[justify]Sau nhiều câu hỏi liên quan đến công thức tính giá bán lẻ xăng, dầu, tối 27-5, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng, dầu đầu mối giảm giá bán lẻ xăng. Cùng với quyết định này, Bộ cũng yêu cầu giảm mức sử dụng quỹ bình ổn với mặt hàng này từ 500 đồng xuống 200 đồng/lít. Mặc dù giá xăng đã giảm, song sự chậm trễ của DN và các ngành chức năng cho thấy, công tác quản lý giá xăng đã nảy sinh nhiều bất cập. Nghịch lý "tăng nhanh, giảm chậm" của giá xăng, dầu đã đẩy phần thiệt thòi về phía người tiêu dùng.[/justify]
[justify]Tăng nhanh, giảm quá chậm[/justify]
[justify]
Sau khi vượt qua mốc 85 USD/thùng, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới đã hạ nhiệt và giảm mạnh xuống mức 75-80 USD/thùng. Giá xăng, dầu thế giới giảm khiến người tiêu dùng hy vọng giá bán lẻ trong nước sẽ sớm điều chỉnh, song dường như việc ra quyết định giảm giá xăng, dầu khó khăn hơn nhiều so với khi ra quyết định tăng giá. Điều này khiến dư luận bức xức bởi trong câu chuyện điều hành giá xăng, dầu, phần thiệt thòi thường nghiêng về phía người tiêu dùng.[/justify]
Giá xăng tăng nhanh, giảm chậm, chỉ người tiêu dùng chịu thiệt. Ảnh: Đàm Duy
[justify]Tại Công văn số 6526/BTC-VP (ngày 21-5) về việc điều hành giá xăng, dầu, Bộ Tài chính cho biết, nếu giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sẽ điều hành giá mặt xăng, dầu theo thứ tự ưu tiên. Trước hết, sẽ bảo đảm cho các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối kinh doanh không bị lỗ. Thứ hai, ngừng sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu nhằm bảo toàn, nâng số dư của quỹ để sử dụng khi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tăng cao trở lại. Thứ ba, điều chỉnh giảm giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu. Mặc dù Chính phủ đã chủ trương sẽ điều hành mặt hàng xăng, dầu theo tín hiệu thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - DN - người tiêu dùng. Song, ngay trong quyết định mới nhất về giá xăng, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chỉ xếp cuối cùng.
[/justify]
Rất cần sự kiểm soát rõ ràng lỗ, lãi trong kinh doanh xăng, dầu. Ảnh: Linh Ngọc
[justify]Bên cạnh bất cập "tăng nhanh, giảm chậm", thậm chí phải đợi có yêu cầu của Bộ Tài chính, DN mới giảm giá bán lẻ, dư luận cũng không khỏi bức xúc trước thông tin giá giảm, nhưng các DN đầu mối lại quyết định tăng hoa hồng cho đại lý chứ chưa vội giảm giá bán. Điều này cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng ít khi được tính đến khi cân nhắc tăng, giảm giá xăng, dầu; trong khi các "thượng đế" vẫn phải đều đặn nộp quỹ bình ổn giá khi mua xăng, dầu (tới đây sẽ gồm cả phí đường bộ, phí môi trường)… Ngoài những thiệt thòi kể trên, người mua xăng ở vùng sâu, vùng xa (vùng 2) đang phải chịu mức giá xăng đắt hơn 2% (tương đương khoảng 330 đồng/lít). Theo lý giải của DN, sự chênh lệch này là do vùng 2 địa bàn xa, chi phí kinh doanh cao khiến giá xăng đắt hơn vùng 1. Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, nếu DN đã áp mức vận chuyển cao, thì không nên áp dụng mức giá vùng 2 cao hơn vùng 1 từ 300 đồng đến 400 đồng/lít như hiện nay.[/justify]
[justify]Cần kiểm toán lỗ, lãi trong kinh doanh xăng, dầu[/justify]
[justify]
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng, dầu Việt Nam (Petrolimex), hình thành giá bán lẻ xăng, dầu của các DN luôn phải tuân thủ đúng theo quy định tại Nghị định 84/CP về kinh doanh xăng, dầu. Công thức tính giá mà Petrolimex đăng tải công khai trên website của DN là đúng theo chuẩn của Nhà nước. Theo bản tin tính giá cơ sở do Petrolimex công bố ngày 26-5, với mặt hàng xăng RON 92, DN lỗ 101 đồng; diesel 0,5S: lỗ 650 đồng; dầu hỏa: lỗ 648 đồng; dầu ma dút: hòa vốn. Lý giải câu hỏi vì sao DN kinh doanh lỗ mà vẫn tăng chiết khấu cho các đại lý, ông Bảo cho biết, trong kinh doanh, mỗi DN sẽ tùy vào mục tiêu của mình để điều tiết các khoản chi, chứ không thể nào chỉ nhìn vào lợi nhuận thuần túy trước mắt. Chẳng hạn, khi muốn mở rộng thị trường, DN sẽ tăng hoa hồng đại lý để thu hút thêm khách hàng, sau đó mới điều chỉnh cho phù hợp. Thêm vào đó, thời gian vừa qua, do nhiệm vụ bình ổn giá, phần hoa hồng cho đại lý bị cắt giảm đáng kể. Việc nới khoản chi này ra khi giá thế giới giảm xuống cũng là dễ hiểu. Nếu công ty đầu mối không bảo đảm hoa hồng cho đại lý sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức phát triển thị trường.[/justify]
[justify]Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), các DN xăng, dầu luôn kêu lỗ với nhiều mức khác nhau, nhưng thông tin này chưa có ai kiểm chứng. Hiện nay, các DN xăng, dầu đang thống lĩnh thị trường, giá bán lẻ do họ định đoạt khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Theo kết quả mà kiểm toán nhà nước công bố, xăng dầu là một trong những lĩnh vực có lãi nhiều nhất. Vì vậy, việc xác định lỗ lãi của DN kinh doanh xăng, dầu phải được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng. Nghịch lý thông báo lỗ, nhưng vẫn tăng chiết khấu cho đại lý rất khó chấp nhận và mâu thuẫn này cần được kiểm tra, làm rõ…[/justify]
[justify]Những bất cập nảy sinh trong công tác điều hành giá xăng, dầu thời gian qua cho thấy, các ngành chức năng cần sát sao hơn nữa trong việc theo dõi, kiểm chứng mức giá bán lẻ xăng, dầu mà các DN đầu mối đưa ra. Dư luận đang chờ những hành động quyết liệt và kịp thời của cơ quan quản lý nhằm kiểm soát chặt chẽ giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu, đồng thời loại bỏ dần những bất cập đang diễn ra hiện nay.[/justify]