Có lẽ họ muốn biết là vì sao Huế lại được gọi là đất Thần Kinh, vì sao nhắc đến Huế là nhắc đến xứ mộng mơ, xứ của những khoảng trầm mặc, của sự nhẹ nhàng pha chút gì đó ướt át nhưng rất đỗi thân thương…
Một góc cảnh đẹp ở xứ Thần Kinh. |
- Thưa anh! Vì sao đất Huế gọi là đất mẹ Thần Kinh?
- Vì Huế là đất Kinh Thành và nhiều điều Thần Bí ghép lại mà thành xứ Thần Kinh.
- Huế có gì gọi là thần bí?
- Từ từ anh sẽ biết.
- Vì sao gọi là Huế mộng mơ? Tôi có thấy nó mơ mộng lắm đâu?
- Từ từ anh sẽ biết. Tui chở anh qua mấy địa dạnh ni, đảm bảo anh sẽ thấy mơ mộng, ở luôn không muốn về…
Đi đâu?
Xích lô chở dọc Đại Nội, ngắm vẻ uy nghi pha chút trầm mặc được giới thiệu là dinh thự của vua chúa thời xưa. Trong cái quang cảnh rộng bao la với bao điều cần khám phá khi nhìn từ ngoài vào, lòng thấp thỏm sợ ngày mai sẽ không còn… nơi để thăm phá nên tự dặn lòng đành để dành cho hôm sau.
Chạy thêm chừng 5 cây số nữa để đến với chùa Thiên Mụ - ngôi chùa tọa lạc bên dòng Hương thơ mộng. Ghé chùa Thiên Mụ để nghe sự tích lời nguyền lứa đôi, để hiểu được nỗi sợ 'me mé' trong lòng những đôi yêu nhau lại không dám đến. Nhưng đâu đó trong cái lo âu ấy, trong khung cảnh thanh tịnh của ngôi chùa vẫn có những đôi bạn nắm tay nhau cầu xin trời phật ban phước lành và nỗi mừng vui khi lời nguyền được xóa bỏ…
Thắng cảnh không thể bỏ qua khi du lịch Huế - Chùa Thiên Mụ. |
Đến với Hòn Chén tháng 3, tháng 7 âm lịch mới cảm nhận được không khí lễ hội từ lễ hội dân gian thờ và rước Thánh Y Ana. Lễ hội được mệnh danh như một Festival trên dòng Hương…
Lên đỉnh cao mới thấy vẻ uy nghi của Hòn Chén. Ảnh: Wiki |
Trong khung cảnh thơ mộng và quyến rũ của sắc nước hương hoa, khách hành hương ngỡ mình như đang lạc vào tiên cảnh, khiến họ quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố. Dặn lòng bớt mơ mộng chút để trở về thực tại, để dâng nén hương tâm linh cho vị vua quá cố tài hoa…
Vẻ thơ mộng của lăng Tự Đức khiến không ít du khách như bị "thôi miên'. |
Đến Huế còn nhiều nơi để chơi, nhiều cảnh đẹp để ngắm, nhưng đi một buổi chiều rồi nên cũng cần chốn ăn uống, nghỉ ngơi. Trong cái thanh mát của chiều thu, người phu xe quệt mồ hôi vật vả vì nửa ngày lội đường xa xôi, người khách bụng cũng cồn cào đói:
- Thưa anh. Chúng ta dừng ở đâu ăn cơm là ngon nhất?
- Rứa anh nghe câu: "Ăn cơm Âm Phủ ngủ khách sạn Thiên Đường chưa?"
Dứt câu, người lái xe nhiệt tình lăn bánh. Chiều Huế chốc đó đã tim tím, buồn buồn cái điệu buồn khó tả. Mơ hồ nghĩ, chợt lòng lắng đọng những cảm xúc khi ngắm những cô nữ sinh tan trường với tà áo trắng tinh khôi, thi thoảng nghe đôi câu "răng tê mô rứa" thiệt nhẹ nhàng, dễ mến. Chốc phút mơ hồ, xe đã đến nơi. "Huế coi bộ mà nhỏ hỉ" - Giỡn đôi câu giọng Huế cho người lái xe vui cười, bớt mệt.
Cơm âm phủ hóa ra là tên của một loại cơm ở quán Âm Phủ. Dĩa cơm coi vậy mà cầu kỳ đến lạ! Từ màu sắc đến cách trang trí thức ăn trên dĩa phảng phất nét gì đó rất tinh tế, sang trọng. Bên cạnh dĩa cơm đầy hương sắc là chén nước mắm đặc trưng của Huế. Đúng là dân Huế ăn cay, để khách phương Nam vừa ăn vừa hít hà… Có lẽ chén nước mắm cay ấy chỉ thích hợp cho con người nơi đây, bởi hằng ngày vẫn thấy nó hiện diện trên mâm cơm của những người bạn quê ở Huế…
Món cơm âm phủ khá cầu kỳ với nhiều nguyên liệu. |
Kết thúc bữa cơm, người khách bông đùa: "Vậy giờ anh dẫn tôi đi ngủ khách sạn Thiên Đường sao?". Người lái xe im lặng, lái xe chừng 3 phút đến khu vực trung tâm thành phố, nơi những ánh điện đã lên đèn. Thành phố Huế bỗng dưng khác lạ, nhộn nhịp và sôi động đúng chất một thành phố. Trong phút ngỡ ngàng, người lái xe chỉ chỏ: "Đấy! Những tòa nhà cao chót vót quanh đây, những khách sạn giá bình dân có, sang trọng có, tùy anh chọn đấy. Còn nếu muốn ở khách sạn Thiên Đường, tôi sẵn sàng chở anh đi".
Chào tạm biệt người lái xích lô nhiệt tình vui tính, làm thủ tục chọn phòng nhanh gọn, nhấc máy gọi mấy đứa bạn ở Huế vừa đi làm về lai rai. Sau những giờ vui vẻ, dạo bờ cỏ dọc cầu Tràng Tiền, dừng chân ngắm vẻ thơ mộng của dòng Hương. Đang mải mê ngắm cảnh đẹp, bạn bè đứa nói một câu mà lòng đầy hứng khởi:
- Mi đi nơi mô rồi? Mai tau chở mi đi phá Tam Giang, đi biển Thuận An, biển Lăng Cô… Mi muốn đi mô cứ nói. Huế thiếu chi nơi để đi.
Phá Tam Giang mang tính “biểu tượng” về môi trường sinh thái của Thừa Thiên - Huế xưa và nay. |
Hóa ra Huế còn lắm nơi để đi, lắm thứ để ăn và lắm điều để nói, để nhớ, để chờ… Hơn 2 ngày ở lại Huế, sao có thể cảm nhận được tất cả những nét đẹp của Cố đô. Đành hẹn Huế vào một dịp khác vậy!
Thành phố Huế. |