Chỉ vì vừa dùng điện thoại, vừa sạc pin H. bị bỏng toàn thân do chiếc điện thoại phát nổ.
Sáng nay (5/8), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân N.V.H. (17 tuổi, trú huyện Lệ Thủy) bị bỏng toàn thân sau khi điện thoại phát nổ.
Người nhà nạn nhân cho hay, tối hôm trước, H. nằm trên giường vừa dùng điện thoại vừa sạc pin thì bất ngờ thiết bị phát nổ. Ngọn lửa cháy lan vào các vật dụng trong phòng, khiến H. bị bỏng toàn thân.
Khi sạc điện thoại tuyệt đối không được dùng- Ảnh minh hoạ
Ngay lập tức, H. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy cấp cứu sau đó, H. được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.
Tại đây, bác sĩ cho biết, do vết thương quá nặng nên buộc phải chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục cứu chữa.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc dùng điện thoại trong lúc sạc pin dẫn đến phát nổ gây nguy hiểm cho người dùng.
Trước đó, tối ngày 6/7, anh Phùng Văn C. (SN 1998, dân tộc Nùng, trú tại thôn Nà Làng, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang sạc pin lại vừa nhắn tin trao đổi với người thân trên máy điện thoại di động.
Khi đang dùng thì chiếc điện thoại phát nổ, rơi xuống ngực làm anh C. bị sém một khoảng áo lớn. Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình và cán bộ y tế xã đã tiến hành sơ cứu, tuy nhiên do vết thương khá nặng nên anh C. đã tử vong.
"Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương đã đến hỗ trợ gia đình lo hậu sự, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân có ý thức đề phòng khi sử dụng điện thoại di động cá nhân", vị lãnh đạo nói.
Qua sự việc, các bác sĩ khuyến cáo, thói quen dùng điện thoại khi đang sạc pin không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe do tia sáng ở điện thoại ảnh hưởng đến mắt mà còn gây ra nhiều tác hại đến thiết bị di động và nhiều hiểm họa khôn lường khác.
Ngoài khả năng gây cháy điện thoại do điện áp cao, người dùng có thể bị điện giật nếu chạm vào điện thoại, nhất là khi tay ướt.
Muốn không trả giá bằng mạng sống hoặc tàn phế cần bỏ ngay thói quen dùng điện thoại đang sạc và để điện thoại đang sạc gần người; luôn kiểm tra cục dây sạc để phát hiện chỗ hở; không để đồ sạc lung tung; dùng sạc chính hãng; chú ý vật dụng kim loại ở gần điện thoại hay cục sạc; thấy điện thoại quá nóng phải ngừng sạc (khoảng 800C pin sẽ nổ); nên thay pin khi dùng 3 năm.
Nghiên cứu mới đây ở Anh cho thấy, chỉ 3/400 thiết bị sạc Apple sản xuất từ nước thứ 3 (được kiểm định) đạt tiêu chuẩn an toàn.