tự giữ cho mình sự an toàn, tự lo cho mình chứ đừng hy vọng vào sự giúp đỡ từ người khác.