[justify]Với tổng chi phí dự tính ban đầu vào khoảng 65 tỉ USD, tuyến đường dài 110km nối tiểu bang Alaska của Mỹ với vùng Siberi của Nga sẽ trở thành đường hầm dài nhất thế giới, hơn gấp đôi kỷ lục hiện hữu 53,9km của đường hầm Sakan (Nhật Bản), thậm chí còn vượt cả tuyến hầm huyền thoại Gotard dài 57km xuyên rặng Alpes sẽ được người Thụy Sĩ khánh thành đầu năm 2017.[/justify]
Phác thảo đồ họa mạng đường sắt thuộc tuyến hầm Siberi - Alaska dài nhất thế giới. |
[justify]Đường hầm nối Siberi với Alaska có thể đảm nhận tới 3% lượng hàng hóa cần luân chuyển trên hành tinh, góp phần hoàn vốn sau 30 năm vận hành. Các chuyên gia dự tính nếu được khởi công ngay từ bây giờ, công trình ngầm kỷ lục sẽ được hoàn thiện chí ít sau hai thập niên nữa. Chỉ riêng phần lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cũng mất 2 năm cùng khoản kinh phí 120 triệu USD.[/justify]
[justify]Vấn đề tài chính là trở ngại lớn nhất cho việc thực thi công trình. Về phần mình Chính phủ Nga sẽ tham gia góp phần vốn đáng kể, với điều kiện các nhà đầu tư quốc tế phải cam kết rằng sẽ không biến công trình đầy tham vọng thành dự án "treo". Đồng thời phải được sự đồng ý của các quốc gia quản lý phần lãnh thổ mà tuyến đường hầm đi qua, cụ thể là ngoài Nga và Mỹ ra còn phải thêm Canada nữa.[/justify]
[justify]Diễn đàn nói trên kết thúc bằng bức công hàm gửi tới chính phủ các nước Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), đề nghị các bên hữu quan lưu tâm xem xét tuyến hầm như là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế. Công hàm sau đó cũng được đệ trình lên Hội nghị Thượng đỉnh G-8 nhóm họp tại Berlin (Đức).[/justify]
[justify]"Ngoài ý nghĩa tạo ra sự thông thương giữa vùng bán đảo cực đông Chukota của Nga với bán đảo Alaska, Mỹ, là một nguồn lợi kinh tế hiển nhiên. Chính tuyến đường hầm mới sẽ mở đường cho việc khám phá những nguồn tài nguyên tiềm ẩn bên dưới lòng đất "ít dấu chân người" - Wolter Hikel, cựu Thống đốc tiểu bang Alaska của Mỹ nhận định - đồng thời cho phép kiến tạo tuyến đường sắt liên lục địa dài 6.000km nối London với Moskva và Washington, góp phần vận chuyển nguồn tài nguyên dồi dào từ Siberi vượt qua eo Bering, nơi nhiệt độ khắc nghiệt của mùa đông thường xuống -40oC, tới các vùng đông dân ở Bắc Mỹ đang khát năng lượng".[/justify]
[justify]"Đây là một trong số ít dự án mang tính hữu hiệu nhằm thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của cả vùng Viễn Đông", Victor Razbegin, Phó cục trưởng Cục Khảo sát Kỹ nghệ thuộc Bộ Kinh tế Nga cho biết. Còn George Kumel, Tổng giám đốc Tập đoàn Interhemispheric Bering Strait Tunnel & Railroad Group, một công ty phi chính phủ tham gia đấu thầu trực tiếp công việc xây dựng tuyến đường hầm kỷ lục lại ví von: "Ngay từ thời xa xưa người dân đôi bờ Bering cứ réo gọi nhau bởi mãi gián đoạn… Giờ đây chỉ cần giơ tay ra là thổ dân Alaska có thể nắm được tay cư dân Chukota rồi".[/justify]
[justify]Thật ra ước vọng nối phương Đông với phương Tây đã có từ lâu. Nikolai đệ nhị, vị vua cuối cùng của triều đại Sa hoàng từng ấp ủ cho một con đường nhằm tiếp cận vùng Alaska vốn giàu tài nguyên - miền đất mà nước Nga "lỡ bán" cho người Mỹ hồi năm 1867.[/justify]
[justify]Nhưng rồi hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX đã cản trở ý tưởng đồ sộ ấy, để đến thế kỷ XXI này, vì chiến lược phát triển kinh tế lâu dài ắt người ta sẽ biến giấc mơ đó thành hiện thực[/justify]