Dù tính tình sếp nóng nảy nhưng hãy cư xử với anh/cô ấy như với những người sếp tốt nhất (ảnh minh họa).
Để đối phó với kiểu sếp này, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau:
Luôn tôn trọng sếp
Dù tính tình sếp nóng nảy, thường xuyên phớt lờ những nỗ lực của bạn, hãy cư xử với anh/ cô ấy như với những người sếp tốt nhất. Bạn không phải tỏ vẻ “giả tạo” nịnh nọt sếp, chỉ cần lịch sự đủ để anh/ cô ấy thấy mình được tôn trọng. Hãy nhớ đây là người có vai trò quan trọng trong việc quyết định tăng lương, thăng tiến ở công việc hiện tại và có thể là người tham khảo cho bạn khi quyết định “nhảy việc”.
Coi tính tình của sếp là một nhược điểm
Sếp là người bình thường nên cũng có những điểm yếu. Tính tình nóng nảy của anh/cô ấy có thể là triệu chứng của rất nhiều điểm yếu khác, như kỹ năng giao tiếp hạn chế, ghen tị với người khác, không có tổ chức… Nhưng cho dù lý do cho cách cư xử thiếu chuyên nghiệp của anh/cô ấy là gì, đó là vấn đề của sếp. Bạn không thể kiểm soát hành động của anh/cô ấy mà chỉ có thể kiểm soát phản ứng của mình trước sếp. Hãy tiếp tục cố gắng hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Cư xử chuyên nghiệp
Sếp cư xử càng thiếu chuyên nghiệp ra sao thì bạn lại càng phải cư xử chuyên nghiệp bấy nhiêu. Hãy cư xử với đồng nghiệp, khách hàng, cấp trên và cả người ấy bằng thái độ nhã nhặn, lịch sự. Bạn nên chứng tỏ với sếp rằng sự chuyên nghiệp, chứ không phải cảm xúc khó kiểm soát của sếp, mới có thể chinh phục được niềm tin của mọi người cũng như giải quyết công việc hiệu quả.
Không nói xấu sếp
Bạn cũng sẽ cảm thấy tức giận trước những lời nói, hành động nóng nảy của sếp và muốn giãi bày với đồng nghiệp, bạn bè. Nhưng nhớ đừng nói những điều không hay về sếp. Làm như vậy cũng không giải quyết được vấn đề gì mà còn khiến bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp trong mắt những nhân viên khác.
Nói chuyện thẳng thắn với sếp
Khi cách cư xử vô lý của sếp vượt quá sức chịu đựng của bạn, hãy thẳng thắn nói chuyện với anh/cô ấy. Hẹn sếp vào một thời điểm và địa điểm thích hợp, cho anh/cô ấy biết bạn cảm thấy không thoải mái với “lỗ hổng giao tiếp” giữa 2 người. Hãy nói rằng bạn tôn trọng sếp và yêu thích công việc của mình nhưng bạn sẽ làm việc năng suất, hiệu quả hơn nếu có sự giúp đỡ của sếp. Sau đó, hỏi sếp xem bạn nên làm việc theo cách nào để khiến sếp hài lòng và đề nghị lời khuyên từ anh/cô ấy.
Lưu giữ “bằng chứng” về cách cư xử thiếu chuyên nghiệp của sếp
Hãy ghi chép lại những hành động, lời nói bất lịch sự hay có dấu hiệu lạm dụng quyền lực của sếp. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo ý kiến đồng nghiệp về cách cư xử của sếp. Khi tất cả mọi người đều cảm thấy bất mãn với sếp, đây sẽ là bằng chứng để phòng nhân sự hoặc lãnh đạo cấp cao hơn giải quyết vấn đề.