Ảnh minh họa
Hình ảnh những nam thanh nữ tú ra đường cưỡi xe đẹp, trên người đắp toàn hàng hiệu, xài phụ kiện đắt tiền và hiện đại như iPhone, O2, laptop xịn, màn cảm ứng “chấm” đã là chuyện thường ngày… Khối người tưởng đó là “dân chơi”, lâu lâu cố bon chen sắm cho mình “một góc” trong những tiêu chí đó để ngấp nghé cái danh hão. Nhưng có thực thế là “dân chơi” không nhỉ?
Ảnh minh họa
Thực ra, dân chơi là những người am hiểu và chơi đồ theo sở thích. Ví dụ, dân chơi xe thì phải hiểu được nguồn gốc, xuất xứ, tính năng của xe, công nghệ của nó, ưu điểm và nhược điểm ra sao. Không đủ điều kiện để làm một bộ sưu tập thì bao nhiêu thứ nghiên cứu hiểu biết đó cũng ngấm vào trong máu thịt, cứ gặp người “cùng hệ” là đàm đạo say sưa không dứt… Hay như dân chơi đồ công nghệ cao, từ laptop đến điện thoại cũng phải am tường như đi “guốc trong bụng” đồ mà mình sử dụng, từ tính năng, tính tiện dụng. Cũng như dân chơi đồ cổ, chỉ cần nhìn thoáng qua hoặc sờ một cái là có thể phán vanh vách được đồ đó từ thời vua nào, “gốc tích” ra làm sao và đồ này rởm hay xịn. Thượng vàng hạ cám, dù chỉ là món đồ hay vật nuôi, thô mộc tầm thường hay tinh xảo cầu kỳ, người ta phải yêu nó, hiểu nó, đeo đuổi và đắm say cùng những biến thể của nó.. hay chí ít cũng cảm nhận được vẻ đẹp ẩn giấu kết tinh trong món đồ đó thì mới gọi là dân “chơi”.
Ấy đấy, đã tiếng là dân chơi phải hội tụ đủ những điều “hiểu sâu, biết rộng, nắm vững nội dung”. Thú chơi lắm công phu, để được tiếng là dân chơi không phải là chuyện dễ dàng!
Ảnh minh họa
Còn những người vẫn ngộ nhận là “dân chơi” kia, quanh quẩn mua vội những món đồ xịn đấy, độc và đắt đấy, nhưng liệu có biết gì hay không? Người viết bài này có lần tình cờ sa vào một đám “dân chơi” này, tan cuộc thấy.. vừa cười vừa giận. Cũng đủ tiêu chí từ xe đến phụ kiện, long lanh hàng hiệu… Hỏi đến các “đời”, các “dòng”, chàng nào cũng tuôn ra hàng mớ chữ vừa đọc đâu đó trên các báo công nghệ, rồi so sánh bình phẩm. Nhưng động vào cái điện thoại, hỏi thăm một vài tính năng thì cái gì chàng cũng không rành, bẽn lẽn “mới mua chưa biết hết cách sử dụng”. Thậm chí, nhìn một “dân chơi” sử dụng chiếc laptop đời mới mà thấy thương cho cái đồ gọi là “công nghệ cao” kia khi chàng loay hoay, vật lộn, hỏi han mãi mới copy nổi một cái đĩa ca nhạc (!)
Suy cho cùng, nếu trong cái giới gồm rặt những “dân chơi” kiểu đó, thế đã là “đạt tiêu chuẩn chơi” rồi, bắt bẻ làm gì, mà giảng giải thế nào là dân chơi thì lại là việc càng không nên làm nữa!