[size=4]Đã bao giờ bạn rơi vào một trạng thái “ngạc nhiên đến hào hứng” như thế này chưa: Đang lan man với ly trà mạn, bát phở vỉa hè hay ly cà phê… ở nơi nào đó thì bất chợt bị một, hai thậm chí đến ba cô “bao vây”.
[/size]
[/size]
Họ sẽ “chiếu tướng” bạn, chủ động hỏi chuyện, xin địa chỉ, số điện thoại cá nhân… Những cô gái này đang được giới trẻ “mã hóa” gọi là “gái hàng không”.
Nhưng hãy cẩn trọng. Đằng sau những lời mời gọi dễ dàng của các cô gái là những nguy cơ đang bủa vây. Lúc đó, đã mấy ai cảnh giác mà nghĩ rằng: Tệ nạn xã hội, bóng ma AIDS đang mở ra một cánh cửa “ngọt ngào”…
[size=4]Những cô gái từ… “trên trời” rơi xuống[/size]
Nghe tụi thanh niên phố và cánh bạn chịu chơi nói về hiện tượng “gái hàng không” đã nhiều nhưng tôi không tin lắm. Có thể tôi không gặp cái “may” ấy bởi tôi có một ngoại hình giống công an hơn là… phóng viên. Thế nhưng, điều không thể trở thành có thể ấy xuất hiện khi tôi đến chỗ Thắng ở.
Thắng hiện đang là sinh viên trường T.M, quê gốc ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Không hiểu sao ở cái vùng đất bốn bề là bụi và núi, không có gì nổi tiếng ngoài trái vải ấy, Thắng lại đẹp trai như một người dẫn chương trình trên truyền hình.
Đến khu nhà trọ tồi tàn ở gần làng Hậu (Dịch Vọng- Cầu Giấy- Hà Nội) lúc cuối chiều, thay cho giàn hoa tigôn thơ mộng dạo nào là chiếc dây phơi dài ngoẵng, trên đó lõng bõng những “phụ tùng” của cánh nữ.
Căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2, trên chiếc phản của Thắng đã là hai cô gái với bộ cánh khá “mát mẻ” đang ngả ngốn nằm. Chiếc bàn đối diện,Thắng đang đốt thuốc với manh quần đùi trễ ngang hông.
- Thi hết rồi mà chưa về nhà à? Tôi lên tiếng hỏi Thắng.
- Em cũng định về – Thắng giãi bày- nhưng hai con bé này nó “đeo” ác quá!
- Bọn nó là ai vậy?
- À hai con “gái hàng không” ấy mà!
Hay quá, “buồn ngủ gặp chiếu manh”, tôi vào chuyện với một đề tài ấp ủ. Theo Thắng thì nó gặp hai “gái hàng không” này trong một lần mất ngủ, cùng đứa bạn đi uống rượu ốc trên đường Láng. Rượu chưa hết nửa chai thì hai đứa xuất hiện. Nó bảo Thắng cho đĩa ốc. Thấy hai con bé cũng xinh, trai chưa vợ có rượu, Thắng lên giọng đùa. Hai con bé phớt lờ luôn. Mới đầu thì ý nhị, sau thì tục tĩu, hai con bé cũng làm thinh, không chút phản ứng. Theo Thắng đĩa ốc gọi thêm và nửa chai rượu còn lại cạn thì bọn nó đã thoải mái “bốc xôi” hai con bé ấy.
Tưởng “cuộc tình” có tốc độ ngang tên bắn ấy chỉ đến thế là cùng, không ngờ lúc Thắng đứng dậy, hai con bé cũng dậy theo. Thắng đùa rủ chúng về phòng trọ, hai con bé ấy đi thật. Thế là chẳng bảo ai, chúng trở thành “vợ chồng” từ bữa ốc đó.
Bốn con người, hai trai hai gái ấy đã “tự nguyện kết hôn” với nhau từ bữa ấy. Tối thì chung giường, sáng Thắng và cậu bạn đi học hai đứa ấy ở nhà cơm nước, giặt giũ.
Cái gì dễ cho thì dễ chán, “lương sinh viên” nhận hàng tháng từ gia đình có hạn nay phải chia cho 4 đứa nên bọn Thắng đói và nợ. Đứng trước cuộc “tình cho không biếu không” này, tuy còn ham hố nhưng để an toàn về tài chính thằng bạn Thắng đã cao chạy xa bay. Vì “chậm chân” nên Thắng bị kẹt lại.
Mấy lần Thắng lấy cớ từ chối thì hai con bé ấy tỉnh bơ: Địa chỉ gia đình bọn anh em đã có đủ rồi đấy! Bỏ là em khắc tìm về nhà, “ăn ở” với nhau đến thế mà chả có “trách nhiệm” tý nào. Nếu cần, anh cứ về, bọn em sẽ ở lại. Hết hè, tụi anh xuống, chúng mình lại là “vợ chồng”. Thật căng quá!
Không như suy nghĩ của tôi, hiện tại, “gái hàng không” ở Hà Nội không còn là hiện tượng cá biệt. Chỉ cần hơi bảnh trai, sống có chút công tử, muốn khám phá bạn hãy chịu khó lang thang ở thành phố vào những giờ khuya nhất là gặp. Các địa điểm hay vướng “gái hàng không” nhất là sàn nhảy, quán bar hay các đường phố có nhiều nhà hàng như Bưởi, Hàng Chuối, Láng…
Cũng về “gái hàng không”, trong một lần đi taxi miễn phí do đứa bạn bao, thú thực lúc ấy cũng có chút bia rượu, tôi đã mạnh dạn lên tiếng hỏi một xế. Tưởng sẽ không hy vọng cho một câu trả lời thì anh taxi dễ dãi: Trông tớ nhàu nhĩ thế này mà còn lạ lẫm với “gái hàng không” à? Bây giờ người ta đã quá quen “gái hàng không” như dân mình quen xem phim văn nghệ chủ nhật ấy. Ông có cần, ngày mai cứ đút tiền vào túi, phôn theo số máy này, tôi sẽ kiếm cho một bé.
Rồi như để có thêm minh chứng, anh tồng tộc: Với cánh xế chúng tôi bây giờ ngoài sợ cướp, sợ khách bùng tiền còn sợ cái nạn “gái hàng không”. Chẳng đâu xa, ngay như tối hôm kia thôi, đang đậu xe ở khách sạn Hà Nội chờ khách thì có một con bé đi tới. Tôi mở cửa xe cho nó lên rồi hỏi đi đâu thì nó bâng quơ: Anh đi đâu, em đi đấy. Biết gặp “gái hàng không”, tôi chỏng lỏn: Anh về nhà. Nó cũng trắng trợn: Em cũng về nhà anh. Tôi cảnh cáo: Anh có vợ rồi. Nó cũng hồn nhiên: Có thì em làm vợ lẽ… Đấy, “gái hàng không” đại loại là như vậy. Mà cái chuyện này không riêng gì tôi, cánh xế đồng nghiệp cũng rất hay gặp như vậy.
[size=4]Hiểm họa từ sự dễ dãi bung ra[/size]
Đem hiện tượng “gái hàng không” đi “làm quà” để kiếm thêm tư liệu cho bài viết, ngoài những chuyện vô thiên lủng về nó tôi cũng được một người có tuổi làm công tác xã hội cho biết: Lực lượng “gái hàng không” được xuất phát từ nhiều nguồn.
Ngoài những “nguồn” như chán gia đình đi hoang cặp với một ai đó để kiếm chỗ chui ra chui vào và miếng ăn hớp nước hàng ngày, gái gây án trốn án, cave hết “đát” bị các nhà hàng thải ra thì cái đáng chú ý nhất là gái mắc “ết”. Đây là nguồn cung cấp lớn cho cái gọi là “gái hàng không”.
Anh lý giải: Tôi chú ý và khẳng định “nguồn này” bởi khi mắc đại dịch, nếu không được tư vấn quản lý, giáo dục nó sẽ đem đến cho người bệnh tâm lý chán chường. Ngoài một cuộc sống lay lắt thì chúng còn xác định đi “cho tình” để… gieo bệnh trả thù đời.
Hôm nọ ở quận X mới bắt được một gái loại này, đang sống chung với một viên chức. Vì cô ta bị cho là có dính tới nghi án ở tỉnh Y nên đã bị an ninh quận mời ra để xác minh. Qua khai thác, cô ta cho biết, đã nhiễm “ết” và việc tự biến mình thành “gái hàng không” cho viên chức kia cũng chỉ là kiếm chỗ ăn ở và… trả thù đời.
Vẫn cái gọi là “tình cho không biếu không” của “gái hàng không”, bữa nọ, sang trường L, dự đám sinh nhật của mấy cậu bạn trẻ gần nhà, tôi cũng gặp chuyện mủi lòng.
Bữa sinh nhật đang vui, vô tình tôi đem chuyện “gái hàng không” ra dò hỏi, thấy cả đám in lặng. Biết có chuyện chẳng hay, tôi cũng yên lặng và ra về khi rã đám. Thế rồi chính T, người hay sang chỗ tôi chơi đã kể với tôi về một chuyện buồn của cậu bạn cùng nhóm.
Cậu trai kia tên H. nhà ở quê biển Hải Hậu. Là sinh viên trường K. vì theo giấy gọi nhập trường đợt hai nên cậu ấy đã phải ra ngoài thuê nhà. H. học giỏi, hiền lành, các bạn trong lớp quý lắm. Vì có chí tiến thủ cậu ta đã đăng ký thêm một lớp học tin tại trung tâm nọ. Thế rồi định mệnh đã đến với cậu ta trong một đêm khi cậu ta rời trung tâm và gặp phải một “gái hàng không”.
Tuy già hơn cậu nhưng bị nó “tấn công”, dễ dàng quá thế là cậu “mủi lòng” chặc lưỡi chở nó về phòng trọ. Lại cho và nhận, lại đi chợ giặt giũ và cơm nước, cậu ta sống như vợ chồng với nó hơn một tháng. Thế rồi bỗng dưng nó bỏ cậu “lặn” một mạch không thèm lấy một thứ gì. Sau thời gian “sum họp” có “đôi có lứa”, nó đi cậu lại chấp nhận “cô đơn tạm thời” với lớp, trường, sách, vở.
Chuyện chẳng sao nếu như không có lần cậu ta lên Bắc Ninh dự đám cưới chị gái đứa bạn. Hoá ra nó là bạn đồng lứa với chị của đứa bạn. “Một ngày nên nghĩa”, lâu ngày gặp lại, cậu ta hồ hởi thì nó lại lánh mặt. Dò hỏi thì cậu ta được biết hoá ra nó bị mắc “ết” và thường xuyên vắng nhà trong năm.
Trước, hồi học sinh nó khá xinh, tham dự cuộc thi quan họ cấp huyện được giải nhì. Vừa xinh, vừa có giải, nó có tiếng và bị cánh trai huyện nhà cũng như huyện bạn tăm tia. Bố mẹ không bảo ban, nó không kìm được thế là “ăn trái cấm” ở bờ đê với một thằng chơi nhất huyện.
“Nắp cô ca” bị bật, thằng kia đá, nó lại lao vào vòng tay thằng khác, liên tục như “quả bóng” trong các mùa giải. Rồi mắc “ết”. Bệnh bị phát hiện trong một lần cấp cứu khi ốm. Những người làm xét nghiệm không giữ mồm, chuyện vỡ ra, nó “choáng”, bỏ học rồi đi làm cave. Cave chán, nó “quyết định” trở thành “gái hàng không” để trả thù đời biến nhiều người thành nạn nhân trong đó có cậu H đã kể ở trên…
Vấn nạn “gái hàng không” chắc còn phức tạp, dài dòng và là chuyện có thật. Ngoài phản ánh một thực trạng, người viết mạn phép có lời cảnh báo bằng một câu nói: Tất cả mọi dễ dãi đều dẫn đến bi kịch và bi kịch lớn nhất là sự dễ dãi trong ái tình. Đừng dễ gật đầu, đừng dễ đón nhận trước lời gạ mời về dâng hiến nhân phẩm của một cô gái nào đó nhất là nơi quán xá, hè phố lúc về khuya.
Sưu tầm