Phương Tây: từ tình dục “lộ diện” tới đồng tính “lộ diện”
“Cách mạng tình dục” là phong trào chính trị xã hội diễn ra vào quãng những năm 60, 70 của thế kỷ trước ở các nước phương Tây. Phong trào này đã thay đổi nhận thức xã hội, tạo ra những chuẩn mực mới trong hành vi tình dục của con người, đặc biệt là giới trẻ. Một trong những lĩnh vực có sự đổi thay lớn là đồng tính luyến ái.
Nguyễn Văn Dũng, người đã công khai giới tính của mình qua cuốn tự truyện “Bóng” vừa xuất bản.
Nhận thức thay đổi từ cuộc “cách mạng tình dục” những năm 60, 70 đã tạo ra một “nền văn hóa yêu đương” mới, nhiều quan niệm cũ bị coi là khắt khe, thậm chí đạo đức giả. Những thay đổi trong nhận thức ở Phương Tây cũng đã lan sang nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có các quốc gia Châu Á.
Nhà sử học David Allyn cho rằng cách mạng tình dục là giai đoạn “lộ diện”, nghĩa là tất cả những gì liên quan tới thể xác bị coi là nhạy cảm, không nên nhắc tới nay được bàn luận, trao đổi một cách công khai.
Một số những lĩnh vực đã có những thay đổi theo hướng công khai hóa từ giai đoạn đó tới nay là: tình dục cởi mở trong và ngoài hôn nhân, công khai các biện pháp tránh thai và thuốc tránh thai, công nhận những ấn phẩm có hình ảnh gợi cảm như PlayBoy, tự do phá thai, chấp nhận hôn nhân giữa các chủng tộc khác nhau, sự phát triển của nữ quyền.
Trong số các lĩnh vực được cởi mở hơn sau cuộc “cách mạng tình dục” trên không thể không kể tới quan hệ đồng giới. Người đồng tính “lộ diện” ngày càng nhiều hơn, công khai thể hiện khuynh hướng luyến ái khác biệt của mình. Ở nhiều quốc gia, các nhóm đồng tính phát triển mạnh và họ thường tiến hành những hoạt động xã hội như tuần hành đòi quyền bình đẳng, chống kỳ thị.
Giai đoạn người đồng tính đứng lên công khai thể hiện quyền bình đẳng diễn ra đúng vào thời điểm cuộc cách mạng tình dục bùng nổ ở thế giới phương Tây, nghĩa là vào những thập niên 60, 70. Từ đó cho tới nay, hiện tượng đồng tính luyến ái đã được công khai thảo luận và không còn xa lạ ở hầu hết các quốc gia trong thế giới văn minh.
Tuy nhiên, ngay cả ở những nước phương Tây “cởi mở” nhất thì quan niệm về hiện tượng đồng tính luyến ái vẫn không “cởi mở” hoàn toàn. Đa số các quốc gia không ủng hộ hiện tượng này, không chấp nhận hôn nhân đồng tính và vẫn coi đồng tính là hiện tượng bất thường. Không ít nhân viên Việt Nam sang nước ngoài công tác, thường thuê chung một phòng khách sạn cho hai người đàn ông ở để tiết kiệm, và tất nhiên, họ nhận được những ánh mắt và cử chỉ kỳ thị từ chính những nhân viên khách sạn đó.
Sở dĩ như vậy bởi văn hóa phương Tây ảnh hưởng mạnh bởi đạo Cơ Đốc. Tôn giáo này coi đồng tính luyến ái như một tội lỗi bởi Chúa chỉ sinh ra đàn ông hoặc đàn bà chứ không có một giới tính nào ở giữa. Các nước Châu Á ngược lại bị ảnh hưởng khá nhiều bởi đạo Khổng, triết lý khuôn mẫu của Khổng giáo tất nhiên không chấp nhận những hành vi tình dục đồng giới. Lẽ đương nhiên, đồng tính chưa bao giờ được ủng hộ ở cả Tây lẫn Đông, thậm chí còn bị kỳ thị mạnh ở những quốc gia Hồi giáo, khép kín.
Việt Nam: từ im lặng tới cất lên tiếng nói
Tại Việt Nam, cuốn tự truyện “Bóng” mới được xuất bản gần đây của Nguyễn Văn Dũng, một nhà hoạt động xã hội vì người đồng tính hé lộ nhiều sự thật xung quanh chủ đề giới tính thứ ba. Dũng lý giải trong cuốn sách của mình lý do tại sao đồng tính bỗng xuất hiện như “nấm sau mưa” trong xã hội hiện đại và khẳng định đó không phải là “căn bệnh” thời “no cơm ấm cật”: “Những con người ấy trong xã hội vài chục năm trước vẫn phải cố khép mình, nhận chìm những nhu cầu để sống. Còn bây giờ, khi cuộc sống thay đổi và cách nhìn về người đồng tính cũng dần bớt đi sự khắt khe theo thời gian, họ đã có nhiều hơn cơ hội để sống theo đặc điểm giới tính của mình.”
Cuốn tự truyện “bom tấn” này do hai nhà báo Hoàng Nguyên - Đoan Trang chấp bút có thể coi là dấu mốc quan trọng, bởi nhấn mạnh thông điệp và tiếng nói của người đồng tính. Các tác phẩm văn học và điện ảnh trước đó đều mang tính giải trí và hư cấu ít nhiều nên vẫn chưa tạo ra được sức ảnh hưởng thật sự. Qua cuốn tự truyện, người đọc nhận thấy rằng cộng đồng giới tính thứ ba ở Việt Nam khá mạnh với nhiều câu lạc bộ từ bắc tới nam. Hoạt động chủ yếu của họ là tuyên truyền phòng chống AIDS, giáo dục giới tính cho người trong giới, sinh hoạt văn nghệ, tạo ra môi trường chia sẻ trong cộng đồng.
Dũng và một trong số những bạn tình của mình
Thông điệp mà người đồng tính chia sẻ trong cuốn sách này cũng như qua nhiều hoạt động khác đầy sức lay động:
“Đồng tính không lây. Không có virus đồng tính luyến ái!
Đồng tính không phải một căn bệnh. Xin đừng xem chúng tôi như những con bệnh.
Đồng tính không phải sự đua đòi, cũng không phải hậu quả của bản tính ủy mị, yếu đuối, kém bản lĩnh.
Đồng tính giống như một điều hết sức tự nhiên ở con người. Giới tính là một dạng lỏng, không thể đưa nó vào khuôn khổ.”
Thông điệp ấy gợi nhớ tới hai câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ người Anh vô danh. Hai câu thơ bênh vực cho thuyền trưởng Nicholas Nicholls, người đã bị xử tử vì quan hệ đồng giới vào năm 1833. Đó có lẽ là lời tuyên ngôn đầu tiên bảo vệ người đồng tính trong lịch sử nhân loại:
“Những ham muốn đến từ đâu, ngập tràn và mạnh mẽ?
Chẳng ảnh hưởng tới ai, sao nỡ bảo rằng sai?”
Trong thế giới đồng tính ở Việt Nam đã không ít người công khai thừa nhận giới tính thứ 3 của mình, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến nhạc sĩ Thái Thịnh và ca sĩ Thiên Đăng.
Ca sĩ kiêm người mẫu Cindy Thái Tài cũng đã tuyên bố sau khi phẫu thuật từ nam thành nữ: “Không cần thiết sửa lại giới tính thì không ai ngu dại leo lên bàn mổ” và “Tôi điều chỉnh lại giới tính chứ không phải chuyển đổi”.
Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8 về xác định lại giới tính cho phép những người bị khiếm khuyết về giới tính được chuyển đổi giới tính được coi là nghị định đầu tiên dành cho những trường hợp khuyết tật bẩm sinh về giới tính hay chưa phân biệt được là nam hay nữ được quyền điều chỉnh.
Làn sóng ủng hộ những người đồng tính được sống đúng với giới tính của mình ở Việt Nam đã thực sự bắt đầu.