Chuyện shock 2011-07-11 16:45:14

Gặp bà lão sống qua 3 thế kỷ-119 tuổi bên phá Tam Giang


Tháng 5/2011 kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận cụ Maria Gomes Valentin, 114 tuổi, người Brazil là người phụ nữ cao tuổi nhất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cụ bà Trần Thị Nguyệt còn có tuổi thọ cao hơn: 121 tuổi.

Sống qua 3 thế kỷ với cơm cá rào

Một bữa bình thường cụ ăn được 2 bát cơm, thức ăn duy nhất từ trẻ đến già là cá của phá Tam Giang, ấy vậy mà năm nay cụ đã 121 tuổi và vẫn còn rất minh mẫn, trong khi đó trong làng cụ, những bậc cụ gọi bằng cháu thọ đến 90 gọi là hiếm.

Từ trung tâm TP Huế hướng về phá Tam Giang khoảng gần 15 cây số, tại thôn Thủy Diện, Phú Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, người dân trong vùng đều biết đến cụ Trần Thị Nguyệt có kỷ lục sống thọ đáng kinh ngạc.

Theo giấy CMND do công an Bình - Trị - Thiên (cũ) cấp ngày 19/9/1979 (số 190606558) thì cụ bà Trần Thị Nguyệt sinh vào năm 1890, nguyên quán ở Phú An, Hương Phú, Bình - Trị - Thiên cũ. Trước đây cụ cùng chồng ở vạn đò trên phá, sau dời về cư trú tại xã Phú Xuân cho đến nay.

CMND cụ Nguyệt do CA Bình-Trị-Thiên cũ cấp

Tiếp chuyện tôi trong ngôi nhà nhỏ bên này phá Tam Giang, ông Đào Văn Doãn, cháu nội cụ cho biết: “Mệ nội lớn lên trên phá, làm đủ việc cực nhọc để mưu sinh nuôi con cháu, nhưng được phúc trời cho đến nay vẫn khỏe mạnh và ít ốm đau”.

Cụ có 5 người con, bốn con trai đều là liệt sĩ trong kháng chiến. Người con gái năm nay cũng đã xấp xỉ 90 tuổi. Hai cụ có tất cả 27 cháu nội ngoại, 16 chắt, hơn 10 chiu.

Chồng cụ, ông Đào Điệt, vừa mới mất đầu năm nay, cũng theo CMND của Công an Bình - Trị - Thiên cấp năm 1979 thì ông SN 1909. Tuy nhiên, theo ông Doãn và nhiều người trong làng được cụ Nguyệt kể lại thì do trốn lính nên cụ Điệt phải khai trụt tuổi. “Thực ra, tuổi của ông cũng phải từ năm 1905 trở về trước”, ông Doãn cho hay.

Hiện tại, cụ Nguyệt đang ở cùng ông Doãn và các chắt. Tuy tuổi tác cao nhưng sức khỏe của cụ khiến ai cũng phải bất ngờ. Hàng ngày, cụ ăn chung cùng gia đình, mỗi bữa khoảng 2 bát, không ốm đau mà còn tự đi lại được, nói năng linh hoạt, việc tắm rửa, vệ sinh cụ tự làm. Đặc biệt hằng ngày cụ vẫn dạo quanh làng xóm thăm thú bà con mà không cần chống gậy.

Bữa cơm của cụ Nguyệt xưa nay rất đơn giản, vài con cá rào (cá trên phá nước lợ) như cá đuối, cá móm, cá ong bầu, nếu có tiền thì mua con cá ngon hơn là cá hanh hay cá dìa và canh rau. Đến nay, tuổi đã cao nhưng khẩu vị của cụ không bao giờ thay đổi. Nhiều người ngạc nhiên trước sức sống của cụ mà không cần đến cao lương mỹ vị, những món bổ đắt đỏ thì cụ hóm hỉnh: “Chắc tại tui không làm điều ác!”.

Cụ Trần Thị Nguyệt và cháu nội Đào Văn Doãn

Nghe ông Doãn giới thiệu có khách, cụ Nguyệt đang nằm nghỉ vẫn gắng dậy và ra ngồi ăn trầu. Khác với những người già tuổi thất thập cổ lai hi, thường bị yếu xương lưng còng phải chống gậy, người cụ Nguyệt vẫn thẳng, việc đi đứng tuy chậm chạp nhưng không lẩy bẩy. “Ông mô đó? (người nào đó?), cụ nhìn sang tôi và hỏi cháu nội.

Những câu trả lời của tôi thường phải hét to lên vì cụ đã nặng tai, nhưng chỉ là những câu chuyện rất gần gũi với ruộng đồng bởi với tuổi cụ, việc tiếp cận với những thuật ngữ của xã hội hiện đại là rất khó.

Rồi cụ gọi chắt mang khay trầu. Theo ông Doãn, năm 35 tuổi, bà nội đã bị rụng răng dần nên từ đó cụ sắm cho mình một chiếc cối giã trầu, đến nay, chiếc cối này cũng đã có hơn 80 năm tuổi.

Bị đổ ớt cay trộn xà bông vào bụng không ít lần

Năm 1994, cụ Nguyệt được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. 4 người con trai của cụ đều tham gia cách mạng từ rất sớm. Cũng vì vậy, những năm còn sống dưới chế độ Ngụy, cụ đã chịu không ít những sự tra tấn dã man của kẻ thù.

Thời đó, công việc chính của cụ là chèo đò và đi buôn rau quả. Có nhiều kỷ niệm được cụ kể lại cho cháu chắt mà không hết rùng mình kinh hãi. Thường cụ thu mua rau quả từ xã Phú Xuân lên Phú An bán. Trong hàng gánh đôi lúc có cả tài liệu. Một lần cụ bị địch bắt khám xét và phát hiện ra, bọn chúng liên tục dùng những thủ đoạn ác ôn và tàn bạo như hòa ớt thiệt cay, trộn với xà bông đổ vào bụng cụ. Chưa hả, chúng còn nhảy lên bụng nhún và làm mọi cách để cụ khai mới thôi.

Cụ còn tranh thủ giúp con cháu quét nhà mỗi khi rảnh rỗi

Biết được 4 con trai đều theo cách mạng, giặc luôn theo dõi và tìm mọi cách hăm dọa để cụ gọi con về. Những lần đưa đò chở cán bộ vượt phá, không biết bao nhiêu tên bay đạn lạc ngang đầu, ấy vậy mà cụ vẫn may mắn thoát chết. Có lúc cụ bị giặc gí súng sau gáy đòi bắn, bị chúng đánh đập gãy mất một xương sườn.

Ăn uống khổ cực, lao lực và bị tra tấn như vậy nhưng cho đến nay cụ vẫn khỏe mạnh và sống thọ thì quả là một điều lạ. Khi tôi đặt vấn đề tỏ ý nghi ngờ thì ông Doãn bảo, những việc này lâu lâu mệ có kể cho chúng tôi, mà cả những lúc đã già như thế này, có hỏi mệ cũng kể lại y như vậy. Người ta thường nói ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ, những chuyện đau đớn như vậy chẳng ai nghĩ mà bịa ra cả!.

Năm 1975, cụ Nguyệt bị địch bắt lên quận Phú Vang tra khảo cả tháng trời. Nhờ có người quen lo lót, cụ được thả về, sau đó 1 tuần thì đất nước giải phóng.

Là người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới hiện nay?

Sách kỷ lục Guiness thế giới từng công nhận cụ bà Gertrude Baines người Mỹ là người cao tuổi nhất thế giới, bà qua đời ở tuổi 115. Sau cụ bà Gertrude Baines, cụ Kama Chien người Nhật Bản ở tuổi 114 cũng được công nhận là người cao tuổi nhất thế giới còn sống. Đến tháng 5/2011 kỷ lục này thuộc về cụ Maria Gomes Valentin người Brazil cũng ở tuổi 114.

Tại Việt Nam, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Viết, (SN 1892, ngụ ấp cả Dứa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, Long An), người được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam đã qua đời ngày 18/6, hưởng thọ 119 tuổi. Thời điểm mẹ Viết qua đời, tỉnh Long An và nhà văn Mặc Tuyền đang trong quá trình hoàn thành thủ tục gửi hồ sơ lên tổ chức kỷ lục Guinness thế giới công nhận cụ là người cao tuổi nhất thế giới.

Ăn trầu là sở thích của cụ Nguyệt

Như vậy, xét theo mốc kỷ lục về tuổi thọ của những người đã được công nhận trên thế giới và xét theo kỷ lục đã được xác lập của trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam thì cụ Trần Thị Nguyệt có số tuổi thọ cao hơn hẳn.

Tuy nhiên, việc xét duyệt của Guinness thế giới về 7 tiêu chí để công nhận kỷ lục của người lớn tuổi nhất như: Giấy khai sinh, bản khai thông tin liên quan giữa người được đề nghị xác lập và những thành viên trong gia đình từ tài liệu gốc như sổ hộ khẩu, ít nhất 3 nhân chứng (nổi tiếng) có thể làm chứng cho tuổi, giấy kết hôn, một trong các giấy tờ liên quan như tại trường học lúc trước, hoặc giấy tờ về nhập cư, hoặc giấy báo cáo điều tra dân số… thì rất khó.

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=r852z8dbaRc
Clip cụ Nguyệt vẫn còn rất minh mẫn tự gọt cau, nhai trầu

Đơn giản là trước đây, Huế- Quảng Trị là vùng giao tranh, các giấy tờ liên quan thường ít được cấp hoặc không nhiều và cụ thể. Gia đình cụ đã di chuyển không ít lần để tránh bom đạn làm ăn, thế nên chứng tờ, sổ sách hầu như không còn.

Hiện chỉ có một chứng cứ tin cậy nhất là giấy CMND do CA tỉnh Bình - Trị - Thiên cũ cấp. Như vậy, nếu có điều kiện để điều tra và xác minh, có lẽ mẹ liệt sĩ Trần Thị Nguyệt bên phá Tam Giang là người cao tuổi nhất thế giới cho đến lúc này.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)