Gã có tên đầy đủ là Cao Mạnh Cường, 37 tuổi, quê xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cách đây hơn chục năm, gã phiêu dạt vào Hà Tĩnh, quen và kết hôn với cô gái quê Trần Thị Hiệp, xã Đức Long, huyện Đức Thọ.
Sau đó cả hai đưa nhau về sống tại xã Đức Lạc, mở quán bán tạp hóa cạnh cung đường sắt ga Đức Lạc mưu sinh, chắt chiu hạnh phúc.
Gã bảo, cũng vì nhà nghèo mà phải lưu lạc kiếm sống, làm đủ thứ nghề trên mỗi chặng đường lang bạt kỳ hồ của mình. Năm 1998, trong khi đang làm phu hồ tại xã Đức Long, số phận thương tình, run rủi thế nào đã cho gã gặp Hiệp, một thôn nữ duyên dáng.
Thế rồi tình yêu đến như điều tự nhiên nhất, với lại trai chưa vợ, gái chưa chồng, tình cảm bén duyên nhau âu cũng là lẽ thường. Cũng vì nghĩ đơn giản như thế nên khi thấy đôi trẻ yêu thương nhau, bố mẹ Hiệp đã vui vẻ tác hợp, gả con gái cho gã mà không đưa ra bất cứ đòi hỏi về lễ nghĩa nào.
Gã mừng rơn khi bỗng dưng có vợ. Còn mừng hơn bắt được vàng khi mà bố mẹ vợ còn cho vợ chồng gã mảnh đất mặt đường ở ga Đức Lạc để dựng nhà, làm quán tạp hóa bán mấy đồ hàng lặt vặt cho khách đi tàu.
Phạm nhân Cao Mạnh Cường.
Cuộc sống coi như thế là viên mãn. Liên tiếp vài năm sau đó, lần lượt 2 đứa con, đủ nếp tẻ ra đời càng củng cố thêm mái ấm hạnh phúc ấy. Khi con trai út được 3 tuổi, vợ chồng gã thuận tình cho gã đi xuất khẩu lao động tại Malaysia để kiếm thêm đồng vốn.
Nhưng cuộc đời vốn không như trông đợi, gã đi mang theo một khoản nợ kha khá, trong khi công việc nơi xa xứ không ổn định, đồng lương phập phù đã khiến cho giấc mộng xuất ngoại đổi đời tàn như bọt biển.
Ngày gã về lại quê nhà, mang theo một nỗi thất vọng chán chường, cùng với đó là những âu lo có thực về đồng tiền bát gạo. Lúc bấy giờ, việc kinh doanh cũng gặp khó, kèm theo khoản nợ vay chưa trả hết khiến cho vợ chồng thường xảy ra bất hòa, cãi cọ nhau.
Mọi bi kịch cũng xuất phát từ những bất hòa tưởng như nhỏ nhặt ấy
Cuối năm 2010, khi mâu thuẫn vợ chồng xem chừng không thể nào giải quyết được, vợ gã đề nghị ly hôn. Sau phút hoang mang, gã chấp thuận ký vào đơn ly hôn.
Không ràng buộc nhau về mặt pháp lý, nhưng về tình, vẫn còn hai đứa con chung, với lại gã không nhà, không người thân ở nơi xa xứ như thế này, nên hai vợ chồng vẫn sống với nhau dưới một mái nhà.
Ban đầu là tự lập với nhau trong sinh hoạt, nhưng về sau thấy gã thui thủi một mình vật lộn với bát đĩa, xoong chảo, vợ gã thương nên nấu cho ăn. Sau nữa, vì tiền học, tiền ăn, tiền sinh hoạt của con cái nên gã bàn với vợ cùng phụ nhau trông quán, bán hàng.
Nên dù không là vợ chồng trên mặt pháp lý nữa, thì gã và vợ vẫn còn nặng nghĩa ân tình nhiều lắm.
Cũng vì nặng nghĩa phu thê mà khi thấy gã chểnh mảng làm ăn, sa đà vào cờ bạc rượu chè, vợ gã, không biết vì bản năng của một người phụ nữ hay vì tương lai của con cái, đã lập tức can gián. Có điều, đôi khi sự can thiệp ấy hơi quá đà, hoặc không đúng chỗ, đánh vào chỗ yếu của người đàn ông, ấy là tính sĩ diện, nên đã xảy ra chuyện xấu.
Tựa hồ như bát nước đầy một khi đã hắt ra đất, chẳng thể nào đong đầy lại được. Gã, cũng chỉ vì cơn sĩ diện khi bị vợ hờ làm xấu hình ảnh trước mặt bàn bè mà ra tay lấy oai, chỉ một cú đấm, nhưng đã cướp đi sinh mạng người vợ.
Ngày 22/10/2011, tầm 4 giờ chiều, gã đang ngồi đánh bài ăn tiền với 3 nhân viên cung đường sắt ga Đức Lạc thì chị Trần Thị Hiệp chạy sang kêu gã về phụ mình đi chở hàng cho khách. Đang say sưa, gã không chịu về.
“Vợ” gã, nhấm chừng cũng bực mình vì trưa nay, bên nhà ngoại có việc sửa sang lại mộ phần cho ông bà nhưng gã cũng không về, nên đã đá thúng đụng nia. Đoạn, chị ta bảo nếu không về thì đưa tiền để tự mình đi lấy hàng.
Nghe vậy, gã hậm hực móc túi đưa mấy trăm ngàn cho Hiệp, rồi ngồi xuống tiếp tục cuộc vui. Người đàn bà này, dường như cơn tức vẫn đang chẹn ngang cổ họng nên trước khi về còn ném lại cho các bạn bài của gã một câu, đại loại là “lần sau mấy thằng đường sắt có đánh bài thì đừng gọi chồng tao sang nữa”.
Bị xúc xiểm, dù không nhằm vào mình nhưng gã nổi máu khùng, đứng phắt đậy vơ cái gạt tàn thuốc bằng thủy tinh ném về phía vợ nhưng chị Hiệp tránh được. Chiếc gạt tàn vỡ tan tành. Cả nhóm thấy vậy liền giải tán.
Ra đến sân, cơn tức vẫn còn hừng hực bốc hỏa, thấy vợ ngoay ngoảy định ra về, gã lao theo dùng tay đấm mạnh vào phía sau gáy "vợ". Cú ra tay quá mạnh và bất ngờ làm cho chị Hiệp không kịp phản ứng, quỵ xuống ngất xỉu tại chỗ.
Trong khi gã hậm hực bỏ về nhà thì hai nhân viên đường sắt đỡ người đàn bà này vào trong phòng xoa dầu nhưng không tỉnh. Khi đưa đến bệnh viện thì nạn nhân đã tử vong.
Tại biên bản giám định pháp y số 88 của Công an tỉnh Hà Tĩnh, kết luận nạn nhân Trần Thị Hiệp chết do ngoại lực tác động mạnh vào vùng phía sau dái tai phải gây trật đốt sống cổ số 3. Với hành vi giết người này, gã bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 10 năm tù, thụ án tại trại giam Xuân Hà (Bộ Công an).
Gã đối diện với tôi trong căn phòng nhỏ. Dáng người lam lũ, nụ cười hiền khô. Thoạt nhìn gã, tôi lại liên tưởng đến một anh nông dân hiền lành hơn là phường buôn gian bán lận. Gã kể lại chuyện vợ chồng lục đục suốt mấy năm trời, rồi chuyện ra tay giết vợ mà cứ ráo hoảnh như không.
Dĩ nhiên, tôi biết, không phải vì gã không biết ăn năn với lỗi lầm quá khứ, mà bản chất con người gã vốn hiền lành, cục mịch và cù lần như thế. Một thân một mình lập nghiệp nơi quê vợ, gã biết ơn người đàn bà của cuộc đời mình nhiều lắm.
Cũng chính người phụ ấy đã mang đến cho gã những cảm xúc có thực của cuộc sống vợ chồng. Vui buồn, hờn giận, ghen tuông, cãi cọ, chia sẻ… Nhưng, theo như gã thì buồn nhiều hơn vui, đau khổ lấn át hạnh phúc.
Vui với nhau được mấy năm đầu, đến từ sau khi gã đi xuất khẩu lao động về, bi kịch gia đình thực sự âm ỉ rồi bùng nổ.
Đầu tiên là việc vợ gã nằng nặc đòi gã đi xuất khẩu lao động lần thứ hai. Nhưng đã từng kinh qua, gã hiểu thế nào là nỗi cơ cực tủi nhục xứ người nên không đồng ý. Vợ gã làm mình làm mẩy đòi tự mình đi, gã kiên quyết không cho.
Cứ như thế mỗi lần thiếu tiền, vợ gã lại mang chuyện đó ra chì chiết. Khi quyết định ký vào đơn ly hôn, gã bảo, cũng gần như tự tay đấm vào ngực mình, nhưng đó là giải pháp cuối. Thế nhưng, bi kịch không ai đoán định được trước vẫn cứ xảy ra.
Dù chia tay, nhưng gã biết, vợ vẫn còn yêu thương mình nhiều lắm. Bằng chứng là các bữa ăn đều chuẩn bị các món ngon cho gã, quần áo gã đều do một tay vợ sắm.
Cũng bởi vì còn quá nặng nghĩa nặng tình nên khi thấy gã lân la đến mấy điểm đánh bài ăn tiền, chị ta đã làm ầm lên. Không yêu nữa, thì hà cớ chi người ta làm vậy?
Giờ đây, án 10 năm, đường về còn tít mù xa. Gã bảo, hôm rồi nghỉ hè, hai đứa có vào trại giam thăm bố. Nhìn chúng tíu tít mà gã quặn thắt tâm can. Con bé đầu năm nay đã bước sang tuổi 13, phổng phao, xinh đẹp, biết nghĩ trước nghĩ sau.
Hôm xảy ra án mạng, gia đình bên ngoại làm mọi chuyện ầm ĩ lên. Về sau, mọi người hiểu ra nên đã cưu mang hai đứa trẻ. Hiện hai đứa ở với hai ông bà nội ngoại khác nhau, cháu lớn ở Đức Lạc còn cháu nhỏ ở với ông bà ngoại ở xã Đức Long.
Cứ mỗi lần nghĩ về hai đứa con, nước mắt gã lại chảy dài, chỉ mong thời gian ngắn lại để trở về tại lỗi với chúng.
Trước khi khép lại cuộc trò chuyện buồn, tôi hỏi gã có nhắn nhủ điều gì với người thân, gã cười ngờ nghệch, bẽn lẽn. Chuyện xảy ra cũng đã xảy ra rồi, có muốn cũng không cứu vãn được nữa. Những ngày trong trại giam, đã ân hận, day dứt, đã phát cuồng, rưng rưng đổ lệ.
Mọi người, ai hiểu hẳn cũng đã cảm thông, còn ai ghét bỏ hận thù gã, gã cũng đành cúi đầu ngậm ngùi chấp nhận. Gã chỉ có một ước mong cháy lòng, luôn thường trực, là hai đứa trẻ được bình yên, được sống trong vòng tay yêu thương của bạn bè và thầy cô.
Có như thế, mỗi ngày đi qua sau song sắt với gã không còn là một chuỗi ngày dài đằng đẵng. Gã cũng bảo, muốn thắp một nén tâm hương lên mộ người quá cố để thay lời xin lỗi mà chưa có dịp. Sau này, khi chấp hành xong án phạt tù, nhất định gã sẽ làm thế.
Tĩnh Nhi
Nguồn : Phunutoday