Theo thống kê của văn phòng tham vấn Hồn Việt, trong năm 2006, trung bình mỗi tháng tiếp nhận trên 10 ca tham vấn về đồng tính cho tuổi vị thành niên, chiếm 10% số ca tham vấn. 8 tháng đầu năm 2007 con số này đã tăng gấp đôi tại Hồn Việt.
[size=1]Các chuyên viên tâm lý đang bàn về vấn đề đồng tính trong trường trung học hồi tháng 11.[/size]
Thường những ca tham vấn về vấn đề giới tính mà Trung tâm tham vấn Hồn Việt hay gặp là các bạn nam, ở tuổi teen (13-17 tuổi).
Chuyên viên tư vấn tâm lý đài 1080 Cần Thơ, Ngô Thành Thuận cho biết, mỗi tuần có 2 - 3 ca tư vấn về đồng tính. Thường các em đều hốt hoảng hoặc tìm cách để người xung quanh chấp nhận mình.
Sống với dân đồng tính
Cô học trò lớp 12 một trường ở quận 5 gọi điện đến với nhà tư vấn, khóc lóc: "Bạn trai con là gay. Nhưng con chưa chắc chắn lắm. Cô làm ơn chỉ cho con cách nào để chứng minh bạn ấy là gay không?"
Số là, cô bé đã cặp với anh bạn cùng trường gần 1 năm nay. Nhưng không hề mảy may nghi ngờ về những lệch lạc giới tính của bạn, mặc dù thấy nhiều bạn bè vẫn trêu người yêu mình là… pêđê.
Chỉ cách đó một tháng, cả nhà đi vắng, cô bé rủ bạn trai tới nhà chơi. Và cô bé bất ngờ vì bạn trai mình không có ý định chạm đến người mình. Tìm hiểu với các bạn trai cùng chơi với người yêu thì cô bé được các bạn "bật mí": anh chàng ấy đồng tính.
A. và V. cùng quê lên ở trọ tại TP.HCM. A. có điện thoại và thỉnh thoảng V mượn để nhắn tin cho bạn bè. Bất ngờ, một buổi tối, A. đọc được 1 tin nhắn khá mùi mẫn gởi cho V. qua máy mình. A. tưởng là người yêu của V. nhắn tin nên có ý trêu chọc.
Nhưng rồi A phát hiện người nhắn tin đầu kia không phải là 1 girl mà là boy. A tá hỏa, gọi lại số điện thoại để kiểm tra thì bên kia: "Alô, Tuấn nè!".
Những tin nhắn mà A. còn lưu lại cho biết cậu bạn của A. đang sống trong thế giới thứ 3. Và đã có vài cuộc tình với những người ở thế giới này.
Một giảng viên đại học đang phải đau đầu với cậu học trò ngoan của mình. Từ đầu năm học, giảng viên này đã phát hiện ra tài năng nơi cậu SV năm nhất. Và cũng muốn đào tạo thêm cho cậu nên thỉnh thoảng bắt học trò làm những bài tập khó hơn, nhưng giảng viên này đã phải… chạy trốn học trò.
Giảng viên P. kể: "Khi phát hiện ra học trò mình bị đồng tính, tôi đã tìm cách để uốn nắn em, nhưng bất lực. Khi bị tôi từ chối, sinh viên này đã lấy việc học ra để mặc cả, nếu tôi không đáp lại tình cảm thì em ấy sẽ nghỉ học và tự tử. Tôi đã một phen hú vía, phải tìm đủ mọi cách để em ấy chăm chỉ học hành trở lại. Nhưng có một khoảng cách gì đó giữa thầy và trò. Tôi luôn cố gắng không để em hiểu lầm là mình cũng có tình cảm với em."
Cũng là giảng viên P nhận xét: "Nếu không bị đồng tính, đây là một sinh viên có tố chất và sau này sẽ là một tài năng trong làng bác sỹ."
Ứng xử thế nào?
Khi biết bạn mình là gay, A. lâu lâu lại trêu bạn. Hoặc có những cử chỉ nhại lại các động tác mà những người ở thế giới này hay dùng. A. không hề có cảm giác là mình đang làm cho bạn khó xử. Đến khi không chịu được, V. đã chuyển nhà đi và sống với những người cùng hội với mình.
Mặc dù là giảng viên nhưng anh P vẫn thấy bối rối khi bị nam sinh viên tỏ tình. Anh chia sẻ: "Nếu không phải là sinh viên của mình, tôi sẽ cho một bài học rồi. Nhưng…thật sự là tôi không biết làm gì để "cứu" em ấy".
Riêng với các bậc phụ huynh thì… thật sự sốc khi phát hiện con mình là đồng tính. Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Hồn Việt cho biết: "Đa số các em tới tham vấn tâm lý tại Hồn Việt là do cha mẹ đưa tới.
Cha mẹ thường đưa con tới tham vấn trong một tâm trạng suy sụp vì sốc, vì thất vọng, có bà mẹ đã khóc ngất với tôi, khi biết rõ vấn đề của con mình. Cho nên cha mẹ đóng vai trò quan trọng khi con báo tin nó là người đồng tính. Thái độ đón nhận của gia đình, người thân, của cha mẹ là cực kỳ quan trọng. Nếu cha mẹ giữ được bình tĩnh, tìm cách thấu hiểu và hỗ trợ con thì sẽ tác động tốt."
Theo các chuyên viên tâm lý, các bạn teen bị đồng tính thường có tâm trạng hoang mang, cô độc, mất cân bằng tâm lý. Đối với nhiều trẻ vị thành niên, những năm đầu trung học là thời gian khủng hoảng, hoang mang, tự tìm kiếm một căn cước cho chính mình. Nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong thời điểm này, mà những người trẻ phải đối diện, do đó phụ huynh đóng vai trò rất cần thiết và quan trọng trong việc cung cấp cho con mình hướng đi cũng như cố vấn và hướng dẫn con giai đọan bước vào tuổi trưởng thành.
Chuyên viên tư vấn Ngô Thành Thuận cho hay: "Trẻ vị thành niên khi phát hiện mình là người đồng tính đa phần là rất hốt hoảng. Cho dù vì lý do nào đi nữa, cảm thấy mình khác người là một đau khổ. Cho nên ta thường thấy phần đông người đồng tính rất mặc cảm tự ti, họ sống với sự giấu diếm và không dám là chính mình, mặc dù khát khao vô kể được một lần sống là chính mình. Cũng có những em ao ước được xã hội công nhận."
Một thực tế hiện nay, nhiều cha mẹ cảm thấy bị tổn thương và kinh ngạc, giận dữ, mắc cỡ và hoang mang về xu hướng tính dục và tình trạng giới tính của con mình. Có người còn cho đó là nghiệp chướng hay quả báo, phúc phận gì đó của gia đình.
Và thường phụ huynh phản ứng với hai thái cực: hoặc can thiệp mạnh mẽ vào đời sống của con, mong tìm cách cứu vãn tình thế, họ cho rằng con “bệnh hoạn” cần cứu chữa, ngăn cấm… hoặc buông xuôi, bỏ mặc con.
Bà Nguyễn Thị Tâm khuyên rằng: Điều căn bản và quan trọng giúp cho những đứa trẻ đồng tính hòa nhập với đời sống là mối liên hệ của chúng đối với cha mẹ. Chính sự hiểu biết, cảm thông nâng đỡ từ gia đình, sự chấp nhận các em của cha mẹ là nền tảng giúp các em vượt qua các khủng hoảng tinh thần và áp lực từ xã hội. Và điều này chỉ có thể xảy ra một khi những cá nhân trong gia đình nói chuyện một cách cởi mở với nhau, tin tưởng và tôn trọng nhau.