Sáng sớm hôm sau, Tuấn mới mò về phòng trọ với bộ dạng mệt mỏi. Thứ bảy nào cũng thế, Tuấn đều “overnight” với em út. Hắn kể: “Sống ở đời phải biết tận hưởng các thú vui, đần như mấy thằng mày thì còn gọi gì là cuộc đời tươi đẹp. Mấy em xinh tươi xin chết dại gì không cho chết. Toàn “hàng free” không à”.
Ảnh minh họa
“Hàng free” theo lời hắn chính là mấy em cùng cơ quan hoặc dân văn phòng thuộc cơ quan khác. Tại sao hắn gọi là “hàng free”? Hắn từng giải thích và lên lớp cho mấy thằng bạn thân về nghệ thuật “cưa gái” không tốn nhiều tình phí. Cứ nhậu lai rai, hắn lại mang các chiến tích của mình ra kể, nào là: Em Hồng, em Thúy, em Hạnh… Một loạt cái tên đẹp hắn kể ra nghe cũng thấy thèm! Mỗi cái tên gắn với một cuộc tình mưa gió, thoảng qua của hắn. Tuấn quơ tay, múa chân: “Hàng free là hàng không mất tiền mua, miễn phí hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Loại hàng này an toàn hơn, ít bệnh tật và dễ kiếm”.
Dễ kiếm vậy sao? Miễn phí nữa chứ? Tôi nghe mà thấy tức cười, lẽ nào con gái nhà người ta giờ còn mất giá hơn cả cái cô nàng trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân? Hắn tiếp tục bài ca với giọng lè nhè:“Mấy em ở chỗ tao làm máu me lắm, dễ dụ dỗ. Cứ thử vuốt ve, hơi sàm sỡ một chút khi bông đùa mà mấy em ấy không nói gì là có thể tiến hành cưa cẩm, gạ gẫm. Tao đảm bảo chẳng mấy hôm là ngấm đòn rồi chịu đòn. Mấy em đó còn gì nữa đâu mà lo mất trinh tiết. Mấy năm đại học chẳng sống thử, góp gạo ăn cơm chung với vài thằng rồi ấy chứ. Mình thèm thì mấy em cũng thèm, quan trọng là chúng mày phải biết khêu gợi”.
Ảnh minh họa
Vậy ra, dễ kiếm là vì lý do mấy em không còn gì để mất nữa. Đúng là một lối suy nghĩ bệnh hoạn. Tôi nổi da gà với những lời hắn thốt ra. Cuộc sống và những giá trị đạo đức nếu theo lời hắn thì đảo lộn hết rồi còn gì?
Chưa hết, hắn còn bật mí: “Hàng free này còn có thể trao đổi, bán kèo lại cho những tay chơi khác khi mình chán”. Chiêu này độc, độc theo đúng nghĩa của nó. Hàng free có thể tái sản xuất, cũ với người này mới với người kia. Có lẽ nào lối sống kiểu Tây đã biến chất hơn khi xâm nhập vào Việt Nam? Tôi cứ mãi suy tư, trăn trở về lối sống thiếu lành mạnh của Tuấn. Khuyên ngăn nhiều không được, đành chịu. Sẽ có ngày Tuấn hiểu ra, sự thỏa mãn về thể xác và những niềm hoan lạc không thể kéo dài. Lối sống đó không được chấp nhận với số đông cộng đồng còn lại.
Sinh ra, lớn lên mỗi người đều hình thành nhân cách sống cho mình. Một nhân cách méo mó, một tâm hồn lệch lạc sớm muộn cũng bị đào thải. “Hàng free” phải chăng đang trở thành xu hướng không chính thống tại chốn được coi là văn minh, nơi tập hợp những người tri thức? Câu hỏi này chỉ những người trong cuộc mới có thể trả lời một cách chính xác.