Ở thời điểm hiện tại, số lượng những game online thu phí tại Việt Nam cũng chỉ còn có thể được đếm trên đều ngón tay. Thay thế cho số lượng những game thu phí, từng một thời là những tượng đài của làng game Việt nhờ vào không ít những lợi ích (dĩ nhiên đi kèm bất cập), là những tựa game miễn phí giờ chơi. Để có được doanh thu, những cửa hàng vật phẩm ảo, những gói dịch vụ trong game mà chúng ta thường tạm gọi là VIP, hay thậm chí trong nhiều game có cả hai, cũng buộc phải xuất hiện.
Tranh cãi trong cộng đồng game thủ hoàn toàn không vì thế mà chấm dứt. Những chia sẻ mang tính “kêu ca, phàn nàn” hay tiêu cực hơn là quay lưng lại với tựa game online miễn phí kia vì không ít lý do: Game hút máu, game không có VIP thì khó cày cuốc, đua top, game thủ VIP và game thủ chơi miễn phí không có sự công bằng…
Vấn đề được đúc kết, hoàn toàn không có chuyện game thủ Việt tẩy chay game miễn phí. Như một lẽ dĩ nhiên, chẳng game thủ Việt Nam nào muốn quay lưng lại với những game miễn phí giờ chơi cả. Nếu thu phí, không ít game thủ sẽ mất đi hoàn toàn cơ hội được phiêu lưu trong tựa game họ yêu thích, đơn giản vì lý do tài chính. Thực sự, điều mà game thủ Việt Nam muốn, ẩn đằng sau những nhận định mang tính tẩy chay những tựa game “hút máu”, đó là nhân vật của mình phải thật mạnh, phải thật “imba”, nhưng chỉ muốn mất… ít tiền.
Tiếc thay, điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra, ít nhất là tại làng game Việt.
Tâm lý chung, game thủ đã bỏ tiền vào một tựa game miễn phí sẽ luôn mong muốn nhân vật của mình mạnh hơn hẳn so với những game thủ còn lại, những người “cày chay”. Nắm bắt được tâm lý này, cộng thêm những tính toán của nhà phát hành, hệ thống VIP của những game online miễn phí luôn có chung hai đặc điểm:
Thứ nhất, nó phải đem lại cho game thủ những trải nghiệm mới lạ, giúp việc chơi game trở nên dễ dàng hơn, mà nhân vật vẫn mạnh nhờ những món đồ mang tính ưu tiên đại loại như nhân đôi, nhân ba kinh nghiệm… Mặt khác, để đảm bảo cho doanh thu của NPH, hệ thống VIP cũng phải gây nghiện, khiến cho game thủ có được cảm giác phụ thuộc, khó có thể chơi game một cách thoải mái khi không có hệ thống “ăn tiền” này. Và cứ như thế, nó giống một con dao hai lưỡi cho cả những game thủ lẫn nhà phát hành.
Tranh cãi xảy ra, khi cộng đồng game thủ với khả năng tài chính không lấy gì làm dư dả, có cảm giác bất công khi càng bỏ tiền, nhân vật càng mạnh mẽ, và cuộc chơi của họ lại trở nên khó khăn khi không ít những tính năng trong game bị cắt bỏ. Trong khi đó, những game thủ “nạp tiền đều đặn” cũng chẳng kém cạnh gì với lý luận theo kiểu “tiền ít mà đòi hít của thơm”. Kỳ thực, cả hai phe đều không bên nào đúng, nhưng lập luận của họ không hoàn toàn sai.
Nếu chỉ tập trung vào việc phát triển những tính năng đòi hỏi nạp tiền trong game, mà quên đi cộng đồng game thủ cơ bản vốn tìm đến game như một cách giải trí trong thời gian rảnh, sự mất cân bằng sẽ hình thành, và khi những game thủ kể trên nhận ra tựa game của họ không còn được như trước kia, họ sẽ bỏ game.
Tuy nhiên nếu cố gắng tạo ra sự cân bằng trong gameplay giữa hai cộng đồng game thủ bỏ tiền và chơi miễn phí, nhà phát hành sẽ tự tay cắt đứt nguồn doanh thu của họ. “Nạp tiền hay không cũng đều như nhau cả, vậy thì nạp tiền làm gì? Chi bằng cứ chơi free.” Đó là tư duy của game thủ Việt Nam hiện nay, và cũng là bài toán khó cho tất cả các NPH game Việt Nam.
Kết lại, câu chuyện “tiền ít nhưng đòi hít của thơm” của một bộ phận game thủ Việt Nam sẽ chẳng bao giờ chấm dứt, ít nhất là cho tới khi game online dạng free to play vẫn còn chỗ đứng vững chắc tại thị trường game Việt.
Gamek