[justify](BongDa.com.vn) - Dòng thời gian trôi mãi trôi, chẳng khác gì nước chảy qua cầu. Và không ai có thể tắm mãi trong một dòng sông. Vẫn chân cầu ấy, nhưng dòng sông hôm nay đã khác dòng sông hôm qua, lại càng khác hẳn với dòng sông thời đó. Bài viết này như một chút hoài niệm về một thời quá khứ, tuy rất gần, nhưng đã xa…
[size=2]
[/size]EURO & World Cup ngày ấy
Năm 1986, cả nước mới bắt đầu rục rịch mở cửa, World Cup Mexico 1986 cũng là kỳ World Cup đầu tiên được trực tiếp truyền hình toàn giải. TV thời ấy hầu hết vẫn còn là TV trắng đen, và phong cách xem bóng đá thưở ấy cũng khác hẳn bây giờ
Argentina vô địch World Cup 1986. Ảnh: Internet. |
Một đặc trưng lớn nhất chính là việc “coi ké”, do không phải nhà nào cũng có TV, nên trước những sự kiện thể thao đình đám như EURO hay World Cup, cả xóm, cả khu phố thường tề tựu về ngôi nhà của một ông hàng xóm tốt bụng nào đấy. Cửa mở toang ra, phòng khách rộng được trải một hàng dài vài chiếc chiếu hoa cho đám thanh thiếu niên ngồi hàng “tiền đạo”, kế tiếp là một loạt ghế đẩu (không có lưng dựa) dành cho các bậc đàn anh trung niên lớn tuổi hơn vào vai “tiền vệ”. Sau cùng là khoảng chục chiếc ghế dựa “hậu vệ” được dành riêng cho quý ông có tuổi, hoặc vai vế hoặc uy tín nhất. Những chiếc trường kỷ, đi-văng cũng được trưng dụng như… ghế xúp. Cuối cùng là những kẻ hết chỗ, phải đeo bám ngoài chấn song cửa sổ!
TV thời ấy ngon nhất cũng chỉ là TV 21 inch trắng đen mà thôi! Chủ nhà điệu nghệ, trước giờ bóng lăn nửa giờ còn cho cả con em đi mời những người máu mê trái bóng tròn, mời tận nhà, mời từng nhà. Không để sót một “danh thủ” nào. Trong khi đó, bà chủ nhà thường chuẩn bị sẵn sàng trà nước, cà phê, đậu phộng rang, đôi khi lại bồi dưỡng thêm cho nồi cháo gà, hoặc cháo trắng ăn với dưa mắm, củ cải muối. Giữa 2 hiệp, khi cầu thủ giải lao, cũng là lúc bà con chòm xóm sì sà sì sụp bát cháo nóng hổi. Tuy đơn sơ mộc mạc mà thấm đẫm nghĩa tình.
Hàng xóm láng giềng tụ tập bình luận rôm rả, reo hò vang lừng giữa đêm hôm khuya khoắt, sôi nổi và háo hức theo từng đường bóng lăn, đặc biệt trong các trận có “quái kiệt” Maradona thi đấu. Không quên được hình ảnh Josimar hậu vệ phải của Brasil, đi bóng như một con báo đen sút tung lưới Ba Lan trong trận thắng 4-0. Cũng không thể quên được hình ảnh Brasil của Zico, Socrates bị đội Pháp của Platini loại ở tứ kết năm đó.
Hai năm sau, EURO 1988, hoạt cảnh cũ lại trở lại, nhưng bây giờ đã có TV màu 14 inch. Màn hình nhỏ hơn, nhưng màu sắc thì linh động hơn TV trắng đen 2 năm về trước nhiều. Không có những quái kiệt Nam Mỹ ở giải đấu này, nhưng những người Hà Lan bay như Gullit, Van Basten, Rijkaard, Koeman… cũng đủ thổi bừng lên những niềm đam mê liên miên bất tuyệt.
Thuở ấy yên bình lắm, khung cảnh mà tôi đề cập đến trong bài này, không phải là ở nông thôn hẻo lánh, mà là ở phường 12 quận Gò Vấp, TP HCM - một khu vực đã đô thị hóa. Đêm ra khỏi nhà tụ tập xem đá banh, chỉ thuận tay khép hờ cánh cửa, buộc khẽ bằng một cọng dây điện cho gió khỏi thổi mở toang ra mà thôi, chứ hầu như không phải lo lắng chuyện trộm cướp, hiếp dâm như bây giờ…
EURO & World Cup bây giờ
Cuộc sống tiến lên, bây giờ hầu như nhà nào cũng có TV màu, truyền hình phẳng, không ai còn phải đi coi ké bóng đá nhà người khác nữa. Tệ nạn xã hội cũng lộng hành, khác hẳn những năm xưa, nên nhà ai nấy đóng cửa cho thật kín, chẳng ai muốn ra khỏi nhà vào ban đêm nữa. Việc xem bóng đá “một mình” đã trở nên phổ biến.
Tây Ban Nha vô địch EURO 2012. Ảnh: Internet. |
Bên cạnh TV màu là những chiếc tủ lạnh đầy ắp thức ăn, máy lạnh điều hòa không khí thoáng mát, chủ nhà ngồi một mình lặng lẽ trước màn hình vĩ đại. Âm thanh mở thật nhỏ hoặc chỉ mở vừa phải để không làm phiền hàng xóm. Những cảm xúc mãnh liệt trước các đường bóng hay tuyệt cũng phải dồn nén hết vào trong, có ai bên cạnh đâu mà chia sẻ hay cộng hưởng? Tóm lại, tiện nghi nhiều hơn, thoải mái nhiều hơn, nhưng ngược lại, cũng buồn nhiều hơn!
Không còn cái cảnh hàng xóm tụ tập bù khú nghĩa tình như thời xa xưa nữa… Có còn chăng là cảnh tụ tập của các bạn trẻ ở những quán café trực tiếp bóng đá: Vui vẻ có, sôi nổi có, nhưng vẫn thiếu đi cái khung cảnh “tam đại đồng… khán” (3 thế hệ ông, cha, con cháu cùng xem).
Ấy là cuộc sống tiến lên, ấy là nước chảy qua cầu. Cái gì mất là đã mất hẳn, không bao giờ còn trở lại nữa. Những dòng tản mạn này được ghi lại như những hoài niệm khó quên của một thời đã xa mà thôi… Vẫn chân cầu ấy, nhưng dòng nước thì đã khác vậy!
(Bạn đọc: Đông Hưng)
[/justify]