> Tướng Nhanh phản đối đề xuất tiêu hủy xe đua/ Bộ trưởng Giao thông đề nghị tiêu hủy xe đua[/size]- Xin ông cho biết, theo các văn bản pháp luật hiện hành, hành vi đua xe trái phép được quy định như thế nào?
- Các hành vi đua xe trái phép, tổ chức đua xe trái phép hay cổ vũ đua xe trái phép được quy định trong chương 19 Bộ luật Hình sự (Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng) và Nghị định 34 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tức là có hai hình thức xử lý hành chính hoặc hình sự.
Theo điều 37, Nghị định 34, đua môtô trái phép bị phạt 10-20 triệu đồng, đua ôtô bị phạt 20-30 triệu đồng, tổ chức đua xe phạt tối đa 40 triệu đồng… Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch là thu phương tiện vi phạm (trừ súc vật kéo, cưỡi) khi đua xe trái phép.
Điều 206, 207 của Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội tổ chức đua xe và đua xe trái phép.
Một tay đua trên cầu Thủ Biên. Ảnh: Ngoan Ngoan. |
- Rõ ràng các vụ đua xe trái phép và số người đua xe trái phép là một vấn nạn, xảy ra thường xuyên, đặc biệt ở TP HCM nhưng những vụ được đưa ra xét xử thì rất ít. Việc không đưa ra xét xử cho thấy kỷ cương pháp luật chưa được thực hiện nghiêm. Vì thế, đua xe tiếp tục xảy ra.
Mặt khác, việc quy định đua xe trái phép bằng cả nghị định hành chính lẫn luật hình sự dẫn đến sự không thống nhất trong xử lý. Cùng một hành vi nhưng có nơi xử theo luật hình sự, nhưng có nơi chỉ phạt tiền. Nếu không sửa luật thì phải có hướng dẫn rất cụ thể là tổ chức đua xe trái phép ở mức độ nào thì chịu trách nhiệm hình sự, còn tổ chức đua xe ở mức độ nào thì chỉ xử phạt hành chính.
Nhưng theo tôi việc quy định như vậy không nên. Để áp dụng thống nhất, người tổ chức đua xe và người tham gia đua xe luôn luôn phải xác định là tội phạm, chỉ có xử lý hình sự thôi, không đặt vấn đề xử hành chính như vậy mới có thể chấn chỉnh trật tự trị an.
- Ông có thể nói cụ thể hơn một số kiến nghị sửa đổi?
- Trước hết, theo tôi cần thống nhất coi đua xe trái phép là tội phạm chứ không phải là tệ nạn. Các quy định pháp luật của ta còn quá nhẹ, thiếu thống nhất. Ví dụ, điều 207 Bộ luật Hình sự gộp chung tội đua ôtô và xe máy nhưng như thế không thỏa đáng, vì đua ôtô nguy hiểm hơn rất nhiều so với đua xe máy. Ở đây, cần sửa theo hướng tách đua ôtô và các phương tiện tương tự, đua xe máy và các phương tiện tương tự, có như vậy mới xử lý, trừng trị được.
Quy định trong điều 207 cũng quá nhẹ. Bản chất của hành vi đua xe là đã gây nguy hiểm cho xã hội rồi, phải xử lý hình sự ngay khi có hành vi đua xe chứ không chờ người ta đua rồi mới bắt. Xử phạt phải có tính răn đe, ngăn chặn, tránh đuổi theo hành vi.
Điều 207 cũng quy định người đua xe gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác thì phạt tù 2-7 năm trong khi điều 202 quy định đối với người điều khiển vô ý gây hậu quả tương tự có thể phạt tù 6 tháng tới 5 năm. Ở đây hai hành vi khác nhau hoàn toàn về bản chất: đua xe là bên cố ý, có tổ chức vì không ai đua một mình; hành vi trong điều 202 là đơn lẻ, vô ý. Tuy nhiên hình phạt không chênh nhau bao nhiêu. Như vậy, cần tăng hình phạt với tội đua xe trái phép để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Theo Nghị định 34, có quy định phạt tiền 30-40 triệu đồng với hành vi tổ chức đua xe trái phép. Tôi cho rằng, hành vi này không thể nào thuộc diện xử phạt hành chính được mà dứt khoát phải coi là tội phạm. Vì người tổ chức đua xe là chủ thể quan trọng, gây ra hậu quả lớn. Chính họ là người tạo ra các cuộc đua xe trái phép, nếu không có họ thì các cuộc đua xe không xảy ra hoặc xảy ra ở mức độ hạn chế.
Trong Bộ luật Hình sự cũng không quy định việc tịch thu xe tham gia đua xe trái phép, như vậy là bất hợp lý. Tức là nếu một người nào đó đua môtô, ôtô thì chỉ bị phạt tù, hình phạt bổ sung là phạt tiền chứ không bị tịch thu xe, rất bất hợp lý. Vi phạm hành chính còn có thể bị tịch thu xe thì không lý do gì vì phạm hình sự không bị tịch thu xe. Vì vậy tôi kiến nghị sửa luật hình sự theo hướng, người đua xe trái phép thì bị tịch thu xe.
- Nhưng rất nhiều người đua xe trái phép sử dụng xe của người khác, trường hợp này sẽ xử lý thế nào?
- Đúng là đa số vụ đua xe, xe máy, môtô đứng tên người khác. Theo luật hiện hành, phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, chỉ tịch thu nếu xe đó của chính người đua xe trái phép. Đây là kẽ hở của pháp luật khiến người đua xe nếu sử dụng xe người khác thì không bao giờ bị tịch thu, chỉ bị phạt tiền. Nhưng trong trường hợp họ không có tiền thì pháp luật không có cách gì xử lý được họ.
Theo tôi, nên sửa theo hướng như sau, cứ xe được sử dụng đua trái phép thì phải bị tịch thu. Trường hợp nếu chủ phương tiện giao xe cho người khác mà biết người sử dụng xe để đua thì xử là đồng phạm hình sự về tội đua xe.
Nếu người giao xe không biết người sử dụng xe để đua thì vẫn tịch thu xe và tòa án dành quyền khởi kiện người đua xe. Đây là một vụ xử dân sự riêng, dành cho chủ xe quyền khởi kiện để yêu cầu người đua xe có trách nhiệm bồi hoàn lại giá trị chiếc xe cho chủ phương tiện. Nếu ai đó có xe, giao cho người khác thì họ phải kiểm tra người mượn có dùng xe của mình để đua không. Tôi cho rằng, biện pháp này sẽ có hiệu quả làm giảm bớt tình hình đua xe trái phép, ngăn ngừa việc giao xe, cho mượn xe tùy tiện. Nhóm vị thành niên đua xe chiếm tỷ lệ rất lớn nhưng xe không thuộc sở hữu của họ, nếu quy định như vậy, sẽ hiệu quả cao hơn.
Luật sư Vũ Tiến Vinh. Ảnh: N.H. |
Tôi cho rằng, xe đua nhưng vẫn là phương tiện có giá trị sử dụng chứ không như ma túy hay phim ảnh đồi trụy mà ta phải tiêu hủy. Ta còn nhiều người không có xe, nhiều gia đình xe là tài sản duy nhất, lớn nhất thì không lý do gì ta tiêu hủy, đó là sự lãng phí tài sản xã hội. Cách tốt nhất vẫn là tịch thu, xử lý phương tiện đó theo quy định pháp luật, có thể là bán đấu giá, hoặc là cấp cho người có nhu cầu xe mà khó khăn.
Ngoài ra, tiêu hủy chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, còn người đua vẫn đua. Tịch thu với hủy là như nhau, cùng tước đi quyền sử dụng phương tiện thì càng không lý do gì ta tiêu hủy. Ta tịch thu là đủ để răn đe rồi. Mất xe buộc người có ý định đua xe phải mua xe khác mới đi được.
Ở đây có một câu hỏi đặt ra là đối với những xe "độ", nếu không tiêu hủy sẽ dễ trở lại đường đua. Theo tôi, xe mà đã độ, không đảm bảo các yếu tố an toàn, vi phạm quy định luật giao thông đường bộ, vi phạm quy định hoán cải thì tiêu hủy. Còn những xe không có sự thay đổi, còn nguyên so với thiết kế của nhà sản xuất thì chỉ tịch thu, vì tiêu hủy là gây lãng phí xã hội.
- Ngoài việc răn đe bằng quy định pháp luật, ông đề xuất giải pháp gì để xóa nạn đua xe trái phép?
- Tôi thấy ở các nước có tổ chức đua xe hợp pháp, ta nên tìm hiểu điều này. Ở VN chỉ có ở TP HCM, nhưng Hà Nội chưa thấy tổ chức ở đâu cả. Tuy nhiên, đua xe trong TP HCM còn đơn giản, chỉ đua vòng tròn nhàm chán, không tạo cho họ cảm hứng như ở trường đua nên thanh niên không tham gia, tìm địa điểm khác để đua.
Thanh niên có đam mê tốc độ, có nhu cầu thì chắc chắn sẽ tìm đến đua xe. Chúng ta nên tổ chức đua xe hợp pháp, tạo sân chơi cho người đam mê tốc độ cao.
Khoản 1, điều 207 (Bộ luật Hình sự - Tội đua xe trái phép): Người nào đua trái phép ôtô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Điều 37: Xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép: 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép; b) Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông. 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ. 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép. 4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép. 5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy mà chống người thi hành công vụ; b) Tổ chức đua xe trái phép. 6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: vi phạm điểm b khoản 1 Điều này bị tịch thu phương tiện vi phạm (trừ súc vật kéo, cưỡi); vi phạm khoản 3, khoản 4, điểm a khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe. |
Nguyễn Hưng thực hiện