Những bài viết trong cuộc thi Entry hay của bạn về đời sống quanh ta do báo TT&VH tổ chức vừa được NXB Trẻ tập hợp in thành sách có tên Chân ngắn thời hiện đại
.
Đọc Chân ngắn thời hiện đại, với những trang viết ngắn gọn (dài nhất chưa đến 10 trang khổ 12x20cm) nhưng đầy hàm xúc. Độc giả của blog hay của báo TT&VH sẽ gặp lại nhiều “giọng văn” quen thuộc, mỗi giọng văn thể hiện một câu chuyện, tính cách, góc nhìn… về cuộc sống.
Chân ngắn thời hiện đại lấy từ entry Vì em là một cô gái chân ngắn thời hiện đại! của tác giả Kim. Tuy entry này không đoạt giải Cuộc thi, nhưng thú vị không phải vì nói chuyện chân ngắn, chân dài, mà bởi nó đã khái quát được nét đẹp, sự hấp dẫn của nữ giới đâu chỉ thể hiện ở… đôi chân. Ở Chân ngắn thời hiện đại, còn có nhiều sự ngẫu nhiên, như sự ngẫu nhiên của 2 blogger danh tiếng - nhà báo kỳ cựu Huy Đức và nhà văn Nguyễn Quang Lập cùng kể chuyện tình đầu cực kỳ… “có duyên”. Mỗi “entry” trong cuốn sách như một cánh cửa mở ra thế giới thông qua “bộ lọc” của các tác giả thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp trong xã hội. Có thể nói, Chân ngắn thời hiện đại giống như một bản giao hưởng của cuộc sống chất chứa nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Cuốn sách trình bày trang nhã với sự minh họa các bài viết của họa sĩ Lê Trí Dũng.
TT&VH đã trò chuyện với ông Nguyễn Trương Quý - cán bộ biên tập NXB Trẻ, người đã tập hợp bản thảo làm nên cuốn sách này.
* Từ một cuộc thi của báo TT&VH, hẳn anh phải theo dõi cuộc thi này khá kỹ mới đề xuất NXB Trẻ đầu tư để in thành sách. Anh có thể phát biểu quan điểm cá nhân khi biên tập Chân ngắn thời hiện đại?
- Phải nói rằng, thực ra tôi mong đợi những entry sát sườn về các vấn đề của cuộc sống được dư luận quan tâm. Song độ lùi của thời gian biên tập khiến tôi thấy điều phải chấp nhận là: trên mạng thì các vấn đề được quan tâm và phản hồi là những vấn đề “nóng”, còn đưa vào sách thì cảm giác của người đọc sẽ khác. Cuốn sách hay là nhờ các bài viết đã kể được những câu chuyện lạ lùng nhưng không “đánh rơi cái tứ” như rất nhiều entry chúng ta viết bâng quơ trên blog của mình.
Những entry được chọn lọc đưa vào tập sách là những gì khá điển hình cho tâm lý cộng đồng. Điều khó của người viết blog khi mang ra tham dự một cuộc thi và hơn nữa là công khai với cộng đồng là làm sao tìm được sự chia sẻ của người khác. Nhật ký cá nhân trở thành nhật ký cộng đồng sẽ rất hay khi buộc con người phải nhìn lại mình ở những thói xấu, để họ không thờ ơ với nhau, từ những điều như ứng xử sao cho tử tế đến những mối quan tâm lớn tới vận mệnh đất nước.
* Có hơn 800 entry đã in trên các ấn phẩm của TT&VH, cuốn sách chỉ còn khoảng 80 bài. Anh thấy “độ dày” như vậy là đủ hay NXB Trẻ còn phải “thăm dò” bạn đọc để mạnh dạn in những tập tiếp theo?
- Đây chắc chắn không phải là cuốn sách tập hợp các entry đầu tiên, vì thế chúng tôi muốn chọn được những bài đứng được lâu dài, đồng đều chất lượng để thành một bữa cỗ thú vị. Như tôi đã nói, đọc trên sách có cảm giác không giống như đọc trên blog và cũng không như đọc trên báo. Sự ngắn gọn trên blog và trên báo không hẳn đã là tốt trên sách, nơi người đọc khắt khe hơn về tính văn chương cũng như tầm ý nghĩa. Chọn được 1/10 để in cũng đã là thành công. Tuy vậy, độ dày 320 trang của cuốn sách trong tình hình xuất bản hiện nay là con số phù hợp. Cá nhân tôi thích cầm một quyển sách dầy vừa phải với đủ chuyện vui buồn, ngồi đâu đọc cũng được.
* Năm ngoái (2008), NXB Trẻ cũng xuất bản cuốn sách Tình cơm bụi - truyện cực ngắn – chủ yếu tập hợp những bài viết trên chuyên mục Muôn màu cuộc sống của TT&VH. Xem ra những cuộc thi hay chuyên mục trên báo TT&VH không dừng lại ở giá trị có tính thời sự, mà nó có sức sống lâu bền hơn nên NXB Trẻ mới đầu tư in thành sách? Anh thấy điều này có đúng không?
- Để nói một cuốn sách có sức sống lâu bền, chắc phải có thời gian dài hơn. Thường các tác giả nếu đã có ý thức viết thành sách, tư duy của họ sẽ khác, trau chuốt và chú ý cách kể hơn. Tuy nhiên, các chuyên mục hay cuộc thi lại có sự va đập với đời sống, gãi đúng chỗ ngứa của bạn đọc báo nên hấp dẫn và gây chú ý rộng rãi, điều mà với số lượng in vài ngàn bản khó lòng đạt được. Hy vọng rằng cuốn sách cũng có được sự may mắn như vậy. Một cuốn sách với đa dạng suy nghĩ và gần trăm câu chuyện thực sự là một bức tranh thu nhỏ của xã hội bây giờ. Nhiều cuốn sách như vậy của một thời đã trở thành tư liệu quý giá của thời sau.
* Xin cảm ơn anh!
Thanh Kiều (thực hiện)