Diệp Vấn (2008)
Đạo diễn: Diệp Vĩ Tín
Diễn viên: Chung Tử Đơn, Lâm Gia Đống, Nhậm Đạt Hoa, Hồng Đại Lâm…
Thể loại: Hành động / Võ thuật / Tiểu sử / Lịch sử
Đánh giá: 3 / 5*
Trailer:
|
Do bối cảnh lịch sử văn hoá đặc thù, từ hàng nghìn năm qua, đất nước Trung Hoa luôn sản sinh ra vô số cao thủ võ thuật. Đặc biệt giai đoạn cuối thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20, rất nhiều anh hùng dân tộc đã ra đời với những câu chuyện được lưu truyền trong nhân gian: Hoàng Phi Hồng đất Phật Sơn với tuyệt kỹ Vô ảnh cước, Hổ hạc song hình quyền, Hoắc Nguyên Giáp - người đã sáng lập ra lò võ Tinh Võ Môn nổi tiếng, hay về sau nay là huyền thoại Lý Tiểu Long. Tuy sinh ra trong những thời thế khác nhau, họ đều là những bậc thầy võ thuật, về sau này được phong là nhất đại tông sư. Đó là những gì trong lịch sử lưu truyền và ghi chép lại.
Còn trên màn ảnh rộng, người Trung Quốc từ lâu cũng đã khai thác triệt để các giai thoại kể trên. Điều quan trọng là các nhà làm phim rất biết cách đề cao tính tự lực tự cường, đề cao tinh thần dân tộc trong mỗi tác phẩm điện ảnh thông qua những cao thủ võ thuật như Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, thậm chí là cả đệ tử của họ như Lương Khoan, Trần Chân. Tại Hồng Kông, vào giữa thế kỷ 20, Vịnh Xuân quyền là môn phái khá nổi tiếng, trưởng môn khi đó của võ đường là Diệp Vấn (ông chính là sư phụ của Lý Tiểu Long). Mặc dù cũng là kỳ tài về võ thuật nhưng cuộc đời ông chưa bao giờ được chuyển thể lên màn ảnh rộng.
Khi đạo diễn Diệp Vĩ Tín cùng diễn viên Chung Tử Đơn bắt tay vào thực hiện dự án làm phim về tiểu sử nhân vật Diệp Vấn, đã có vô số khán giả yêu thích điện ảnh Hồng Kông nói chung và các fan hâm mộ thể loại phim võ thuật nói riêng đặt rất nhiều kỳ vọng. Thế nhưng, theo đánh giá của các nhà phê bình phim Trung Quốc, bộ phim mới chỉ làm tốt phần võ thuật, còn phần tiểu sử lại hoàn toàn thất bại.
Bối cảnh của phim diễn ra vào khoảng thập niên 20, 30 tại vùng Phật Sơn tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Tại đây, võ thuật phát triển rất phồn thịnh. Nhiều môn phái thi nhau khai sinh, thu nạp đệ tử từ khắp nơi. Diệp Vấn (Chung Tử Đơn), với môn quyền Vịnh Xuân đã đánh bại nhiều trưởng môn khác (hầu hết đều tìm đến ông thách đấu) để trở thành nhất đại cao thủ tại Phật Sơn. Không những nổi tiếng vì võ thuật, Diệp Vấn còn được mọi người yêu quí vì tính khiêm nhường.
Thế nhưng khi cuộc chiến Nhật – Trung nổ ra, Phật Sơn bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Anh cùng vợ mình là Trương Vĩnh Thành (Hồng Đại Lâm) đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa để chuyển đến sinh sống tại một căn gác ọp ẹp. Rất nhiều người dân, trong đó có Diệp Vấn phải đi xúc than nhằm kiếm sống qua ngày. Bên cạnh việc đề ra những luật lệ hà khắc bóc lột dân chúng, người Nhật còn mang đến Phật Sơn nhiều âm mưu đen tối. Tướng quân Miura là người rất yêu thích võ thuật nên hắn đã cho mở một sàn đấu để lính Nhật giao đấu với các võ sư Trung Quốc. Qua đó, hắn có thể học hỏi, tham khảo từ các môn phái khác nhau. Vật treo thưởng cho người thắng cuộc là gạo trắng. Do quá nghèo đói, đã có không ít kẻ tham gia để rồi chết thảm trên sàn đấu.
Sau khi chứng kiến tài năng của Diệp Vấn, Miura tỏ ra rất ngưỡng mộ và mời anh dạy võ thuật cho lính Nhật. Đối với một bộ phim đề cao tinh thần thượng võ, tinh thần dân tộc như Diệp Vấn thì khán giả có thể đoán được câu trả lời. Ở ngoài đời thật, Diệp Vấn đã đến Hồng Kong khi ông 56 tuổi để mở võ đường Vịnh Xuân. Lý Tiểu Long chính là học trò đắc ý một thời của ông.
Như đã nói ở trên, bộ phim mới chỉ làm tốt phần võ thuật còn phần tiểu sử về Diệp Vấn thì được chuyển tải khá hời hợt. Lý do chủ yếu dẫn đến thất bại là vì kịch bản phim tập trung quá nhiều vào bối cảnh lịch sử, cùng những chi tiết râu ria mà quên xây dựng con người của Diệp Vấn. Còn nhớ Hoắc Nguyên Giáp của Lý Liên Kiệt cách đây 2 năm đã làm rất tốt khi mô tả tính cách, cũng như sự trưởng thành trong tư duy của nhân vật chính qua từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Đối với Diệp Vấn, Diệp Vĩ Tín chỉ đưa được tới người xem cái mà nhân vật hành động, chứ chưa tập trung về phần “người” của Diệp Vấn.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trừ Hoạ Bì và Giang Sơn Mỹ Nhân, Chung Tử Đơn chưa bao giờ làm người xem phải thất vọng vì phần võ thuật trong các bộ phim mà anh tham gia. Từ Anh Hùng (2002), Sát Phá Lang (2005), Long Hổ Môn (2006), và gần đây nhất là Ngòi Nổ (2007), chúng ta luôn được chứng kiến những pha chiến đấu ngoạn mục, mang tính giải trí rất cao. Hiện nay, ở thể loại phim võ thuật tại Hồng Kông, Trung Quốc, Chung Tử Đơn là một trong ba diễn viên tên tuổi nhất là bên cạnh Ngô Kinh và Lý Liên Kiệt.
Nếu như Ngô Kinh mãi vẫn chỉ dậm chân ở những vai phản diện, còn Lý Liên Kiệt đã lớn tuổi, thời gian qua chỉ tập trung làm phim tại Hollywood thì mỗi năm Chung Tử Đơn vẫn đều đặn cho “ra lò” ít nhất một bộ phim. Cho dù không phải tác phẩm nào cũng hay, nhưng điều quan trọng là anh luôn khiến khán giả phải háo hức chờ đợi. Khi Chung Tử Đơn đóng vai chính, Hồng Kim Bảo chỉ đạo võ thuật thì người xem không có gì mà phải chê các màn chiến đấu trong phim. Phần võ thuật kết hợp được tính đẹp mắt và dữ dội, mạnh bạo trong các pha hành động. Cảnh đáng nhớ nhất chính là trận đầu giữa Diệp Vấn với 10 võ sỹ Nhật.
Cho dù phần nội dung chưa làm khán giả cảm thấy hài lòng nhưng với những màn võ thuật cực kỳ mãn nhãn, Diệp Vẫn vẫn là bộ phim giải trí cực kỳ đáng xem.